08:16 12/08/2018

Thế giới tốt đẹp hơn từ không gian an toàn cho thanh niên

Cả thế giới hay mỗi quốc gia, muốn ngày càng phát triển và không tụt hậu, thì phải chăm lo bồi dưỡng, đầu tư cho thanh niên, bởi họ chính là thế hệ quyết định tương lai, là nhân tố trung tâm giải quyết thách thức toàn cầu, là lực lượng đóng vai trò quan trọng duy trì một hành tinh hòa bình và ổn định.

Dân số trẻ, tuổi từ 15 - 24, hiện là 1,1 tỷ người, chiếm 18% dân số thế giới, phần lớn sống tại các quốc gia đang phát triển. Trong khi đó, số dân dưới 25 tuổi hiện đang chiếm khoảng 40% dân số toàn thế giới. Đây là thế hệ trẻ lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Ngày Quốc tế Thanh niên năm nay, Liên hợp quốc (LHQ) đã chọn chủ đề “Không gian an toàn cho thanh niên” để nhắc nhở các quốc gia, cộng đồng và chính các “chủ nhân tương lai” của thế giới quan tâm và đầu tư vào môi trường sống của mình.

Là lứa tuổi đang trong quá trình trưởng thành và đặc biệt nhạy cảm với những biến động của xã hội, thanh niên cần những không gian an toàn và thân thiện để phát triển và trở thành những người trưởng thành có ích cho xã hội.

Chú thích ảnh
Cả thế giới hay mỗi quốc gia, muốn ngày càng phát triển và không tụt hậu, thì phải chăm lo bồi dưỡng, đầu tư cho thanh niên. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đó, không gian an toàn là nơi người trẻ có thể đến với nhau, tham gia các hoạt động liên quan đến nhu cầu và sở thích đa dạng của mình, tham gia quá trình đưa ra quyết định và tự do bộc lộ bản thân. Không gian an toàn như không gian dân sự, đảm bảo thanh niên được tham gia đầy đủ và rộng khắp trong mọi công việc và chức năng của xã hội; không gian công cộng để thanh niên có thể tham gia vào các hoạt động thể thao và giải trí; không gian kỹ thuật số để thanh niên có thể tương tác và học tập xuyên biên giới trên quy mô toàn cầu; và không gian an toàn vật lý giúp những thanh niên bị tổn thương do cô lập hay bạo lực có thể được đáp ứng đầy đủ nhu cầu hoạt động đa dạng của mình.

Tuy nhiên, không gian an toàn cho giới trẻ cũng đang bị đe dọa trong bối cảnh tình hình thế giới chứa đầy những thách thức và khó khăn. Quá nhiều người trẻ đang sống trong môi trường xung đột và mất an toàn, không được giáo dục và tạo việc làm, đói nghèo, bị phân biệt đối xử và thiếu thông tin...

Giáo dục là nền tảng của sự phát triển cũng như là công cụ để cải thiện cuộc sống của người trẻ trên toàn cầu. Vấn đề này cũng đã được đưa vào ưu tiên trong các mục tiêu phát triển của thế giới. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), hiện khoảng 102 triệu thanh niên trên toàn thế giới thiếu những kỹ năng đọc viết cơ bản.

Niger là quốc gia có tỷ lệ thanh thiếu niên mù chữ cao nhất, lên tới 76%. Theo các chuyên gia, trẻ em và thanh niên không được tiếp cận với giáo dục sẽ bị ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát triển về tâm thần cũng như vật lý, gây trở ngại cho các cơ hội đào tạo cho những công việc cần nhiều kỳ năng hơn.

Xung đột là một trong những môi trường phá hủy nền tảng giáo dục của người trẻ. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã thống kê rõ tại những nước bị ảnh hưởng bởi xung đột hoặc thiên tai, cứ 10 thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 15 đến 24 thì có tới gần 3 người mù chữ. Những nước có tỷ lệ thanh thiếu niên mù chữ cao nhất đều là các quốc gia có xung đột, như Niger, CH Chad, (69% mù chữ), Nam Sudan (68%) và Cộng hòa Trung Phi (64).

Hơn 400 triệu thanh niên đang sống trong khu vực xảy ra xung đột đang hàng ngày bị đe dọa đến mạng sống, bị tuyển làm lính, bị giết hại, bị thương, đói nghèo, không được chăm sóc y tế, bị tách khỏi gia đình và bạo lực tình dục. Những điều này đang “giết chết” tương lai của thế hệ trẻ tại những quốc gia này.

Nghèo đói cũng là môi trường kìm hãm sự phát triển của thanh niên, cản trở khả năng học tập, làm việc và chăm sóc bản thân của những người trẻ, đẩy họ chìm sâu vào tình trạng bế tắc. Khoảng 238 triệu người trẻ sống trong tình trạng cực nghèo với mức sống không đến 1 USD/ngày, và khoảng 462 triệu người sống với không đến 2 USD/ngày.

