06:05 07/06/2020

Thế giới Tuần qua: 10 ngày nước Mỹ chìm trong biểu tình; cam kết lịch sử về 'bình đẳng vắc-xin'

Nước Mỹ chật vật đối phó với biểu tình bạo loạn sau cái chết của một công dân da màu và Hội nghị Thượng đỉnh Vắc-xin toàn cầu diễn ra là hai sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần.

Mười ngày nước Mỹ căng mình vì biểu tình

Chú thích ảnh
Cảnh sát được triển khai trên đường phố New York nhằm ngăn người quá khích trong cuộc biểu tình phản đối hành vi bạo lực của cảnh sát. Ảnh: THX/TTXVN

Sau gần 2 tuần người dân biểu tình phản đối hành động bạo lực của cảnh sát da trắng đối với người Mỹ gốc Phi, tình hình rối ren tại Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ngày 25/5, công dân da màu George Floyd 46 tuổi sống tại thành phố Minneapolis (bang Minnesota) đã tử vong tại bệnh viện sau khi bị cảnh sát da trắng Derek Chauvin ghì chặt đầu gối lên cổ gần 9 phút trong vụ bắt người liên quan cáo buộc sử dụng tiền giả. Cảnh sát Chauvin đã bị cáo buộc giết người cấp độ 3 và bị tạm giam tại một trong những nhà tù được canh gác cẩn mật nhất nước Mỹ.

Cái chết của công dân Floyd đã khiến các cuộc biểu tình nổ ra trên toàn bộ 50 bang nước Mỹ, cũng như thủ đô Washington, DC.

Theo đài ABC (Australia), truyền thông Mỹ ước tính người dân tại ít nhất 430 thành phố và thị trấn đã tổ chức biểu tình. Gần 30.000 binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia từ 31 bang đã được huy động tới 25 bang để cùng với cảnh sát trấn áp các cuộc bạo động, lập lại trật tự.

Ngày 1/6, Tổng thống Donald Trump cảnh báo nếu bất kỳ thành phố hay bang nào từ chối tiến hành các hành động cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, chính quyền liên bang sẽ triển khai quân đội tới đó để bình ổn tình hình. Sau đó một ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo đã triển khai khoảng 1.600 binh sĩ quân đội tới thủ đô Washington, tăng cường hàng rào bảo vệ xung quanh Nhà Trắng. Bộ trưởng Tư pháp William Barr cho biết các biện pháp an ninh và sự hiện diện của quân đội quanh Nhà Trắng sẽ sớm được dỡ bỏ một khi tình trạng biểu tình bạo lực có chiều hướng giảm.

Theo hãng tin AP, ít nhất 9.300 người đã bị bắt giữ và 11 người tử vong trong các cuộc biểu tình bạo loạn. 

Trong tuần qua, các hoạt động tưởng niệm Floyd đã diễn ra ở nhiều nơi như bang Minnesota, bang New Hampshire, thành phố New York với sự tham dự của hàng nghìn người.

Anh trai của Floyd là Terrence Floyd đã tham gia buổi lễ tưởng niệm với khoảng 5.000 người tại quảng trường Cadman ở Brooklyn vào chiều 4/6. Cùng ngày, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cũng kêu gọi một phút mặc niệm vào 14 giờ trên toàn bang để tưởng niệm Floyd. 

Trong khi hạt Los Angeles thông báo dỡ bỏ giới nghiêm do tình hình các cuộc biểu tình gần đây diễn ra trong hòa bình thì một số địa phương như thành phố Washington DC, thành phố New York tuyên bố sẽ gia hạn lệnh giới nghiêm đến hết 8/6. Một vài lãnh đạo bang phản đối quyết định điều động lực lượng quân sự của Tổng thống Trump. Thị trưởng New York Bill De Blasio cho rằng điều đó có thể dẫn tới một sự đối đầu căng thẳng giữa lực lượng chức năng và người biểu tình.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Canada Justin Trudeau (thứ 2 bên trái) quỳ gối khi tham gia tuần hành chống phân biệt chủng tộc trước tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Ottawa ngày 5/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Cái chết của Floyd không chỉ làm nóng nước Mỹ mà còn dấy lên các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại một số quốc gia khác như Canada, Australia, Pháp và Anh. Ngày 2/6, khoảng 20.000 người tại thủ đô Paris đã xuống đường biểu tình phản đối cái chết của một người đàn ông da màu khi bị cảnh sát Pháp bắt giữ năm 2016.

