Người dân chính là người thụ hưởng và cảm nhận rõ nhất cuộc sống đổi mới, nâng cao từng ngày đang diễn ra ở những vùng quê nông thôn mới.
Từ những vùng quê đơn thuần, không lâu trước đây vẫn còn cầu khỉ, đường đất “mưa lội sình, nắng hít bụi”, nhà cửa tuềnh toàng thì giờ đường giao thông nông thôn đã bê tông hóa, nhà ngói và biệt thự vườn thi nhau mọc lên. Cuộc sống đổi thay theo hướng tươi đẹp hơn, người nông dân càng thêm gắn bó với quê hương, thêm yêu mảnh đất của mình.
Diện mạo mới
Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân là xã vùng sâu vùng xa vào hạng nhất nhì của tỉnh Bạc Liêu. Hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nơi đây chuyển mình rõ nét. Từ một vùng quê thuần nông nghèo nàn, lạc hậu, giờ đây cơ sở hạ tầng được đầu tư khá hoàn thiện.
Đó là những tuyến đường bê tông trải dài theo từng xóm ấp, hai bên đường phủ đầy hoa thơm, hàng rào cây xanh xanh mát. Những ngôi nhà được xây dựng khang trang, bề thế, tạo nên ấn tượng về một vùng quê giàu đẹp.
Những thành quả đạt được hôm nay đều là sự nổ lực không ngừng của chính quyền và nhân dân trong xã. Từ sự khơi dậy sức dân cùng chung tay thực hiện có hiệu quả công cuộc xây dựng nông thôn mới, người dân hưởng ứng tạo thành những phong trào hiến đất làm đường, xây trường học và các công trình công ích khác. Những công trình mang "Ý Đảng, lòng dân" đã mở ra hướng phát triển mới, nhất là trong điều kiện kinh phí của các địa phương còn khiêm tốn, hạn hẹp.
Ở một vùng quê khác - xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long. Trên tuyến đường dài vào ấp Bình Tốt A, thôn xóm nằm nép mình bên 2 con đường bê tông chạy dài thông suốt, ở giữa là một dòng kênh uốn mình với hàng dừa rợp bóng mát giữa nắng trưa.
Đường có chiều ngang đủ để ô tô lưu thông dễ dàng. Những ngôi nhà đủ kiểu từ hiện đại đến kiến trúc cổ thâm trầm sau những hàng rào cây kiểng được chăm sóc, tỉa tót tỉ mẩn. Cảnh đẹp khiến nhiều người ngẩn ngơ, chỉ ước mơ có thể đến và sống ở nơi đây.
Đây là kết quả của một quá trình dài người dân huyện Phước Long xắn tay làm nông thôn mới. Ở ấp Bình Tốt A, hầu như gia đình nào cũng trồng cây ăn quả trong vườn nhà. Huyện vận động người dân thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả. Không để đất trống, vườn bỏ hoang, gia đình nào không có nhân lực thì các chi hội nông dân, đoàn thể sẽ cử người đến giúp - ông Sử Công Hầu, một trong những “hạt nhân” của phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương tự hào chia sẻ.
Như chứng minh cho điều này, khu vườn nhà ông lúc nào cũng xum xuê cây trái, với đủ loại như: vú sữa, mít, xoài, mãng cầu, ổi…
Để người dân thực hiện cải tạo vườn tạp, chính quyền địa phương cấp cho cây giống, đồng thời tập huấn kỹ thuật để bà con hiểu và chăm sóc tốt cây trồng. Bí thư Huyện ủy Phước Long, ông Nguyễn Chí Thiện cho hay, nhờ phát động đúng nhu cầu, nguyện vọng mà người dân thực hiện rất tốt chủ trương cải tạo vườn tạp, trồng các loài cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, xây dựng cảnh quang môi trường xanh – sạch – đẹp.
Bà con cùng nhau phát hoang vườn tạp, dọn dẹp hai bên đường làng ngõ xóm, trồng cây kiểng làm hàng rào theo các tuyến đường. Nhà ai ít người, xã, ấp hỗ trợ cả nhân lực, cán bộ đoàn thanh niên, dân chánh ấp xuống tận nơi để dọn dẹp, phát hoang, trồng cây. Chỉ riêng ấp Bình Tốt A, có hàng ngàn cây dừa được chính quyền cấp cho dân trồng đã bén rễ, xanh tốt, không chỉ làm đẹp cho xóm làng mà còn hứa hẹn sớm trở thành 1 nguồn thu nhập cho nhiều hộ gia đình.
