09:16 28/09/2017

Thay đổi thói quen tiêu dùng sẽ thúc đẩy thị trường cho vay

Theo PGS.TS Hoàng Văn Hải - Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh (QTKD), Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), qua dự án nghiên cứu “Thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị cho người tiêu dùng” cho thấy, xu hướng thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân trong những năm gần đây đang tạo ra những động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường cho vay tiêu dùng.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Còn nhiều dư địa cho vay

“Với thị phần mới chỉ chiếm khoảng 5 - 10% trên tổng dư nợ tín dụng thì dư địa của thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam còn rất lớn. Tỷ lệ này ở các nước phát triển thường là 40 - 50%”, PGS. TS. Hoàng Văn Hải nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc dư nợ cho vay tiêu dùng liên tục tăng trưởng 20 - 30%/năm kể từ 2010 nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/4 nhu cầu vay vốn giúp thị trường này có tiềm năng phát triển lớn.

Trong phạm vi của nghiên cứu do Viện QTKD vừa thực hiện, khảo sát đối với hơn 2.000 người tiêu dùng trên địa bàn 12 tỉnh/thành phố đã cho thấy, vẫn còn nhiều người dân còn có tâm lý e ngại khi tiếp xúc với dịch vụ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Tuy nhiên đối với giới trẻ, nhu cầu ngày càng tăng, có đến 47.8% số người chưa từng đi vay tiêu dùng khi trả lời khảo sát đã bày tỏ quan điểm “sẵn sàng hoặc chấp nhận đi vay để tiêu dùng nếu thấy cần thiết”.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, năng lực và thái độ của nhân viên tổ chức cho vay tiêu dùng ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định vay và tiếp tục vay của người tiêu dùng. Nhiều khách hàng từng vay các công ty tài chính (CTTC) đã có đánh giá tương đối tốt về sản phẩm, thủ tục và quy trình cho vay của các CTTC. Tuy nhiên, mức độ hài lòng về chi phí vay thì còn thấp so với sự hài lòng với các yếu tố khác của chất lượng dịch vụ.

Từ góc độ đánh giá của khách hàng và kết hợp với các tiêu chí đánh giá năng lực cung cấp dịch vụ của CTTC, các CTTC được đánh giá cao gồm HomeCredit, FE Credit, HD Saison. Trong đó, dẫn đầu thị trường là Home Credit với đánh giá cao của khách hàng về sản phẩm đa dạng, chính sách về sản phẩm, dịch vụ rõ ràng, minh bạch. Home Credit cũng được nhìn nhận là một công ty có nhiều hoạt động đóng góp cho cộng đồng với các chương trình giáo dục tài chính cá nhân cho cộng đồng trong nhiều năm qua.

Kỳ vọng lãi suất cho vay giảm

Năng lực và thái độ của nhân viên tổ chức cho vay tiêu dùng ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định vay và tiếp tục vay của người tiêu dùng.

Theo Viện QTKD, thị trường cho vay tiêu dùng sẽ có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai và người tiêu dùng ngày càng có nhiều sự lựa chọn khi tiếp xúc với các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân khác nhau. Khi các tổ chức cho vay tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, người dân sẽ có cơ hội được sử dụng những sản phẩm, dịch vụ chất lượng ngày càng tốt hơn ,lãi suất sẽ có xu hướng giảm đi.

LS.Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho rằng, lãi suất cho vay tiêu dùng hiện hơi cao và nếu lãi suất cao quá thì có thể dẫn đến nguy cơ nhiều khách hàng không trả được nợ.

“Một trong những nguyên nhân lãi suất cao có thể do các tổ chức tín dụng tiêu dùng đã tính đến các “rủi ro hết cỡ” và họ đặt lãi suất cao để đảm bảo loại trừ được các rủi ro đó”, ông Đức nói. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh được ghi nhận là khá tích cực của các tổ chức tín dụng tiêu dùng thời gian vừa qua thì có thể các rủi ro không phải ở mức cao như vậy.

Bên cạnh đó, cho rằng cho vay tiêu dùng sẽ là kênh cung cấp vốn nhanh chóng, tiện lợi, có hiệu quả và cực kỳ phù hợp với xu thế phát triển hiện đại, nhất là đối với các thế hệ trẻ hiện nay, LS. Đức cho rằng, đã đến lúc cần để cho cho vay tiêu dùng phát triển nhanh và mạnh hơn nữa.

“Cần tiếp tục hoàn thiện thị trường cho vay tiêu dùng theo hướng cải cách mạnh mẽ, cởi mở, thông thoáng Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) và các văn bản dưới luật quy định về hoạt động của các công ty tín dụng tiêu dùng. Thậm chí cần xem xét cả khả năng đưa CTTC tiêu dùng ra khỏi loại hình TCTD để xác định lại đúng vai trò của định chế tài chính này. Bên cạnh đó, đã đến lúc không nên chỉ coi cho vay tiêu dùng là tiêu dùng, mà cần phải coi đó cũng chính là một dạng đặc biệt của tín dụng hướng tới sản xuất, kinh doanh”, ông Đức chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó tổng giám đốc CTTC HD SAISON cho hay: Cho vay tiêu dùng là một sản phẩm dịch vụ và về nguyên tắc thì bất kỳ một nhà sản xuất nào (ở đây là CTTC) cũng phải tìm mọi cách để hạ giá thành sản phẩm dịch vụ của mình (lãi suất). “Bản thân chúng tôi luôn tâm niệm làm sao phải hạ được lãi suất bởi nó liên quan đến yếu tố cạnh tranh chứ không thể một mình một chợ được”, ông Đức nói.

Liên quan tới vấn đề này, PGS.TS. Lê Thị Kim Nhung, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Đại học Thương mại) chia sẻ: Thị trường cho vay tiêu dùng càng ngày càng minh bạch, cạnh tranh tăng lên thì lúc đó lãi suất sẽ có xu hướng giảm.

“Quy luật của nền kinh tế thị trường là quy luật bình quân hóa tỷ suất lợi nhuận. Theo đó, nếu lĩnh vực cho vay tiêu dùng có tỷ suất lợi nhuận cao hơn các lĩnh vực khác bởi yếu tố lãi suất cao thì sẽ ngày càng có nhiều CTTC tham gia cạnh tranh khiến cung tăng và buộc lãi suất sẽ giảm xuống”, bà Nhung nói.

Viện Quản trị Kinh doanh – tiền thân là Khoa Quản trị kinh doanh, thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong những năm qua, Viện Quản trị kinh doanh đã luôn nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu gồm:

- Cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu của xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.

- Chuyển giao các kết quả nghiên cứu, các lý thuyết và tư tưởng mới về quản trị cho các doanh nghiệp.

- Cung cấp các dịch vụ tư vấn chất lượng cao về quản trị cho các doanh nghiệp và các tổ chức khác.


PV