03:06 07/03/2021

Thế giới tuần qua: Biến thể COVID-19 dồn sóng lây nhiễm mới; Bế tắc chính trị tiếp diễn tại Myanmar

Nguy cơ tái bùng phát làn sóng dịch bệnh COVID-19 từ các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và căng thẳng chính trị tiếp tục leo thang tại Myanmar là hai mối quan tâm hàng đầu của dư luận thế giới trong tuần qua.

Nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát từ biến thể mới của virus

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Rio de Janeiro (Brazil) ngày 5/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tuần qua, các nhà khoa học đã gióng lên hồi chuông báo động về sự nguy hiểm của các biến thể virus SARS-CoV02 mới, đặc biệt là biến thể được tìm thấy tại thành phố Manaus (Brazil), hay còn có tên khoa học là P.1.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 5/3 cảnh báo thế giới không nên chủ quan do sự xuất hiện của vaccine vì biến thể virus SARS-CoV-2 từ Brazil có thể lây lan mạnh mẽ sang các nước khác và khiến làn sóng dịch bệnh nhiều khả năng quay trở lại.

Theo tổ chức trên, tuần qua Brazil đã chứng kiến những con số kỷ lục về số ca mắc mới cũng như trường hợp tử vong vì COVID-19. Hệ thống y tế tại quốc gia này cũng đứng trên bờ vực sụp đổ khi có thêm quá nhiều người mắc và diễn biến bệnh trở nên nặng hơn, nhanh hơn.

Trên quy mô toàn cầu, dữ liệu của WHO cho thấy số ca mắc COVID-19 tuần qua đã đảo ngược xu hướng giảm kéo dài trước đó 6 tuần bất chấp hàng triệu liều vaccine đã được phân phối tới người dân.

“Đây không phải là lúc để Brazil hay bất kỳ nơi nào khác trên thế giới này buông lỏng. Sự xuất hiện của các vaccine đem đến cho chúng ta niềm hy vọng lớn nhưng không có nghĩa là chúng ta mất đi sự tập trung”, Mike Ryan - chuyên gia cấp cao về tình trạng khẩn cấp của WHO - nhấn mạnh trong cuộc họp trực tuyến ngày 5/3.

Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học thuộc trường Imperial ở London (Anh) kết luận một biến thể của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Brazil, hiện lây lan ra ít nhất 20 quốc gia trên thế giới, có tốc độ lây lan nhanh, có thể tái lây nhiễm cho những người trước đó đã khỏi bệnh. Các nhà khoa học tính toán tỷ lệ tái nhiễm của biến thể này lên tới 61% và nó có khả năng lây nhiễm cao hơn từ 1,4 đến 2,2 lần so với loại virus SARS-CoV-2 xuất hiện ban đầu.

Giới chuyên gia nhận định sự xuất hiện của các biến thể virus SARS-CoV-2 mới như biến thể ở Brazil, biến thể ở Nam Phi hay biến thể ở Anh đã làm gia tăng lo ngại về hiệu quả của các loại vaccine và thuốc, vốn được phát triển dựa trên các chủng virus trước đó.

Các nhà sản xuất thuốc đều từng đưa ra cảnh báo những biến thể này có thể làm giảm công hiệu của vaccine. Trong khi Pfizer chỉ ra biến thể virus ở Nam Phi có thể làm giảm 2/3 khả năng bảo vệ kháng thể từ vaccine COVID-19 của hãng này thì một nghiên cứu lấy mẫu thí nghiệm quy mô nhỏ gần đây cho thấy vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac (Trung Quốc) nhiều khả năng sản sinh kháng thể chưa đủ chống lại biến thể ở Brazil.

Để thích ứng phòng ngừa các biến thể mới của virus, các nhà sản xuất bao gồm Pfizer, Astrazeneca cũng tích cực chạy đua với thời gian để điều chỉnh và nâng cấp vaccine. Tính đến nay, đã có tổng cộng 5 nước là Anh, Australia, Canada, Singapore và Thụy Sĩ tham gia một thỏa thuận phê duyệt nhanh vaccine được điều chỉnh. Các nước gồm đã cùng nhất trí ưu tiên đưa các loại vaccine COVID-19 hiệu quả đến công chúng trong thời gian ngắn nhất có thể nhưng vẫn bảo đảm tính an toàn.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 17h chiều 6/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 116.724.458 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.593.263 trường hợp tử vong.

Sôi sục căng thẳng chính trị tại Myanmar

Chú thích ảnh
Cảnh sát Myanmar phải sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình phản đối việc nắm quyền lãnh đạo đất nước của các quan chức quân đội cấp cao tại Yangon ngày 3/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Myanmar tuần qua đã chứng kiến ngày bạo lực nhất kể từ khi xảy ra chính biến trong bối cảnh tình hình tại quốc gia Đông Nam Á này tiếp tục diễn biến phức tạp. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết ít nhất 38 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ ngày 3/3 giữa người biểu tình và lực lượng an ninh Myanmar tại nhiều thành phố.

Người đứng đầu cơ quan nhân quyền của LHQ bà Michelle Bachelet đã lên tiếng yêu cầu lực lượng an ninh Myanmar chấm dứt các hành động mà bà gọi là “trấn áp gay gắt đối với người biểu tình ôn hòa”. Theo bà Bachelet, trên 1.700 người trong đó có 29 nhà báo đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình.

Trước những diễn biến căng thẳng ở Myanmar, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan ngại. Ngày 28/2, Tổng Thư ký LHQ ông Antonio Guterres đã bày tỏ lo ngại về các cuộc đụng độ giữa cảnh sát với người biểu tình Myanmar, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng yêu cầu chấm dứt bạo lực.

Trong hội nghị không chính thức các Bộ trưởng Ngoại giao của 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày 2/3, các nhà lãnh đạo đã đưa ra tuyên bố chung. Các quốc gia thành viên bày tỏ sự quan ngại về tình hình ở Myanmar và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không kích động bạo lực và tìm kiếm giải pháp hòa bình, thông qua đối thoại. Các nước khẳng định ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Myanmar một cách tích cực, hòa bình và mang tính xây dựng.

Trong khi đó, Hội đồng Bảo an LHQ ngày 5/3 đã họp về tình hình khủng hoảng ở Myanmar với sự tham dự của Đặc phái viên LHQ tại Đông Nam Á Christine Schraner Burgener. Đại diện của các nước đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình leo thang bạo lực, gây thương vong cho dân thường và kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực, ổn định tình hình, giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và tiếp tục các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo cho người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em. 

Kể từ khi quyền lực nhà nước tại Myanmar được chuyển giao cho Hội đồng Hành chính Nhà nước do Tổng Tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing làm Chủ tịch, quân đội Myanmar luôn cam kết tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực, đồng thời phủ nhận việc tiến hành đảo chính, cũng như cáo buộc làn sóng biểu tình trong nước hiện nay có hành vi bạo lực. Tuy nhiên, đến nay thời điểm tổ chức bầu cử vẫn chưa được công bố.

Bảo Hà/Báo Tin tức