03:06 11/03/2018

Thế giới tuần qua: Ấn định Thượng đỉnh Mỹ-Triều, lịch sử gọi tên CPTPP

Trong tuần qua, thế giới dồn mọi chú ý vào sự kiện Mỹ-Triều Tiên tổ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 5 và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được ký tại Chile.

Chính thức ký kết CPTPP

Tháng 1/2017, Tổng thống Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này đã gây bất ngờ cho các thành viên còn lại của TPP.

Ngoại trưởng Chile, nơi diễn ra lễ ký kết CPTPP, cho biết thỏa thuận thương mại này là tín hệu mạnh mẽ “chống lại áp lực bảo hộ, tạo điều kiện cho một thế giới mở cửa với thương mại”.

Đại diện các nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP trong cuộc họp báo sau lễ ký ở Santiago ngày 8/3. Ảnh: THX/TTXVN.

Bất chấp việc Mỹ rút khỏi TPP, hiệp định này vẫn bao gồm thị trường có tới 500 triệu người tiêu dùng. Đài BBC (Anh) cho biết có nhiều ý kiến ủng hộ đánh giá CPTPP là hình mẫu cho các thỏa thuận thương mại trong tương lai.

11 quốc gia thành viên CPTPP dự kiến đưa thỏa thuận này có hiệu lực ngay trong năm nay thay vì 2019 như dự kiến. CPTPP sẽ có hiệu lực sau 2 tháng kể từ khi 6 quốc gia thành viên phê chuẩn thỏa thuận. Trong đó, Chile, Peru, New Zealand, Nhật Bản và Mexico đều tuyên bố sẽ nỗ lực đề hoàn thành tiến trình này trong năm 2018.

Trong tháng 2 vừa qua, 25 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, bao gồm cả Chủ tịch Ủy ban Tài chính Orrin Hatch, đã gửi thư tới Tổng thống Trump đề nghị ông đưa nước Mỹ quay trở lại TPP. Tổng thống Mỹ Trump từng nói rằng ông sẽ để Mỹ tái gia nhập TPP nếu có một “thỏa thuận thương mại tốt hơn” cho nước này. Tuy nhiên, để gia nhập CPTPP, một quốc gia sẽ cần phải giành được “cái gật đầu” từ tất cả 11 thành viên hiệp định này.

11 thành viên đã ký CPTPP vào ngày 8/3 tạ Chile gồm có: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Lãnh đạo Mỹ- Triều Tiên sẵn sàng viết trang sử mới?

Chánh Văn phòng An ninh Quốc gia Phủ tổng thống Hàn Quốc Chung Eui-yong tối 8/3 phát biểu tại Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp nhận lời mời gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong tháng 5 tới.

Tổng thống Trump sau đó đã xác nhận thông tin này trên mạng xã hội Twitter: “Ông Kim Jong-un đã nói với các đại diện Hàn Quốc về dỡ bỏ vũ khí hạt nhân, không phải là chỉ dừng ở mức đóng băng. Và Triều Tiên sẽ không thử tên lửa trong thời gian này. Những diễn biến mới tích cực đang được tạo ra nhưng các lệnh trừng phạt vẫn sẽ được duy trì cho đến khi đạt được một thỏa thuận. Cuộc gặp đang được lên kế hoạch!”.

Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ đương nhiệm và nhà lãnh đạo Triều Tiên, được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá trong quan hệ giữa hai quốc gia đối địch lâu nay này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters

Trước đó, một phái đoàn cấp cao Hàn Quốc đã tới Bình Nhưỡng trong 2 ngày 5-6/3 và có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Vào ngày 6/3, ông Chung Eui-yong, một thành viên của phái đoàn tới Bình Nhưỡng nêu rõ: “Triều Tiên cho biết có thể đối thoại thẳng thắn với Mỹ về phi hạt nhân và bình thường hóa quan hệ giữa Bình Nhưỡng cùng Washington”.

Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã khẳng định với phái đoàn cấp cao Hàn Quốc rằng Bình Nhưỡng sẵn lòng khởi động đối thoại với Mỹ về từ bỏ vũ khí hạt nhân và quốc gia này có thể ngưng mọi cuộc thử tên lửa, hạt nhân khi tham gia vào đối thoại.

Ông Chung Eui-yong cũng tuyên bố rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đồng ý gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong tháng 4 tới. Phát biểu với hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), Tổng thống Moon Jae-in nhận định “phi hạt nhân và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên đang trở thành hiện thực”.

Nếu diễn ra, các hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều và liên Triều sẽ trở thành những sự kiện lịch sử. Dù còn một chặng đường dài phía trước, song những tín hiệu khởi sắc bất ngờ này đang làm dấy lên hy vọng về một tương lai hòa bình và ổn định hơn trên Bán đảo Triều Tiên - một "điểm nóng" của thế giới suốt mấy chục năm qua.

Hà Linh/Báo Tin tức