Sự đổi thay từ môi trường sống, cảnh quan, nhà cửa, không ai khác khi người dân chính là người thụ hưởng và cảm nhận rõ nhất cuộc sống đổi mới, nâng cao từng ngày. Như quang cảnh ở nhà của chú Trần Văn Khánh, đẹp từ cái hàng rào hoa cho đến khu vườn đầy mai cảnh được chú chăm sóc, cắt tỉa như một nghệ nhân thực thụ. Đi ngang nhà chú Khánh, cứ ngỡ như mùa xuân ngụ mãi nơi đây, không chịu rời đi.
Sự nỗ lực, chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và người dân Xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long đã được nhân lên trong niềm vui xuân khi vừa được UBND tỉnh Bạc Liêu công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Cũng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu như xã Vĩnh Phú Tây là xã Ninh Thạnh Lợi A của huyện Hồng Dân. Có một thời địa danh này đi vào ký ức của nhiều thế hệ về sự xa xôi cách trở, phương tiện đường bộ là thứ "xa xỉ"; cái nghèo nàn, lạc hậu cứ luôn đeo bám. Những cánh đồng "chó ngáp" mà người dân không biết trồng cây gì, nuôi con gì, sống như thế nào để đổi đời giờ đã khác xưa.
Ninh Thạnh Lợi A hôm nay giàu lên từng ngày. Năn, lát – những loài cỏ dại đã một thời ngự trị nơi đây, giờ đã phải nhường chỗ cho con tôm – cây lúa, những sản vật đã và đang đem đến cho người nông dân sự trù phú. Xã xuất hiện nhiều, rất nhiều những tỷ phú tôm lúa. Những căn nhà biệt thự tiền tỷ không còn là điều lạ lẫm nữa. Thu nhập bình quân của người dân xã Ninh Thạnh Lợi A đạt trên 75 triệu đồng/người/năm. Xã cũng không còn hộ nghèo.
Chất lượng cuộc sống trở thành tiêu chí quyết định
Tỉnh Bạc Liêu hiện có 49/49 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 16 xã nông thôn mới nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu; có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là huyện Phước Long, thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai và huyện Vĩnh Lợi.
Phương châm của địa phương là “xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”; xây dựng nông thôn mới phải gắn với công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn; đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị, phát triển hài hòa kinh tế, xã hội và môi trường; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chất lượng các dịch vụ, đảm bảo đáp ứng tốt các nhu cầu hưởng thụ của người dân.
Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa đô thị và nông thôn, tỉnh Bạc Liêu đã và đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 15/49 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu thành phố Bạc Liêu cùng huyện Phước Long hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Nhiều giải pháp đã được đề ra; trong đó tỉnh đặc biệt quan tâm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cùng đó, hoàn thiện, nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới và tập trung thực hiện hoàn thành xây dựng tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nhấn mạnh, mục đích xây dựng nông thôn mới, nhất là nông thôn kiểu mẫu hướng đến là phải lấy chất lượng cuộc sống của người dân làm thước đo các tiêu chí. Có như vậy, mới góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh, để làng quê Bạc Liêu trở thành nơi đáng sống.
Các xã muốn đạt được tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu phải đảm bảo thực hiện tốt phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đây là tiêu chí rất cần thiết để giúp các xã được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu thực sự xứng tầm, hiệu quả. Đặc biệt, trong thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các địa phương cần chú trọng tìm giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân. "Nhất quyết không chạy theo thành tích trong xây dựng nông thôn mới. Các xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu cần xem đó là động lực để tiếp tục phấn đấu hoàn thiện, nâng cao hơn nữa các tiêu chí" - ông Thiều nhấn mạnh.
Qua hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, Bạc Liêu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, diện mạo các vùng quê đều có sự thay đổi rõ nét. Người dân cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại. Từ đó, họ đồng lòng thực hiện tốt các chủ trương đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về xây dựng nông thôn phồn vinh, gia đình hạnh phúc.