Tối hôm đó, hàng trăm người cũng đã tập trung tại khu vực trung tâm thành phố Sydney, Australia tiến hành cuộc biểu tình ôn hòa phản đối cảnh sát Mỹ gây ra cái chết của George Floyd.

Tương tự tại Anh, ngày 3/6, hàng chục nghìn người đã tham gia một cuộc biểu tình quy mô lớn ủng hộ phong trào "Mạng người da màu quan trọng"( Black Lives Matter) tại công viên Hyde rồi đi về hướng tòa nhà Quốc hội Anh ở Westminter.

Ngày 5/6, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đeo khẩu trang đen, quỳ gối trong cuộc tuần hành cùng với hàng nghìn người biểu tình trước khuôn viên tòa nhà Quốc hội nước này để bày tỏ tình đoàn kết với phong trào chống phân biệt chủng tộc hiện nay ở Mỹ.

8,8 tỷ USD sản xuất vắc-xin cho các quốc gia nghèo

Chú thích ảnh
Nghiên cứu các mẫu vaccine phòng COVID-19 tại phòng thí nghiệm Novavax ở Rockville, bang Maryland, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Hội nghị Thượng đỉnh Vắc-xin toàn cầu 2020 do Anh chủ trì vào ngày 4/6 đã kêu gọi được 8,8 tỷ USD để sản xuất vắc-xin cho trẻ em tại các nước nghèo trong giai đoạn 2021-2025.

Theo hãng tin Reuters, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết gây quỹ 8,8 tỷ USD cho Liên minh vắc-xin (GAVI), vượt mục tiêu ban đầu là 7,4 tỷ USD.

Quỹ này sẽ giúp cung cấp vắc-xin phòng ngừa các bệnh sởi, bại liệt và bạch hầu cho ít nhất 300 triệu trẻ em tại các quốc gia nghèo trên thế giới, cũng như hỗ trợ hệ thống y tế tại các nước để có thể đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) và duy trì cơ sở hạ tầng thiết yếu để nghiên cứu, chế tạo vắc-xin ngừa COVID-19 trên quy mô toàn cầu.

Đại diện đến từ 52 quốc gia, trong đó có 35 nguyên thủ các nước, với các nhà lãnh đạo từ các tổ chức y tế toàn cầu, lĩnh vực tư nhân, nhà sản xuất vắc-xin và tổ chức dân sinh xã hội cùng cam kết đóng góp số tiền trên. Anh cho biết quốc gia này vẫn là nhà tài trợ lớn nhất cho GAVI và cam kết trong 5 năm tới, mỗi năm sẽ đóng góp 416 triệu USD cho quỹ.

Cũng trong sự kiện, Bill Gates - đồng chủ tịch Quỹ Bill & Melinda Gates - cho biết để đánh bại đại dịch COVID-19, thế giới cần nhiều hơn ngoài đột phá về khoa học. "Việc này cần sự hỗ trợ rất lớn từ các chính phủ và tổ chức. Và đó là điều chúng ta chứng kiến ngày hôm nay, khi các nhà lãnh đạo trong cả lĩnh vực công và tư nhân đều đẩy mạnh hỗ trợ GAVI - đặc biệt là Thủ tướng Boris Johnson. Một khi có vắc-xin COVID-19, quỹ này cùng sự phối hợp toàn cầu sẽ đảm bảo ai trên thế giới cũng đều được tiêm chủng”.

GAVI, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo 80 triệu trẻ em dưới 1 tuổi có nguy cơ mắc các dịch bệnh do gián đoạn tiêm chủng trong đại dịch COVID-19.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức