01:10 04/01/2012

Thế giới có tiến đến hệ thống tiền tệ đa cực?

Hệ thống tiền tệ quốc tế đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự mất cân bằng quốc tế, sự thay đổi đột ngột của dòng vốn, dòng vốn chảy ngược từ các nền kinh tế đang phát triển sang các nền kinh tế phát triển...


Hầu hết mọi người đều nghĩ hệ thống tiền tệ quốc tế (IMS) có xuất phát điểm từ hệ thống tài chính Bretton Woods được thiết lập sau khi cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Điều này có thể đúng đối với các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB). Song Chủ tịch Fung Global Institute - Andrew Sheng cho rằng: Trên thực tế hệ thống tài chính hiện tại chỉ là một tổ hợp các quy tắc, quy định, hệ thống trao đổi ngoại tệ và các thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và thanh toán giữa các quốc gia.

Ảnh minh họa, nguồn: Internet


Không giống như một hệ thống tiền tệ quốc gia, nơi ngân hàng trung ương phát hành một loại tiền tệ và các cơ quan quốc gia chịu trách nhiệm về sự ổn định tài chính, thế giới hiện nay không có ngân hàng trung ương toàn cầu, cũng không có cơ quan điều tiết tài chính toàn cầu hay Bộ Tài chính toàn cầu. Nói tóm lại chúng ta có các thị trường tài chính toàn cầu, nhưng không có cơ chế toàn cầu để đối phó với các cuộc khủng hoảng mang tính chu kỳ, trừ phi thông qua sự đồng thuận (không thường xuyên) của các nhà hoạch định chính sách quốc gia.

Sau khi hệ thống Bretton Woods chấm dứt năm 1971, IMS phần lớn do Mỹ và châu Âu - chiếm đa số quyền biểu quyết trong IMF - quyết định. Các thị trường mới nổi rất ít tiếng nói trong IMF và WB. Năm 1975, Nhóm G6 chính thức ra đời, gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản và Italia. Sau đó năm 1976, với sự gia nhập của Canađa nhóm này trở thành G7, chiếm khoảng 1/2 GDP của thế giới. Về cơ bản, các nhà lãnh đạo G7 gặp nhau thường xuyên và đưa ra hầu hết các quyết định cho hệ thống tiền tệ quốc tế. Nhóm được mở rộng vào năm 1997 khi người đứng đầu của Liên hợp quốc (LHQ), WB, IMF và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã được mời tham gia các cuộc họp thường xuyên của G7. Năm 1998, Nga đã được bổ sung để hình thành G8, nhưng với sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Á, sự cần thiết có nhiều đại diện hơn trên toàn cầu đã dẫn đến sự hình thành của G20 vào năm 1999. G 20 chiếm tới 2/3 dân số thế giới và đóng góp khoảng 80% GDP toàn cầu.

Theo Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Vitor Constancio, mục đích cơ bản của IMS là duy trì một hệ thống thanh toán quy củ giữa các quốc gia. Để hoàn thành mục tiêu này, IMS phải cung cấp các dịch vụ về tiền tệ quốc tế, đảm bảo tính thanh khoản toàn cầu, xác định tỷ giá hoái đoái giữa các đồng nội tệ của các quốc gia, đồng thời bao gồm cả một cơ chế điều chỉnh nhằm tránh sự mất cân bằng tài chính quá mức tại các quốc gia.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, IMS đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự mất cân bằng quốc tế, sự thay đổi đột ngột của dòng vốn, dòng vốn chảy ngược từ các nền kinh tế đang phát triển sang các nền kinh tế phát triển, sự thiếu hiệu quả của các khoản dự trữ tại các nền kinh tế mới nổi, tỷ giá hối đoái dễ biến động, sự mất cân cân đối giữa các quốc gia thặng dư và thâm hụt và tình trạng thiếu vắng cơ chế đảm bảo nguồn cung cho tính thanh khoản toàn cầu trong thời gian khủng hoảng.

Chủ tịch Sheng cho rằng lý do khiến IMS không thể hoạt động trơn tru là do mọi quyết định đều nằm trong tay của một số quốc gia có quyền lực, chứ không phải là tổ chức toàn cầu. Tuy nhiên, việc thiết lập một hệ thống tiền tệ đa cực lại vấp phải hai vấn đề lớn. Thứ nhất, nếu cùng lúc có nhiều quốc gia phải thảo luận để đưa ra quyết định cho IMS thì việc đạt được đồng thuận rất khó khăn, bởi lợi ích của từng quốc gia rất khác nhau. Thứ hai, việc loại bỏ vị trí thống trị của đồng USD như một đồng tiền dự trữ quốc tế cũng không hề dễ dàng.

