02:22 21/02/2016

Thầy giáo Tày miệt mài dạy chữ Mông

Với thầy giáo trẻ Hà Văn Hoan, dân tộc Tày, 3 năm ra trường, về làm công tác dạy tiểu học là quãng thời gian đặc biệt với nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Sinh năm 1990, tại xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Hoan đã ước mơ sau này sẽ trở thành thầy giáo để mang con chữ về cho các em nhỏ quê hương mình. Sau khi học xong cấp 3, Hoan thi đỗ vào Trường Cao đẳng Hải Dương. Tốt nghiệp ra trường, thầy Hoan được phân công về giảng dạy tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Pá Hu, xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái đến nay.

Thầy giáo Hoan trong một giờ học trên lớp cùng các em học sinh.

Bên cạnh việc dạy văn hóa, thầy Hoan còn được phân công giảng dạy thêm tiếng Mông cho các em, theo chương trình bồi dưỡng của Sở Giáo dục và Đào tạo cho cán bộ quản lý giáo viên và giáo viên tại các trường tiểu học trên địa bàn huyện Trạm Tấu. Công việc này khiến thầy Hoan gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bởi bản thân là người dân tộc Tày, lại chưa có nhiều kinh nghiệm. “Lúc đầu, khi được phân công giảng dạy chữ và tiếng Mông, tôi cảm thấy rất bỡ ngỡ. Là một giáo viên trẻ, kinh nghiệm chưa có nhiều, nhưng trong quá trình dạy, được tiếp xúc với các em học sinh, tôi thấy mình như được tiếp thêm động lực. Việc trao đổi, tiếp xúc thường xuyên với các em học sinh và người dân bản địa cũng là một lợi thế để tôi nhanh chóng tích lũy được vốn tiếng Mông kha khá cho mình”, thầy Hoan tâm sự.

Có lẽ chính bởi sự tận tâm và nhiệt huyết của mình mà thầy giáo Hoan được rất nhiều học sinh ở Trường PTDTBT Tiểu học Pá Hu quý mến. Thầy Hoan vui vẻ tâm sự: “Các em học sinh rất ngây thơ, hồn nhiên. Các em hay tặng tôi những món quà giản dị, mộc mạc như những bông hoa hoặc loại quả mà các em hái được trong rừng, khiến tôi rất vui và hạnh phúc bởi tôi hiểu rằng, không phải ai cũng may mắn như tôi”.

Quỳnh Như