10:22 26/10/2020

Thế giới ghi nhận trên 43,46 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang mạng worldometers.info, tính đến 22h ngày 26/10 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 43,46 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.160.636 ca tử vong. Hơn 31,95 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục và còn hơn 10,34 triệu ca đang điều trị.

Tại châu Á, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 20 ca nhiễm đều là các ca "nhập khẩu". Tính đến ngày 25/10, Trung Quốc có tổng cộng 85.810 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong do COVID-19. Ngày 24/10, thành phố Kashgar tại khu vực Tân Cương đã bắt đầu xét nghiệm cho 4,75 triệu dân sinh sống tại đây, sau khi phát hiện một bệnh nhân mắc bệnh mà không có triệu chứng tại một nhà máy dệt. 

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được chuyển tới bệnh viện ở Busan, Hàn Quốc, ngày 14/10/2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới hằng ngày tại nước này đã trở lại mức hơn 100 ca trong ngày 26/10. Đáng chú ý, số ca mắc COVID-19 ở khu vực thủ đô Seoul đã tăng lên kể từ khi chính phủ nước này nới lỏng các quy định giãn cách xã hội 2 tuần trước. Cụ thể, nước này đã ghi nhận thêm 119 ca nhiễm mới, trong đó có 94 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 25.955 ca. Trong số các ca nhiễm mới trong nước có 20 ca tại Seoul. Giới chức y tế Hàn Quốc đánh giá dù số ca nhiễm mới trong ngày tại nước này vẫn đang dao động, song tình hình dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, Hàn Quốc quan ngại rằng có thể đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới do người dân đi lại để tận hưởng kỳ nghỉ mùa Thu. 

Tại Ấn Độ, số ca mắc bệnh đã vượt ngưỡng 7,9 triệu sau khi ghi nhận thêm 45.148 ca mới trong 24 giờ qua. Đây là số ca nhiễm theo ngày thấp nhất tại Ấn Độ trong hơn 3 tháng qua. Tuy nhiên, thủ đô New Delhi đang ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày gia tăng trong thời gian qua, sau khi giảm mạnh kể từ giữa tháng 9. Thành phố này ghi nhận tới hơn 4.100 ca nhiễm trong ngày 25/10. Bộ trưởng Y tế bang Delhi Satyendar Jain khẳng định tình hình tổng thể của dịch COVID-19 đang nằm trong tầm kiểm soát và chính quyền bang đang làm tất cả những gì có thể để ứng phó.

Tại Đông Nam Á, theo thống kê chính thức của Bộ Y tế Indonesia, tính đến ngày 26/10, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 392.934 ca mắc COVID-19, trong đó có 13.411 ca tử vong. 

Báo Vientiane Times ngày 26/10 đưa tin Lào sẽ áp dụng thủ tục nhập cảnh “nhanh” với Trung Quốc từ tuần tới, cho phép các công dân Trung Quốc qua lại biên giới dễ dàng hơn với thời gian cách ly ngắn hơn. Trong khi đó, Malaysia đã quyết định kéo dài thêm 2 tuần lệnh phong tỏa một phần thủ đô Kuala Lumpur và bang Selangor lân cận (cho đến ngày 9/11) trong bối cảnh nước này cùng ngày ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát (1.240 ca). Đến nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 27.805 ca mắc COVID-19, trong đó có 236 ca tử vong sau khi có thêm 7 ca tử vong mới.

Myanmar đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với việc tụ tập, cũng như dỡ bỏ sắc lệnh buộc người dân phải ở trong nhà để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 8/11 tới. Theo đó, các cuộc tụ tập từ 30 người trở lên sẽ được phép tại các điểm bỏ phiếu trong ngày bầu cử. Hoạt động tụ tập này đã bị cấm kể từ ngày 12/8 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Bên cạnh đó, bộ trên cũng thông báo rằng những công dân đang cư trú tại các thành phố áp đặt lệnh "ở trong nhà" sẽ được phép đến các điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền công dân vào ngày bầu cử. Theo kế hoạch, cuộc tổng tuyển cử của Myanmar sẽ diễn ra vào ngày 8/11. Cho đến nay Myanmar ghi nhận tổng cộng 44.774 ca mắc COVID-19 và 1.095 ca tử vong.

Tại châu Đại dương, bang Victoria của Australia thông báo trong 24 giờ qua đã không ghi nhận thêm ca mắc mới nào, đánh dấu bước ngoặt lớn so với tình hình dịch bệnh cách đây 4 tháng. Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews đã tuyên bố sẽ bắt đầu nới lỏng các hạn chế tại thành phố Melbourne từ ngày 28/10 tới. Theo đó, người dân Melbourne có thể tự do ra ngoài nhà trong phạm vi bán kính 25 km, có thể tụ tập trong các nhóm không quá 10 người mà không bị hạn chế về số lượng hộ gia đình. Ngoài ra, các cửa hàng bán lẻ, quán cà phê, nhà hàng, quán rượu và khách sạn sẽ được mở cửa trở lại với giới hạn không quá 20 khách hàng trong nhà và 50 khách ngồi ngoài trời. Australia hiện có tổng cộng hơn 27.500 ca mắc COVID-19, ít hơn nhiều so với đa số các nước phát triển khác. Bang Victoria chiếm tới 90% trong tổng số 905 ca tử vong trên cả nước sau khi trải qua làn sóng lây nhiễm thứ hai kể từ đầu tháng 6 năm nay.