Kèm theo đó, nạn thất nghiệp càng làm trầm trọng hơn hơn tình trạng khó khăn này. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo rằng bất chấp kinh tế thế giới đã hồi phục với việc duy trì tăng trưởng, song thanh niên tiếp tục phải chịu cảnh thất nghiệp dai dẳng và thiếu những cơ hội việc làm có chất lượng. Năm ngoái, khoảng 70,9 triệu thanh niên thất nghiệp, dù là sự cải thiện so với mức đỉnh điểm 76,7 triệu người thời khủng hoảng năm 2009, song con số này dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 200.000 người trong năm 2018, lên tổng cộng 71,1 triệu người.

Ngoài ra, có khoảng 39% số lao động trẻ tại thế giới mới nổi và đang phát triển - tương đương 160,8 triệu thanh niên - đang phải sống trong hoàn cảnh nghèo đói hoặc bần cùng (thu nhập chưa tới 3,1 USD/ngày), và trong lực lượng lao động ngày nay cứ 5 thanh niên lại có hơn 2 người thất nghiệp hoặc có việc làm song rất nghèo.

HIV/AIDS tiếp tục là hiểm họa đối với thanh niên thế giới khi đối tượng này chiếm gần 40% trong số gần 37 triệu người đang sống chung với "căn bệnh thế kỷ". Lối sống thiếu lành mạnh của giới trẻ là một trong những nguyên nhân khiến mỗi giờ trên thế giới có ít nhất 24 người trong độ tuổi  thanh niên bị lây nhiễm virus HIV.

Công nghệ phát triển giúp thế giới gắn kết hơn, song đồng thời cũng tạo ra những nguy cơ không nhỏ với giới trẻ. Số người sử dụng mạng đang ngày càng gia tăng với gần một nửa dân số thế giới (tương đương 4,087 tỷ người) kết nối Internet. Ước tính trong số này, 43% là giới trẻ.

Mội môi trường mạng an toàn với giới trẻ đang là vấn đề cấp thiết bởi thanh niên là những đối tượng dễ tiếp nhận thông tin một cách thụ động, dễ bị lôi kéo, kích động. Đây là lý do tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tăng cường chiến dịch tuyên truyền và chiêu mộ thông qua mạng Internet.

Ngoài ra, những thông tin giả mạo lan tràn trên các trang mạng xã hội với nguồn tin không rõ ràng lại đang trở thành “thức ăn tinh thần” chính của giới trẻ ngày nay, làm gióng lên hồi chuông cảnh báo trong cộng đồng. Sự kết nối trên một thế giới ảo cũng khiến một bộ phận giới trẻ xa rời thế giới thật và bị phụ thuộc vào cuộc sống ảo.

Những thách thức đối với không gian an toàn và thân thiện cho giới trẻ, cả về vật lý lẫn kỹ thuật số, không chỉ đe dọa mạng sống, sức khỏe, cướp đi cơ hội được tiếp cận giáo dục, việc làm, mà còn hạn chế khả năng của thanh niên tham gia đóng góp cho xã hội. Nhận thức được vấn đề này, các nước trên thế giới cũng đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy và tạo không gian cho sự phát triển của giới trẻ.

Đánh giá các chỉ số về phát triển của giới trẻ của 183 quốc gia cho thấy 142 nước có sự cải thiện đáng ghi nhận, đặc biệt là ở khu vực hạ Sahara, châu Á - Thái Bình Dương, Trung Mỹ và Caribe. Theo báo cáo năm 2016, 3 quốc gia có chỉ số cải thiện nhất là Pakistan, Angola và Haiti. Trong khi đó, các chỉ số phát triển của giới trẻ có xu hướng cao nhất ở những nước giới trẻ chiếm tỷ lệ thấp trong tổng dân số, như tại 3 nước có chỉ số cao nhất là Đức (19% dân số là người trẻ), Đan Mạch (19%) và Australia (20%).

Ngày Thanh niên Quốc tế 2018 với chủ đề “Không gian an toàn” cũng là sự kiện có ý nghĩa không chỉ với thanh niên nói chung mà còn có khả năng tác động tích cực và sâu rộng đến toàn bộ xã hội nếu tiếng nói của thanh niên được truyền đạt đầy đủ và có được sự chú ý cần thiết.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế Thanh niên 2018 khẳng định rằng khi tạo ra một thế giới an toàn cho thanh niên, chúng ta đang làm cho thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, bởi "những hy vọng của thế giới dựa vào những người trẻ tuổi".

Nói cách khác, tương lai của thế giới hòa bình, thịnh vượng, kinh tế phát triển, xã hội công bằng và khoan dung..., ngày mai đang phụ thuộc vào cách mà chúng ta tạo không gian cho giới trẻ phát huy tiềm năng của mình ngày hôm nay.

Đài Trang (TTXVN)