08:06 04/08/2019

Thế giới Tuần qua: Bán đảo Triều Tiên lại 'nóng', tình hình Biển Đông chi phối các hội nghị ASEAN

Những diễn biến gần đây trên Biển Đông và các vụ phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên là hai sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần.

Tình hình Biển Đông chi phối hội nghị cấp cao ASEAN

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ 5, phải) dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52). Ảnh: THX/TTXVN

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các hội nghị liên quan tại Bangkok, Thái Lan từ 29/7 đến 3/8, vấn đề Biển Đông là nội dung liên tục được trao đổi và nhấn mạnh.

Nhiều bộ trưởng thể hiện sự quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, đặc biệt là vụ việc tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam.

Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 26 (ARF-26) tổ chức ngày 2/8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng vẫn còn những quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, bao gồm các hành động đơn phương và sự cố nghiêm trọng đang diễn ra ở Biển Đông, đặc biệt là những hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại hội nghị về vấn đề Biển Đông rất thẳng thắn, chân thành, trên tinh thần xây dựng và hữu nghị. Vì thế, bài phát biểu đã được nhận sự chia sẻ và ủng hộ của nhiều nước.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên tiếng chỉ trích hành động "cưỡng ép" của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các nước thành viên ASEAN "công khai bày tỏ lập trường phản đối hành động này".

Tối 31/7, Hội nghị AMM-52 đã ra Thông cáo chung dài 23 trang, đề cập tất cả các nước đều phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), kêu gọi các bên kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), mong muốn sớm có được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và mang tính bền vững.

Không chỉ trong khuôn khổ AMM-52, những diễn biến gần đây trên Biển Đông cũng thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia.

Ngày 31/7, lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã ra tuyên bố lên án các hoạt động phi pháp gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Jim Risch, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ,  cho biết: “Các hoạt động khảo sát của một tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và việc triển khai tàu cảnh sát biển của Trung Quốc chỉ là bằng chứng mới nhất về việc Trung Quốc sẵn sàng sử dụng hành vi cưỡng ép nhằm khẳng định các yêu sách bất hợp pháp ở Biển Đông".

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Cory Gardner, Chủ tịch Tiểu Ban Đông Á-Thái Bình Dương và Chính sách An ninh mạng Quốc tế nêu rõ: “Việc quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông và các hành động thù địch đối với các quốc gia có yêu sách khác là bất hợp pháp, gây bất ổn và trái với luật pháp quốc tế”.

Về phía Ấn Độ, sau khi được Việt Nam thông báo các tàu của Trung Quốc đang tìm cách làm gián đoạn hoạt động thăm dò của Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 1/8 khẳng định có lợi ích to lớn ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế ở vùng biển này.

Trước đó, vào ngày 30/7,  Bộ trưởng Quốc phòng Philippines lên tiếng chỉ trích các hành động của Trung Quốc mà ông cho là "hăm dọa" tại Biển Đông và cho rằng những tuyên bố đảm bảo hòa bình của Bắc Kinh hoàn toàn trái ngược với hoạt động của họ tại vùng biển này.

Triều Tiên liên tục tung đòn, ‘nắn gân’ Hàn-Mỹ

Chú thích ảnh
Hệ thống tên lửa đạn đạo của Triều Tiên được phóng thử nghiệm ngày 31/7/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Chỉ trong vòng 1 tuần, Triều Tiên đã ba lần phóng các vật thể bay được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra bờ biển phía Đông nước này, lần lượt trong các ngày 2/8, 31/7 và 25/7.

Ngày 3/8, Triều Tiên thông báo đã thử nghiệm hệ thống rocket dẫn đường năng lực cao mới trong những vụ phóng được tiến hành 1 ngày trước dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Vụ khai hỏa hệ thống phóng nhiều rocket là nhằm kiểm tra các khả năng của hệ thống này, như tầm bay và khả năng kiểm soát đường đạn.

Truyền thông Mỹ dẫn lời các quan chức chính phủ cho biết các vật thể được phóng vào biển Nhật Bản được cho là các tên lửa đạn đạo tầm ngắn tương tự như các vũ khí được Triều Tiên bắn thử trong 8 ngày qua.

Phản ứng trước động thái mới của Bình Nhưỡng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông “không có vấn đề gì” với một loạt vụ phóng thử này và tin rằng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ không vi phạm cam kết.

Giới chuyên gia nhận định các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên dường như muốn bộc lộ sự không hài lòng trước cuộc tập trận quân sự chung giữa Hàn Quốc và Mỹ dự kiến tổ chức trong tháng tới. Sau vụ phóng tên lửa tuần trước, truyền thông nhà nước Triều Tiên tuyên bố hành động của quốc gia Đông Bắc Á này được triển khai nhằm gửi cảnh báo “sắc lạnh” tới Hàn Quốc trước kế hoạch tập trận chung với Mỹ và mua chiến đấu cơ công nghệ cao F-35 từ đồng minh phương Tây.

Không chỉ vậy, động thái trên còn nhằm củng cố sức mạnh đàm phán của Triều Tiên trước khi chính thức nối lại tiến trình đối thoại với Mỹ. Các chuyên gia cho rằng việc phóng tên lửa là một trong số ít lựa chọn mà Triều Tiên phải thực hiện để thúc đẩy chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhanh chóng đẩy nhanh các cuộc đàm phán hạt nhân đang bế tắc từ Hội nghị thượng đỉnh tháng Hai tại Hà Nội.

Giới chuyên gia cảnh báo Bình Nhưỡng có thể tiếp tục phóng tên lửa cho đến khi cuộc tập trận "19-2 Dong Maeng" sắp tới giữa Seoul và Washington kết thúc.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức