06:08 19/06/2018

Thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp - Bài 2: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Để tiến trình thay đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” đạt tốc độ nhanh, bắt kịp với thị trường trong quá trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế hiện nay, cần phải có một loạt giải pháp; trong đó, quan trọng là những giải pháp này phải tác động mạnh mẽ, từ nhiều phía để xóa bỏ thực trạng quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ đang là “rào cản” rất lớn trong việc khai phóng ngành nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chọn trái thanh long ngon cho xuất khẩu tại nhà máy Kim Thanh 2, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Đức Nhung/TTXVN

Có “cú hích” mạnh mẽ hơn nữa

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, cạnh tranh ngày càng gay gắt, doanh nghiệp có vai trò quyết định đến sự thành công của nền nông nghiệp hàng hóa. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải cần có các sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất theo những quy trình canh tác bền vững và có chứng nhận tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, trong khi tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp – nông dân hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc. Một số ý kiến của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, Chính phủ cần ưu tiên nghiên cứu thay đổi để có chính sách hỗ trợ liên kết nên hướng nhiều đến hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa.

Cụ thể, một đề xuất để Chính phủ xem xét là chính sách thúc đẩy hợp tác công – tư (PPP) trong liên kết tiêu thụ gắn với sản xuất lớn. Điều này, theo các chuyên gia nông nghiệp, sẽ giúp Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng vùng nguyên liệu lớn dễ dàng đi vào cuộc sống hơn.

Bởi việc thực hiện PPP sẽ tăng tính cam kết, trách nhiệm của Nhà nước hỗ trợ đất đai để doanh nghiệp xây dựng nhà máy, kho chứa, hỗ trợ tiếp cận tín dụng ưu đãi, mức độ ưu đãi tham gia xuất khẩu theo thỏa thuận Chính phủ và hỗ trợ các hợp tác xã, nông dân thực hiện sản xuất theo quy trình kỹ thuật chung… Do từ hợp tác công tư này sẽ giải quyết được “cơ chế xin - cho” và đảm bảo niềm tin cho doanh nghiệp đầu tư vào thực hiện liên kết.

“Doanh nghiệp là thị trường gần nhất của nông dân nên Chính phủ cần thay đổi thể chế chính sách để làm sao những ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhanh chóng đi vào cuộc sống. Các ưu đãi này không dài hạn thì cũng trong ngắn hạn để có thể thúc đẩy liên kết với nông dân”, ông Trần Tấn Đức, Giám đốc Công ty lương thực Đồng Tháp kiến nghị.

Một vấn đề quan trọng khác là cần có chính sách mạnh mẽ hơn nữa khuyến khích “tích tụ ruộng đất” nhằm xây dựng vùng sản xuất lớn, “dọn đường” áp dụng khoa học công nghệ, sản xuất an toàn, tiên tiến. Giải pháp cho vấn đề này chính là nghiên cứu xây dựng cơ chế để hình thành “doanh nghiệp trong hợp tác xã”; trong đó, nông dân góp vốn bằng đất để có thể sử dụng quỹ đất hiệu quả hơn và nông dân hưởng được quy trình chế biến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, bằng cách làm này sẽ giải quyết tốt vấn đề liên kết lỏng lẻo giữa doanh nghiệp và nông dân như hiện nay, đồng thời tháo gỡ những khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ các nguồn vốn vay ưu đãi.

“Nếu có điều kiện hơn nữa sẽ kêu gọi hợp tác công tư giữa nhà nước – tư nhân để hình thành doanh nghiệp trong hợp tác xã. Tôi cho rằng đây là một đề xuất giải pháp táo bạo, cần phải chấp nhận đột phá thì mới dám làm”, ông Trần Tấn Đức nhìn nhận.

Phải “đi tắt đón đầu”

Nông dân xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An đang cấy bằng máy cấy mạ khay. Ảnh: Anh Đức/TTXVN

Thời gian qua, ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng nhiều mô hình canh tác nhằm giảm chi phí, tăng giá trị sản phẩm như: ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa để giảm giá thành sản xuất, mô hình canh tác lúa thông minh… Theo Tiến sĩ Lê Quý Kha, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, tất cả những mô hình này được xem là bước đầu của ngành nông nghiệp Việt Nam nhằm tiếp cận từng bước mô hình nông nghiệp 4.0 trên thế giới.

Một số chuyên gia nông nghiệp nhận định, yêu cầu cần có sự đột phá của ngành nông nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là vô cùng quan trọng nếu như không muốn bị bỏ lại phía sau. Thậm chí, khi đứng trước hiện trạng sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ với tỷ lệ sử dụng đất canh tác dưới 5 ha là 97%; trong đó, có tới 70% là dưới 0,5 ha thì Chính phủ càng phải tập trung ưu tiên thúc đẩy những mô hình nông nghiệp 4.0 phát triển.

Quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Rynan Technologies Vietnam cho rằng, chính sách “tích tụ ruộng đất” sẽ không còn cần thiết nếu như áp dụng nền tảng công nghiệp 4.0 vì từ đây tạo ra những doanh nghiệp sản xuất lúa gạo nhưng không cần sử dụng một thửa ruộng nào.

“Trên thế giới, công nghệ 4.0 đã xuất hiện những hãng vận chuyển hàng đầu thế giới nhưng không sở hữu một chiếc xe nào là hai thương hiệu “Uber và Grab”, một công ty cung cấp dịch vụ lưu trú khắp thế giời nhưng không sở hữu một bất động sản nào có tên là “Airbnb”. Ngành nông nghiệp cũng vậy”, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ nêu ví dụ điển hình.

Thực tế, quan điểm nói trên của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ đã được dẫn chứng bằng việc Công ty cổ phần Rynan Agrifooods hợp tác với 5 hộ nông dân để triển khai mô hình “canh tác lúa lý tưởng” vào vụ Đông Xuân 2017 – 2018 có tổng diện tích 7,6 ha tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Đây là mô hình canh tác thông minh, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất nhằm giảm phát thải nhà kính, sử dụng phân bón và chế phẩm sinh học để tăng chất lượng lúa gạo, thực hiện liên kết sản xuất cho đến tiêu thụ. Đặc biệt, người dân canh tác không cần ra đồng vì tất cả đều được kết nối và điều khiển qua thiết bị thông minh.

Ông Lê Văn Ngọt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười đánh giá, mô hình này đã giúp nông dân giảm gần 50% chi phí, tăng hơn 10% năng suất, cùng với đó là giảm được 50% lượng khí thải nhà kính. Từ kết quả khả quan trên, 5 hộ với 7,6 ha trong vụ đầu tiên năm 2017 đến nay toàn huyện đã có gần 40 ha tham gia vào mô hình này.

Nhìn nhận những thành quả bước đầu này, Tiến sĩ Lê Quý Kha, cho rằng, cần phải tạo mọi điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp thông minh trong thời gian tới; đồng thời kiến nghị Chính phủ phải dành một phần ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp thông minh, nông nghiệp 4.0.

Như vậy, có thể thấy rằng để thay đổi chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị không chỉ làm nhiệm vụ thay đổi tư duy của người nông dân mà còn từ nhà quản lý, các doanh nghiệp biết cách ứng dụng giải pháp công nghệ cao. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần thấu hiểu xu hướng thị trường, chọn lựa sản phẩm nông sản chủ lực để không chỉ xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với xu thế mà còn phù hợp với đặc thù của nông nghiệp nước nhà.

Bài cuối: Tìm chiến lược dài hạn

Anh Đức (TTXVN)