12:09 24/12/2010

Thế giới chào đón Giáng sinh

Khắp nơi nơi không khí Giáng sinh đang ngập tràn. Mùa lễ hội năm nay, thế giới có gì đặc biệt? Chúng ta hãy cùng nhau dạo quanh và khám phá!

Khắp nơi nơi không khí Giáng sinh đang ngập tràn. Mùa lễ hội năm nay, thế giới có gì đặc biệt? Chúng ta hãy cùng nhau dạo quanh và khám phá!

Châu Âu-ưu tiên tiết kiệm

Cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu đang khiến người dân châu lục này phải “thắt lưng buộc bụng”.

Người dân Italia năm nay có xu hướng mua thức ăn từ rất sớm, rồi để dự trữ trong tủ lạnh, nhằm đối phó với khả năng giá lương thực-thực phẩm tăng cao trong thời gian lễ hội. Những món ăn đắt tiền và thường thấy trong dịp Giáng sinh được họ thay bằng những thứ tương tự có giá rẻ hơn. Ví dụ cá tuyết năm nay được ưa chuộng sử dụng thay cho cá bơn, cá pecca hay tôm càng. Người Italia cũng thắt chặt túi hơn khi mua những món quà tặng trong dịp Giáng sinh.

Cây thông Noel đắt giá nhất thế giới năm 2010, được trưng bày ở đại sảnh khách sạn Emirates Palace (Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất).


Tại Ailen, chiến dịch “bán đồ, mua gà tây” đang diễn ra khá nhộn nhịp. Trên các con phố lớn, ngoài những ánh đèn nhấp nháy lung linh, nhiều cửa hàng còn giăng biển to đùng “WE BUY GOLD” (Chúng tôi mua vàng). Nhiều người dân ở nước này đã phải bán đi những đồ trang sức mà mình có để có tiền chi trả cho những bữa tiệc Giáng sinh và những món quà tặng. Đây không phải là điều gì quá ngạc nhiên khi năm nay tỷ lệ thất nghiệp ở Ailen đã tăng gấp ba lần lên 13,5%, trong khi thu nhập trung bình của người dân giảm 15% so với năm 2008.

Tuy cũng đang phải chịu ảnh hưởng không nhỏ từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng người dân Bồ Đào Nha - một trong số những quốc gia nghèo nhất châu Âu - lại rất hào phóng. Trong dịp Giáng sinh này, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của họ lại càng được thể hiện sâu sắc hơn bao giờ hết. Các chiến dịch từ thiện, quyên góp đồ dùng và thức ăn cho người nghèo đã được khởi động từ rất sớm, với số lượng đồ quyên góp tính đến nay đã tăng tới 30% so với dịp này năm ngoái.

Khoảng 1.000 gia đình nghèo ở Aixơlen năm nay được nhận những món quà Giáng sinh bất ngờ, dù nhỏ nhưng hàm chứa ý nghĩa tinh thần rất lớn. Đó là những chiếc bánh quy do các tù nhân ở Litla-Hraun - nhà tù lớn nhất ở nước này - tự tay làm ra và gửi tặng quỹ từ thiện. Trong khi đó, giới chức ở Aixơlen cũng nhất trí không sử dụng các tấm thiệp chúc mừng Giáng sinh và năm mới nhằm tiết kiệm tiền để gây quỹ ủng hộ người nghèo.

Tuyết ở Nam bán cầu

Năm nay, thiên nhiên đã ban cho Ôxtrâylia một món quà bất ngờ, đó là tấm áo choàng tuyết trắng vào giữa những ngày hè lẽ ra phải nắng rát da. Nhờ có tuyết, những khu vui chơi khúc côn cầu ở hai bang ở miền tây nước này là New South Wales và Victoria được mở cửa trở lại và thu hút một lượng khách kỷ lục. Cô Lovius, một du khách, vui sướng cho biết: "Chúng tôi đang hy vọng rằng thời tiết lạnh giá này sẽ còn kéo dài trong vài ngày nữa, để chúng tôi có được một Giáng sinh đầy tuyết trắng”.

Châu Á rộn ràng và những cây thông đặc biệt

Mặc dù đạo Thiên chúa không phải là tôn giáo chính, nhưng không khí đón mừng Giáng sinh ở châu Á cũng rất tưng bừng.