Hiện nay có nhiều người cho rằng trong tương lai sẽ có những loại tiền tệ khác đứng cùng USD như là đồng tiền quốc tế, bởi nếu chỉ dựa vào USD để dự trữ thì điều đó quả thực là nguy hiểm về mặt chiến lược lâu dài. Khi kinh tế thế giới phát triển mà cứ mãi dựa vào USD để dự trữ thì rõ ràng Mỹ phải không ngừng in tiền để bôi trơn kinh tế toàn cầu. Việc in tiền này có thể không dựa trên các nguyên tắc kinh tế. Cứ thế, khi dự trữ của thế giới càng lớn lên thì nguy cơ càng tăng lên.

Trước tình hình trên, người ta đã tính đến việc đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ, người ta sẽ nghĩ ngay đến Quyền rút vốn đặc biệt SDR (Special Drawing Rights), một loại tiền tệ của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) được hình thành dựa trên một rổ tiền tệ để làm dự trữ cho các quốc gia. Nhưng kể từ khi chính thức ra đời từ năm 1969 đến nay, vai trò của SDR rất mờ nhạt và cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy vai trò của SDR tăng lên trong tương lai. Nhiều người cho rằng Trung Quốc sẽ hậu thuẫn cho việc tăng cường vai trò của SDR. Bởi với sức mạnh hiện nay của Trung Quốc, đồng NDT có thể trở thành đối thủ cạnh tranh với USD trên thị trường tài chính thế giới.Tuy nhiên, để trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế không phải là một điều đơn giản. Theo ông Constancio, để một đồng tiền trở thành đồng dự trữ quốc tế, quốc gia sở hữu đồng tiền đó cần đáp ứng 5 điều kiện là có một nền kinh tế thực sự lớn; có sự mở cửa thị trường và các thị trường này hoạt động hiệu quả; có một nền chính trị ổn định và quản lý kinh tế vĩ mô hợp lý; có một hệ thống luật pháp chặt chẽ, minh bạch, bảo vệ được quyền lợi của các nhà đầu tư và có tầm ảnh hưởng về địa chính trị.

Một số chuyên gia cho rằng đồng NDT khó có thể thay thế được đồng USD. Thứ nhất, sự thiếu minh bạch của hệ thống tài chính Trung Quốc sẽ làm kém tính hấp dẫn của đồng NDT. Thứ hai, để một đồng tiền có thể mang tính toàn cầu, đồng tiền đó cần có khả năng chuyển đổi hoàn toàn và giao dịch trên các thị trường tài chính quy mô lớn với tính thanh khoản cao. Như vậy, Trung Quốc buộc phải từ bỏ việc kiểm soát tỷ giá và để tự do hoá hệ thống tài chính. Điều này sẽ khiến kho dự trữ ngoại hối của họ bị tổn thương nghiêm trọng vì 2/3 là bằng USD.

Còn về đồng euro, vẫn duy trì là đồng tiền quốc tế quan trọng thứ hai sau USD. Song cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu đang tác động xấu đến vị thế của đồng tiền này và thị phần của đồng euro trên thị trường quốc tế sẽ chỉ có thể tăng lên, một khi khu vực đồng euro (Eurozone) khôi phục được sự ổn định của hệ thống tài chính. Với những lý lẽ trên, các chuyên gia đều khẳng định rất khó để thay đổi vai trò thống trị của USD trong 10 - 15 năm tới.

Tóm lại, Chủ tịch Sheng nhấn mạnh thế giới cần xem xét những vấn đề cấu trúc trong hệ thống tiền tệ toàn cầu, trước khi xem xét việc đa dạng hóa đồng tiền dự trữ. Thêm vào đó, tồn tại một thực tế là không một quốc gia nào giữ mãi được thặng dư, dù sớm hay muộn, họ sẽ rơi vào tình trạng thâm hụt và phải viện đến các khoản vay quốc tế. Vì vậy, nếu thiếu sự hợp tác trên toàn cầu trong việc đưa ra quyết định, thế giới sẽ triền miên lâm vào khủng hoảng.
 
Trà My (Tổng hợp)