11:07 19/11/2017

Thế giới tuần qua: Bất ổn tại Zimbabwe, tranh luận về quyền phát động tấn công hạt nhân của Tổng thống Mỹ

Diễn biến bất ổn tại Zimbabwe sau khi quân đội nước này vào đêm 14/11, rạng sáng 15/11 triển khai binh sĩ cùng vũ khí hạng nặng giành quyền kiểm soát thủ đô Harare và quản thúc Tổng thống Mugabe, cùng với cuộc tranh luận về quyền phát động tấn công hạt nhân của Tổng thống Mỹ là hai sự kiện đáng chú ý tuần qua.

Zimbabwe chìm sâu vào khủng hoảng

Xe quân sự xuất hiện trên đường phố thủ đô Harare ngày 15/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Đêm 14/11, rạng sáng 15/11, quân đội Zimbabwe đã triển khai binh sĩ cùng vũ khí hạng nặng giành quyền kiểm soát thủ đô Harare và đài truyền hình quốc gia Zimbabwe và một số cơ quan chính phủ, tòa nhà quốc hội, tòa án… Quân đội Zimbabwe quản thúc Tổng thống Robert Mugabe và vợ ông tại “Nhà Xanh”, đồng thời bắt giữ một số quan chức chính phủ và nhân vật thân cận với Tổng thống, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về một cuộc đảo chính quân sự tại Zimbabwe.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu trên truyền hình, Tư lệnh quân đội Constantino Chiwenga cho biết các hoạt động quân sự của quân đội là nhằm "truy lùng các phần tử tội phạm" xung quanh Tổng thống Robert Mugabe, đồng thời bác bỏ rằng đây là một cuộc đảo chính.

Trước đó, tình hình căng thẳng chính trị tại Zimbabwe leo thang sau khi Tổng thống Mugabe bất ngờ sa thải “cánh tay phải” - Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa do có âm mưu tiếm quyền và quân đội nước này đã cảnh báo sẽ can thiệp vào chính trường. Ông Mnangagwa được coi là ứng cử viên kế nhiệm ông Mugabe, bên cạnh một ứng viên khác là phu nhân Tổng thống Grace Mugabe.

Cho tới thời điểm này, quân đội Zimbabwe có vẻ như đang ở thế chủ động kiểm soát tình hình ở nước này. Trong khi đó, trong lần đầu xuất hiện công khai kể từ khi quân đội “động binh”, ngày 17/11, Tổng thống Mugabe nhất mực khẳng định ông là nhà lãnh đạo hợp pháp duy nhất của nước này và sẽ không từ chức.

Trên thực tế,  tình hình Zimbabwe liên tục căng thẳng do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và những bất ổn chính trị trong suốt 1 thập kỷ qua. Tình trạng hỗn loạn do cuộc chính biến hiện này và chưa biết sẽ kéo dài bao lâu càng khiến quốc gia miền nam châu Phi này chìm sâu vào khủng hoảng.

Liệu Tổng thống Mỹ có quyền phát động tấn công hạt nhân?

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã nhận “vali hạt nhân” từ người tiền nhiệm Barack Obama. Theo đó, Tổng thống Mỹ có thể phát động tấn công hạt nhân mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội nước này.

Tuy nhiên, lo ngại trước mối căng thẳng Mỹ-Triều Tiên gia tăng, Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 14/11 đã mở cuộc điều trần về thẩm quyền ra lệnh tấn công hạt nhân nhằm vào một nước khác của Tổng thống Mỹ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1976 Quốc hội Mỹ thảo luận về thẩm quyền phát động tấn công hạt nhân của Tổng thống Mỹ.

Một nhóm Thượng nghị sỹ Dân chủ đã đưa ra một dự luật nhằm hạn chế quyền này của Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, dự luật của phía Dân chủ không nhận được sự ủng hộ của phe Cộng hòa, hiện đang chiếm đa số tại Thượng viện.

“Chúng tôi lo ngại rằng Tổng thống Mỹ không ổn định, rất bất ổn, có cách ra quyết định thiếu bình tĩnh, và ông ấy có thể ra lệnh tấn công hạt nhân đi ngược lại lợi ích an ninh quốc gia Mỹ”, Thượng nghị sĩ (TNS) Dân chủ Chris Murphy nói trong phiên điều trần. Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện, TNS đảng Cộng hòa Bob Corker, cảnh báo rằng “một khi lệnh tấn công được đưa ra và xác nhận, sẽ không có cách nào để thu hồi nó”.

Tuy có sự chia rẽ về quan điểm giữa các bên nhưng hiện nay, quyền phát động tấn công hạt nhân của Tổng thống Donald Trump chưa có dấu hiệu bị hạn chế.

Trần Minh/Báo Tin tức