08:01 24/08/2019

Thế cờ hòa trước nước đi chốt hạ

Ông Boris Johnson đã kết thúc thành công chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Anh, thuyết phục lãnh đạo các nước Đức và Pháp chấp nhận đề nghị của ông về việc thay thế kế hoạch "chốt chặn" trong dự thảo thỏa thuận Brexit bằng những "sắp xếp khác" để tránh hình thành một biên giới cứng trên đảo Ireland.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và người đồng cấp Anh Boris Johnson tại cuộc gặp ở Berlin, Đức ngày 21/8/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Với việc cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều đồng ý rằng thỏa thuận Brexit giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh có thể được sửa đổi, có thể nói đây là bước tiến nhỏ đầu tiên trong “ván cờ lớn” của Thủ tướng Johnson kể từ khi ông bước vào số 10 phố Downing cách đây tròn 1 tháng. 

Cho đến thời điểm trước khi diễn ra các cuộc gặp của ông với Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp, nước Anh luôn nhận được thông điệp từ phía EU là sẽ không có chuyện "mở lại đàm phán" đối với thỏa thuận Brexit, hay kế hoạch dự phòng "chốt chặn" là điều không thể tách rời trong thỏa thuận giữa hai bên. Kết quả đạt được bước đầu này đã tái khẳng định một điều là EU gián tiếp thừa nhận “cái giá phải trả” cho Brexit không thỏa thuận đắt hơn việc có thể điều chỉnh ở một chừng mực nào đó, trong bối cảnh Thủ tướng Johnson khẳng định rõ ràng quan điểm của ông đối với kế hoạch dự phòng "chốt chặn" là "không khả thi" vì chính sách này "không mang tính dân chủ và mâu thuẫn với chủ quyền của nước Anh với tư cách là một nhà nước". Ông Johnson cũng đưa ra cam kết đảm bảo không để xảy ra tình trạng biên giới cứng xuất hiện trở lại trên đảo Ireland bằng việc chính phủ sẽ không thiết lập cơ sở hạ tầng, trạm kiểm soát hoặc trạm kiểm tra tại biên giới Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland. 

Trở về London tối 22/8, Thủ tướng Johnson đã yêu cầu Bộ trưởng Brexit, ông Stephen Barclay chạy đua với thời gian để đưa ra được giải pháp cụ thể chi tiết về những "sắp xếp thay thế" thay cho kế hoạch dự phòng “chốt chặn” Bắc Ireland trước đây. Những "sắp xếp thay thế" này sẽ tạo ra động lực mới để tái mở lại các cuộc đàm phán giữa hai bên mà ông Johnson hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận mới với EU tại cuộc họp thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu vào tháng 10 này, tức là ngay trước thời điểm Anh chính thức rời “ngôi nhà chung” ngày 31/10.

Chú thích ảnh
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại cuộc họp báo ở Paris ngày 22/8/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Kết quả chuyến công du của Thủ tướng Anh được cho là khá bất ngờ, bởi không ai nghĩ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người vốn được cho là "rắn nhất" trong số các nhà lãnh đạo EU đối với thỏa thuận Brexit, lại có “sự nhượng bộ" này. Các chuyên gia cho rằng bên ngoài EU tỏ ra rất đoàn kết thành một khối và kiên quyết không nhượng bộ mở lại đàm phán Brexit với Anh, nhưng thực chất bên trong thì các quan chức EU đang nỗ lực hết sức chuẩn bị một loạt "thỏa thuận nhỏ" với Anh nhằm giảm thiểu tối đa những gián đoạn lưu thông vận chuyển hàng hóa, vốn cũng như đi lại của con người giữa Anh và EU. Việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron luôn tỏ lập trường cứng rắn với vấn đề Brexit là điều có thể hiểu được. EU cho rằng Anh muốn rời khỏi câu lạc bộ các nước EU, muốn giữ lại những quyền lợi của nước thành viên EU như tự do thương mại, nhưng không đồng ý với những nghĩa vụ bắt buộc mà EU đưa ra. Trên quan điểm của Tổng thống Pháp Macron, nếu đồng ý với cách mà Anh đề xuất thì ngay cả người Pháp cũng có thể bỏ phiếu để rời EU nếu như họ có cơ hội. Do vậy, ông Macron phải thể hiện mạnh mẽ EU không nhượng bộ với Anh ngay cả khi nhận được những cảnh báo từ phía Anh về những thiệt hại kinh tế cho chính EU nếu xảy ra Brexit không thỏa thuận. Ông Macron muốn chứng minh để các thành viên EU thấy nước nào muốn ra khỏi EU sẽ phải đối mặt với sự cô lập và đổ vỡ chính trị. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel được cho là thực tế hơn so với Tổng thống Pháp Macron. Người Đức lo lắng không chỉ về những gián đoạn thông thương giữa Anh và EU, mà còn cả nguy cơ để mất nước Anh rơi vào quỹ đạo ngoại giao của Mỹ, do vậy bà đã đưa ra đề xuất để ngỏ một thỏa thuận Brexit tốt hơn, thay vì khăng khăng không mở lại đàm phán Brexit với Anh. Quan điểm của bà là không để mất việc làm hay tổn thất thương mại nếu như có một cách khác để tránh xảy ra những điều này. Tiến trình Brexit không thỏa thuận sẽ gây ra những tổn thất thiệt hại kinh tế, những gián đoạn thông thương và rạn nứt chính trị, vậy tại sao lại làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh kinh tế EU đang ở trong thời kỳ khá mong manh, đặc biệt là đối với Đức, kinh tế đang rơi vào trạng thái trì trệ nặng.