Tại Hàn Quốc, 50 bưu điện đã đồng loạt cử nhân viên mặc trang phục của Ông già Noel, đi xe máy đưa quà cho trẻ em nghèo ở thủ đô Xơun.

Một cửa hàng bán đồ trang trí Giáng sinh tại New York (Mỹ).


Không khí lễ hội có thể nhận thấy rõ ở thủ đô Cuala Lămpơ của Malaixia, với những cây thông Giáng sinh khổng lồ được trang hoàng nhiều bóng đèn màu nhấp nháy ở các cửa hiệu lớn. Ngoài những món ăn truyền thống, người dân Malaixia cũng chuẩn bị trên bàn tiệc của mình những món ăn đúng “chất Giáng sinh” như gà tây quay, đùi cừu quay, khoai tây nướng…

Du khách cũng đang đổ xô tới Khu hành chính đặc biệt Hồng Công (Trung Quốc) để chiêm ngưỡng cây Giáng sinh cáp quang lớn nhất thế giới, một tuyệt tác của ngài Charles K. Kao - nhà khoa học Mỹ gốc Trung Quốc đã được trao giải Nobel Vật lý 2009 vì “những thành tựu đột phá liên quan tới sự truyền ánh sáng trong các sợi quang”. Cây Giáng sinh này cao hơn 21,3 m, được làm từ hơn 4 triệu sợi cáp quang thường xuyên thay đổi màu sắc.

Cây thông Noel đắt giá nhất thế giới năm 2010, đồng thời là đắt nhất từ trước đến nay, không phải ở Bắc Mỹ, Bắc Âu mà lại ở Abu Đabi (Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất), nơi “quanh năm không có mùa đông”. Được trưng bày ở đại sảnh khách sạn Emirates Palace, cây thông cao 13 m và có trị giá khoảng 11,5 triệu USD này được tô điểm bằng những chuỗi ngọc lấp lánh, những chiếc đồng hồ thời thượng, những quả cầu trang trí bằng bạc và vàng mười, điểm xuyết 181 viên kim cương, ngọc trai, sapphire và nhiều loại đá quý đủ màu sắc khác.

Khách sạn Emirates Palace được quảng cáo đạt chất lượng 7 sao, với giá thuê phòng trọn gói trong một tuần là 1 triệu USD/khách. Ban quản lý khách sạn khẳng định rằng đây không phải là hành vi khoe của mà chỉ nhằm tạo ra một bầu không khí Giáng sinh cho những người khách ôn đới tha hương vào dịp "Tết đến, xuân về".

Trong khi đó, anh Hadas Itzcovitch, người Ixraen, đã quyết định phát đi thông điệp Noel xanh, nhằm nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường. Anh đã cùng cha dựng một cây Giáng sinh cao 11,5 m từ 5.480 chai nhựa có thể tái chế. Cây được trưng bày ở trung tâm Haifa, thành phố lớn thứ ba ở Ixraen, và được trang hoàng những bóng đèn LED rực rỡ sắc màu - cũng là một cách nhằm tiết kiệm điện năng. Thành phố Bethlehem của Ixraen, địa điểm được cho là nơi Chúa giáng sinh, cũng sẽ đón lượng du khách đông kỷ lục trong mùa lễ hội năm nay, khi các phòng nghỉ tại 2.750 khách sạn ở thành phố này đã được đặt kín chỗ trong tuần lễ Giáng sinh. Dự kiến, hàng nghìn du khách nước ngoài sẽ có mặt tại Quảng trường Manger để đón mừng thời khắc giao thừa.

Những người “thích ngọt ngào” chắc hẳn sẽ không thể bỏ qua kiệt tác cây Giáng sinh sôcôla khổng lồ đang trưng bày tại thủ đô Pari (Pháp). Nghệ nhân Patrick Roger đã chế tác ra cây thông cao 10 m và nặng 4 tấn này hoàn toàn từ sôcôla đen, trong khi đường kính được sử dụng làm những bông tuyết trắng. Cây được trang trí bằng những chú tuần lộc, phụ tá của ông già Tuyết và những cây nấm nhỏ xíu bằng sôcôla. Patrick Roger cho biết anh đã phải mất tới hơn một tháng để hoàn tất công trình ấn tượng này.

Thanh Phương (Tổng hợp)