Còn tại Iran, quốc gia chịu tác động nặng nề nhất ở Trung Đông, các bệnh viện ở nhiều tỉnh của nước này đang hoạt động hết công suất trong bối cảnh dịch bệnh làm khoảng 300 người ở nước này tử vong mỗi ngày. Giới chức Iran đã phê phán nhiều người dân không chịu tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội. Theo Thứ trưởng Y tế Iran Iraj Harirchi, dịch bệnh có thể cướp đi sinh mạng của 600 người/ngày nếu người dân không tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Tính đến hết ngày 25/10, Iran ghi nhận tổng cộng 568.896 ca mắc COVID-19 trong đó có 32.616 ca tử vong. Các trường học, nhà thờ Hồi giáo, cửa hàng, nhà hàng và các cơ sở công cộng khác tại thủ đô Tehran đều bị đóng cửa kể từ ngày 3/10 và sẽ được kéo dài cho đến ngày 20/11 do số ca tử vong và mắc COVID-19 tiếp tục tăng lên mức cao nhất.

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới bệnh viện ở ngoại ô Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, số ca mắc COVID-19 trong ngày tại Nga đã tăng lên mức cao chưa từng thấy với 17.347 ca ngày 26/10, trong đó 5.224 ca tại thủ đô Moskva, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 1.531.224 ca. Cũng trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 219 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại đây lên 26.269 ca.

Tại Pháp, Giáo sư Jean-Francois Delfraissy, người đứng đầu Hội đồng Khoa học cố vấn cho Chính phủ Pháp về đại dịch COVID-19, cho biết nước này đối diện với nguy cơ số ca mắc mới mỗi ngày lên mức 100.000 - tăng gấp đôi so với con số thống kê chính thức. Một ngày trước đó, Bộ Y tế Pháp công bố 52.010 ca mắc mới trong 24 giờ, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 1.138.507 ca. Theo đó, Pháp đã vượt Argentina và Tây Ban Nha, trở thành nước có số ca mắc nhiều thứ 5 trên thế giới. Bộ trên cũng cho biết Pháp ghi nhận thêm 116 ca tử vong cũng trong 24 giờ, giảm so với con số 137 ca một ngày trước đó, nâng tổng số ca không qua khỏi tại nước này lên 34.761 ca.

Hungary đã ghi nhận 3.149 ca mắc COVID-19 trong ngày 25/10 - cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Số liệu thống kê chính thức của chính phủ cho thấy nước này có tổng cộng 59.247 người mắc COVID-19, trong đó 16.242 ca đã bình phục và 1.425 ca không qua khỏi. Hiện nước này có 2.449 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có 221 bệnh nhân phải thở máy. Các ca mắc COVID-19 tại Hungary đã tăng mạnh kể từ cuối tháng 8 vừa qua, và tăng gấp 5 lần trong thời gian từ ngày 10/9 đến 21/10 vừa qua (từ mức 10.000 bệnh nhân lên tới 50.000 bệnh nhân). 

Bắt đầu từ tuần này, Croatia sẽ siết chặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh sau khi số ca mắc mới tại nước này đã vượt quá 2.000 ca/ngày vào cuối tuần qua. Các biện pháp bao gồm yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài và khuyến cáo làm việc tại nhà nếu có thể, việc tụ tập nơi công cộng cũng giới hạn không quá 50 người, trong khi các sự kiện hiếu/hỉ chỉ cho phép tối đa 30 người tham gia. Việc gặp mặt trong gia đình cũng không được vượt quá 15 người. Các công ty được kêu gọi sắp xếp cho nhân viên làm việc tại nhà nếu có thể.

Cũng trong tuần này, nước láng giềng Slovenia sẽ chỉ cho phép người dân rời khỏi khu vực đô thị trong trường hợp đặc biệt, sau khi quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) này ghi nhận 1.675 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 25/10. Ngoài ra, một nước láng giềng nữa của Croatia là Bosnia - Herzegovina cũng ghi nhận số ca mắc mới tăng vọt trong tuần qua, khi số bệnh nhân hiện tại đã tăng gần 60% lên 13.348 người trong ngày 25/10. 

Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Giáo dục Bulgaria thông báo các trường học sẽ được phép chuyển sang hình thức học trực tuyến, trong bối cảnh quốc gia vùng Balkan này đang chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm mới dịch COVID-19. Tương tự đa số các nước thuộc EU, Bulgaria đang chứng kiến sự tăng vọt số ca mắc COVID-19, với tổng số ca mắc đã tăng gần gấp đôi lên 37.889 ca kể từ đầu tháng 10 này.

Ngày 25/10, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi đoàn kết toàn cầu trong việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 trong tương lai khi có vaccine này. Trong bài phát biểu phát trực tuyến khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh y tế thế giới lần thứ 12 ở Berlin (Đức), ông Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh đoàn kết và chia sẻ vaccine là cách duy nhất để thế giới phục hồi từ đại dịch này. Theo nhà lãnh đạo WHO, việc các quốc gia muốn bảo vệ công dân của nước mình trước tiên là điều hiển nhiên, nhưng khi thế giới có một loại vaccine phòng COVID-19 hiệu quả thì cũng phải sử dụng vaccine đó một cách hiệu quả. Và cách tốt nhất để sử dụng hiệu quả là chủng ngừa cho một số người tại tất cả các nước, hơn là cho tất cả mọi người tại một số nước. Ông Ghebreyesus cảnh báo "chủ nghĩa dân tộc về vaccine sẽ chỉ kéo dài đại dịch COVID-19".

Cũng phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh đại dịch COVID-19 là "cuộc khủng hoảng lớn nhất" của lịch sử hiện đại. Ông kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu, trong đó các nước công nghiệp phát triển phải hỗ trợ hệ thống y tế cho các nước nghèo hơn, đồng thời kêu gọi các nước thực hiện theo chỉ dẫn của các nhà khoa học, cùng hợp tác để vượt qua đại dịch.

Lê Ánh (TTXVN)