Tuy nhiên, bà cũng hiểu EU là một tổ chức gắn kết có những quy định bắt buộc phải tuân thủ, và danh tiếng cũng như sự tồn tại của EU có thể bị ảnh hưởng nếu như quá dễ dàng đồng ý với những đề xuất mới từ ông Johnson. Đứng về góc độ kinh tế học thì có thể nói rằng hai bên cần đạt được Brexit có thỏa thuận, trong khi đó giới chính trị EU thì nói không được lùi bước nhượng bộ.     

Chuyến công du của Thủ tướng Boris Johnson đến Berlin và Paris cho thấy thông điệp rất rõ ràng: cả hai bên đều không muốn ai bị "mất mặt", và kịch bản Brexit không thỏa thuận sẽ không đem lại lợi ích cho bên nào. Nếu đối với nước Anh, không có thỏa thuận được coi là một thảm họa, thì theo như con số dự báo Chính phủ Bỉ đưa ra trước đó, Brexit không thỏa thuận cũng sẽ khiến EU phải trả giá đắt. Brexit không thỏa thuận có thể khiến Italy mất đi 130.000 việc làm, Pháp 141.000 và Đức là 291.000 việc làm. Bộ Tài chính Pháp thì cảnh báo Brexit không thỏa thuận gây thiệt lại 11 tỷ euro cho Italy, 14 tỷ euro cho Pháp và 32 tỷ euro cho Đức. 

Kết quả có thể gọi là hòa hoãn giữa EU và Anh lúc này cũng hé lộ ra một hướng đi mới: Brexit không thỏa thuận sẽ không thực sự xảy ra vì hai bên có thể ký với nhau hàng loạt "các thỏa thuận nhỏ" nhằm tháo gỡ bế tắc và giảm thiểu tối đa những xáo trộn gián đoạn thông thương giữa Anh và EU. Hoàn toàn không quá khó để ký một loạt các “thỏa thuận con”, nhiều nội dung đã được ký sẵn từ trước và một số khác có thể được ký thêm dễ dàng và nhanh chóng, điều này đã đủ để ngăn chặn những tổn thất hoặt ít nhất là tránh được tình huống xấu nhất xảy ra. Tuy nhiên, để có thể đi tới đồng thuận phương án ký hàng loạt "các thỏa thuận con", rất cần hai bên cùng đưa ra được sáng kiến đủ tầm vóc để hoàn thành được mong muốn này.

Bế tắc Brexit đã tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm” khi nhận được tín hiệu từ lãnh đạo các nước Pháp và Đức, nói cách khác, Anh và EU đang tạm đưa “ván cờ” tới thế hòa. Tuy nhiên, đây chỉ là điều kiện cần đầu tiên, Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn còn phải đối mặt với thách thức to lớn và khó khăn hơn rất nhiều tại Hạ viện Anh trong tháng tới. Đây mới chính là nước đi chốt hạ trong "ván cờ " Brexit của Thủ tướng Johnson.

Diễm Quỳnh (Phóng viên TTXVN tại Anh)