Theo trang thống kê worldometers.info, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 1,52 triệu người kể từ khi bùng phát cách đây 1 năm. Đến 22h ngày 5/12 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 66,39 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó trên 45,9 triệu người đã bình phục.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở Houston, bang Texas (Mỹ) ngày 4/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong ngày 5/12, có 131.207 ca nhiễm mới đã được ghi nhận trên thế giới và 3.275 ca tử vong mới. Nước có tỷ lệ tử vong cao nhất là Bỉ với 1.476 ca/100.000 dân, sau đó là San Marino 1.384 ca và Peru với 1.091 ca.
Nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất là Mỹ, với 14.774.167 ca nhiễm và 258.656 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với các con số lần lượt là 9.608.418 ca và 285.656 ca. Brazil đứng thứ ba với 6.534.951 ca và 175.981 ca.
Xét theo khu vực, châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau khi có tổng cộng 18.162.217 người có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, tiếp đó là châu Á với 17,2 triệu người trong khi Bắc Mỹ ghi nhận hơn 17,1 triệu ca. Khu vực Nam Mỹ hiện ghi nhận hơn 11,4 triệu ca nhiễm, châu Phi có hơn 2,2 triệu bệnh nhân và châu Đại Dương có 45.918 ca nhiễm.
Tại châu Âu, Nga và Pháp đều đã có hơn 2,2 triệu ca nhiễm, song hai nước có số ca tử vong cao nhất châu lục là Anh với hơn 60.000 ca, và Italy với 58.852 ca. Ngày 5/12, Nga ghi nhận 28.782 ca nhiễm mới, trong đó có 7.993 ca tại riêng thủ đô Moskva, và thêm 508 ca tử vong mới. Giới chức y tế thủ đô đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine Sputnik V cho người dân thông qua hệ thống 70 cơ sở y tế, đánh dấu đợt tiêm chủng đại trà đầu tiên của Nga để ngăn ngừa bệnh COVID-19. Đối tượng ưu tiên là các bác sĩ và nhân viên y tế, giáo viên và nhân viên làm công tác xã hội. Chính quyền thành phố Moskva đã thiết lập dây chuyền công nghệ và tổ chức tiêm chủng đồng bộ gồm kho bảo quản vaccine Sputnik V, tủ lạnh và phòng lạnh để vận chuyển vaccine. Tổng cộng, khoảng 10 tỷ ruble sẽ được phân bổ cho công tác tiêm phòng cho người dân thủ đô. Khoản chi tiêu này được đưa vào ngân sách thành phố năm 2021.
Tại châu Á, Iran đứng thứ hai khu vực với hơn 1 triệu ca nhiễm và hơn 50.000 ca tử vong. Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận 756.997 ca nhiễm trong khi các nước Indonesia và Iraq đều ghi nhận trên 560.000 ca nhiễm, còn các nước Bangladesh, Philippines, Pakistan đều ghi nhận trên 410.000 ca. Ngày 5/12, Ủy ban Liên bộ phòng chống dịch của Campuchia công bố áp dụng quy định mới về các biện pháp phòng dịch và cách ly áp dụng với tất cả các du khách nhập cảnh Campuchia, có hiệu lực từ ngày 12/12/2020, theo đó, tất cả các du khách nhập cảnh nước này buộc phải cách ly 14 ngày và phải xét nghiệm ngay khi đến và phải có giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế nước cư trú cấp và công nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi đến Campuchia. Quy định mới tạm dừng áp dụng cơ chế bảo trợ cho các đối tượng là nhà đầu tư-doanh nghiệp, nhân viên công ty, chuyên gia và nhân viên kỹ thuật nhập cảnh Campuchia dưới 14 ngày.
Trong khi đó, lực lượng đặc nhiệm quốc gia chống COVID-19 của Indonesia cho biết Bộ Y tế nước này sẽ bổ sung thêm nhiều giường bệnh để điều trị cho các bệnh nhân trong trường hợp các ca lây nhiễm tăng 100%. Người phát ngôn lực lượng trên, ông Wiku Adisasmito cho biết nếu các ca lây nhiễm tăng 20-50%, các bệnh viện sẽ tiếp tục hoạt động như hiện nay. Tuy nhiên, nếu tăng 100%, Bộ Y tế sẽ chuyển các khoa điều trị ngoại trú thành các phòng tạm dành cho bệnh nhân COVID-19. Trong kịch bản này, các bệnh viện sẽ hợp tác với quân đội và Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia (BNPB) để dựng các lều chăm sóc dã chiến trong khuôn viên bệnh viện dành cho các bệnh nhân COVID-19.
Cùng ngày, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết Trung Quốc đại lục có thêm 17 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng, số còn lại là các ca nhập cảnh. Trong khi đó, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết số ca nhiễm mới theo ngày tại Hàn Quốc đã giảm xuống dưới 600 ca/ngày, sau khi ghi nhận mức tăng trong một ngày cao nhất trong 9 tháng qua vào ngày 4/12 (với 629 ca).
Tại khu vực Bắc Mỹ, Mexico đã ghi nhận 1.156.770 ca nhiễm và 108.863 ca tử vong. Tại Canada, trong số 402.569 ca nhiễm có 12.496 ca tử vong. Các nước Panama, CH Dominica, Costa Rica, Guatemala và Honduras đều ghi nhận trên 100.000 ca nhiễm. và từ 1.000 - 4.000 ca tử vong.
Tại Nam Mỹ, Argentina và Colombia đã ghi nhận hơn 1,3 triệu ca nhiễm và trên 37.000 ca tử vong. các nước ghi nhận trên 550.000 ca gồm Peru và Chile, trong khi các nước ghi nhận trên 100.000 ca gồm Ecuador, Bolivia và Venezuela.
Tại châu Phi, với 805.804 ca nhiễm và 53.369 ca tử vong, Nam Phi là nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng nhất. Tiếp đến là Maroc với 372.620 ca nhiễm. Tuy nhiên nước có số ca tử vong cao thứ hai châu lục lại là Ai Cập với 6.732 ca. Ai Cập cùng với Ethiopia và Tunisia đều đã ghi nhận trên 100.000 ca nhiễm.
Ngày 5/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo chỉ riêng việc triển khai tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 sẽ không thể đẩy lùi đại dịch, đồng thời kêu gọi thế giới tránh tự mãn, lầm tưởng rằng cuộc khủng hoảng sẽ qua đi khi các loại vaccine phòng bệnh hiệu quả đang dần được tìm ra. Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan khẳng định có vaccine và tiến hành chủng ngừa sẽ chỉ là bổ sung một công cụ quan trọng và sắc bén cho bộ các công cụ cần thiết để đối phó với đại dịch này.
Theo WHO, hiện có khoảng 51 loại vaccine COVID-19 đang được thử nghiệm trên người, 13 trong số này đã đến giai đoạn thử nghiệm cuối trên quy mô lớn. Trong khi đó, còn khoảng 163 vaccine đang được nghiên cứu và phát triển tại các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới.