09:07 11/09/2014

Thầy thuốc vùng cao vượt khó - Bài 1: Trăn trở bệnh viện tạm

Các y bác sĩ tỉnh miền núi Lai Châu nhiều năm nay luôn nỗ lực vượt qua những thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị... để hết lòng phục vụ đồng bào.

Huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu vừa thành lập đầu năm 2013 nên cơ sở vật chất còn tạm bợ. Riêng Trung tâm Y tế huyện, trong đó có Bệnh viện Đa khoa, không có trụ sở, phải mượn tạm các gian nhà của công nhân thủy điện Lai Châu, để khám, chữa bệnh cho người dân.


Phòng ở thành bệnh viện


Ông Lò Thế Khánh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nậm Nhùn than vãn: “Dãy nhà cấp bốn này vốn là nhà ở của công nhân thủy điện Lai Châu, khi Trung tâm Y tế huyện Nậm Nhùn thành lập không có trụ sở nên đến mượn. Người ta cho mượn 31 phòng nhưng không giao hẹn về thời gian, nghĩa là nếu họ cần thì sẽ lấy lại bất cứ lúc nào. Phòng ở nên không đúng chức năng, ảnh hưởng đến việc điều trị”.

 

Bệnh viện đa khoa huyện Nậm Nhùn mượn các dãy nhà ở của công nhân để hoạt động tạm.

 

Bệnh viện nằm xa khu dân cư, đường vào đất lồi lõm gồ ghề. Để có chỗ nấu ăn cho người nhà về chăm sóc bệnh nhân, cán bộ trung tâm lấy gỗ và mua tôn dựng tạm một cái lán, diện tích khoảng 10 m2. Nói là lán nhưng cũng chỉ chôn mấy cái cọc, lợp mấy tấm tôn, xung quanh trống hoác. Người dân lấy đá kê bếp nấu. Chiều đến, mọi người tấp nập nhóm bếp chuẩn bị bữa cơm tối. Ông Khoàng Văn Vang, 67 tuổi, dân tộc Thái ở bản Nậm Tỳ, xã Nậm Hàng (Nậm Nhùn) vừa loay hoay bẻ nhánh cây đun vào bếp, vừa phân trần: “Tôi xuống chăm vợ một tuần rồi, bà ấy bị đau đầu, đau ngực khó thở. Con cái bận cả, tôi phải mang gạo từ nhà xuống, thức ăn thì đi bộ hơn hai cây số ra quán mua. Bà có cơm của bệnh viện, mình phải tự nấu lấy mà ăn”.

Ông Vang nói: “Không có giường thì tối tôi trải chiếu xuống nền đất để ngủ. Biết là khó khăn nhưng phải chịu và khắc phục chứ”.


Theo Quyết định ngày 29/3/2013, Trung tâm Y tế huyện Nâm Nhùn được thành lập, trụ sở không có phải mất một tháng tự liên hệ để mượn địa điểm. Ngày 1/5/2013, Trung tâm Y tế Nậm Nhùn mới chính thức đi vào hoạt động. Dãy nhà mượn vừa được sửa sang thì đêm 6/5 gió lốc đổ về cuốn bay hết mái nhà, tất cả trang thiết bị đều bị nước mưa giội ướt hết. Cán bộ, y bác sĩ thức trắng đêm di chuyển, bảo vệ máy móc, trang thiết bị. Cơn lốc đi qua, các dãy nhà trông như một đống đổ nát, cán bộ, y bác sĩ lại xắn tay dọn dẹp và đầu tư hơn 100 triệu đồng để sửa chữa.


Theo nhu cầu công việc, Trung tâm Y tế huyện cần trên 200 cán bộ, nhưng năm 2013 - 2014, ngành Y tế Lai Châu không được bổ sung biên chế nên chỉ điều chỉnh chuyển từ các đơn vị các huyện, tỉnh để đưa 130 cán bộ, y bác sĩ vào.


Những ngày đầu, do không có nhà nên cán bộ và y bác sĩ ở luôn trong phòng làm việc. Về sau, bệnh nhân ngày một tăng nên mọi người chuyển ra ngoài thuê phòng trọ. Anh Hoàng Bá Ái, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Nậm Nhùn cho biết: “Hiện nay tất cả cán bộ, y bác sĩ của trung tâm đều phải thuê trọ bên ngoài, mỗi tháng mất khoảng 1,5 triệu đồng. Đồng lương ít ỏi, lại “được tiếng” là ở thị trấn nên không được “tiền thu hút”, do vậy chi tiêu cũng vất vả. Ai tăng cường vào đây mà vợ/chồng con ở xa thường xuyên về thăm thì khó khăn hơn nữa”.


Không chuyển tuyến


Ông Khánh cho biết: “Mới thành lập, trụ sở tạm bợ, chỉ có 25 giường bệnh, chưa có trang thiết bị y tế hiện đại, đội ngũ bác sĩ chưa đủ nên trung tâm chỉ đảm nhận những trường hợp bệnh thông thường. Những ca phức tạp thì phải chuyển tuyến, bảo đảm tính mạng cho người dân. Đồng thời, Trung tâm Y tế cử cán bộ thường xuyên về cơ sở, thực hiện khám, chữa trị tại chỗ nhằm giảm tải bệnh nhân chuyển lên tuyến huyện. Công việc nhiều, cán bộ, y bác sĩ ở trung tâm phải thường xuyên tăng ca, làm cả ngày nghỉ”.


Tuy nhiên, có thực tế là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, lại có tâm lý không muốn đi xa nên dù bệnh nặng, trung tâm không chữa trị được, phải chuyển tuyến thì đồng bào nhất quyết không chịu đi. Họ bảo: “Không cho ở lại thì về bản thôi, chết cũng không đi đâu hết”, Giám đốc Khánh nói.


Trường hợp cháu Pàn Văn Dũng, 4 tuổi, dân tộc Mảng ở bản Pá Sập, xã Nậm Pì là một ví dụ. Cháu bị viêm phổi, điều trị ở huyện một tuần không khỏi, thấy bệnh tình nghiêm trọng hơn nên trung tâm khuyên gia đình chuyển ra tỉnh. Bố cháu nói: “Tôi không đi đâu cả, không cho ở lại thì về bản thôi”. Hỏi mới biết là gia đình không có tiền, vì vậy cán bộ, y bác sĩ trung tâm mỗi người góp một ít tiền để em Dũng chuyển tuyến ra tỉnh, kịp thời cứu chữa.


Anh Khoàng Văn Phu, dân tộc Thái ở bản Nậm Ty, xã Nậm Hàng xuống chăm mẹ Khoàng Thị Tượng nằm viện vì bị hội chứng dạ dày - tá tràng. Hỏi anh có muốn chuyển mẹ ra tỉnh, điều kiện chăm sóc và chữa trị tốt hơn không? Phu nói không đâu, nhà mình không có tiền. Phu chỉ tay lên vết tường nứt dài nói tiếp: “Nhìn thấy thế này cũng sợ lắm! Nhà nước sao không đầu tư xây bệnh viện mới cho người dân bớt khổ?”.


“Tôi mong các cấp chính quyền quan tâm, sớm đầu tư xây dựng trụ sở Bệnh viện Đa khoa huyện Nậm Nhùn để bảo đảm công tác khám, chữa bệnh và quyền lợi cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Tôi đang lo lắng, ngày nào đó bên thi công thủy điện lấy lại nhà, hoạt động của trung tâm sẽ phải dừng. Nếu không đủ điều kiện xây dựng bệnh viện đúng tiêu chuẩn thì làm các dãy nhà, có phòng chức năng phù hợp với chuyên môn, nhưng hiện huyện Nậm Nhùn vẫn chưa san ủi, cấp mặt bằng. Tôi động viên anh em cố gắng khắc phục”, ông Lò Văn Khánh nói.


Bài và ảnh: Việt Hoàng