09:22 09/09/2012

Thay đổi diện mạo các xã đặc biệt khó khăn

Lào Cai là tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Toàn tỉnh có tổng số 112 xã, 171 thôn đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II.

Lào Cai là tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Toàn tỉnh có tổng số 112 xã, 171 thôn đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II. Sau 5 năm triển khai thực hiện, chương trình đã góp phần làm thay đổi mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của đồng bào.

 

Vượt qua nhiều rào cản


Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lào Cai Lý Văn Hải, cho biết, mặc dù gặp nhiều trở ngại như bão lũ, bão giá, lạm phát, rét đậm rét hại làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II những năm qua.


Nhưng nhờ triển khai thực hiện chương trình (CT) có bài bản, sự tận tâm, tận lực cải thiện đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, CT 135 giai đoạn II ở Lào Cai đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện rõ ở việc giảm nhanh tỷ lệ đói nghèo. Theo tiêu chí mới, tỷ lệ hộ nghèo tính hết năm 2011 còn trên 35%.

 

Lồng ghép các nguồn vốn tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn ở Lào Cai.

 

Tính đến hết năm 2010, Lào Cai đạt nhiều tiêu chí so với mục tiêu Chương trình đề ra về xây dựng cơ sở hạ tầng như: 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 80% số thôn bản có đường giao thông nông thôn; 100% các xã trên địa bàn đều có trường, lớp học được đầu tư xây dựng kiên cố; 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã...; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 98,8%, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%...


Sau 5 năm, đã có 674 công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng, trên 900 tỷ đồng được đầu tư hỗ trợ hoạt động nông, lâm, ngư nghiệp và chế biến nông, lâm sản. Đã có 8.507 lượt thanh niên dân tộc thiểu số được đào tạo nghề; trên 122.000 học sinh được hỗ trợ tiền ăn học nội trú, bán trú...


Nậm Cang là một trong những xã 135 của Lào Cai, nằm ở vùng sâu, vùng xa của huyện Sa Pa, đã thoát nghèo nhờ chương trình. Xã có gần 500 nóc nhà, với 2 dân tộc Dao và Mông sinh sống. Từ năm 2008 trở lại đây, Nậm Cang là xã vùng sâu duy nhất của Lào Cai xóa xong hộ nghèo.


Bước chuyển biến rõ nét nhất là từ khi có sự đầu tư hỗ trợ từ CT 135, lồng ghép các chương trình, dự án khác, nhân dân thực hiện đưa cây thảo quả và một số cây, con giống mới có năng suất cao, giá trị kinh tế lớn vào canh tác thay thế các cây, con hiệu quả kinh tế thấp khác. Toàn xã hiện có 563,2 ha thảo quả, trong đó diện tích đang cho thu hoạch là 189,5 ha, chiếm 30% diện tích và sản lượng toàn huyện, thu khoảng 80 tấn/năm và cho giá trị thu nhập bình quân từ thảo quả gần 10 tỷ đồng/năm. Không chỉ độc canh cây thảo quả, nhân dân trong xã đang thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế như trồng cây dược liệu, cây ăn quả, lúa đặc sản...

 

Năm 2012, ưu tiên cơ sở hạ tầng

Theo ông Lý Văn Hải, năm 2012, Lào Cai tiếp tục được thực hiện CT 135 giai đoạn II với nguồn vốn từ năm 2011, với tổng nguồn vốn hơn 184,5 tỷ đồng, tập trung ưu tiên các nội dung, danh mục đầu tư thuộc Đề án xây dựng nông thôn mới, có nhu cầu đặc biệt cấp thiết nhằm giải quyết những khó khăn, đồng thời tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai, đối với dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu, bố trí vốn thanh toán dứt điểm các công trình thuộc Chương trình 135 giai đoạn II đã thi công từ năm 2010 về trước mà còn thiếu vốn. Đối với công trình khởi công mới từ năm 2012, tập trung đầu tư công trình đường giao thông liên thôn và trường mầm non, những công trình được bố trí kế hoạch phải được thực hiện đầu tư hoàn thành trong năm 2012, trong đó: Đường giao thông liên thôn (kể cả cầu) cơ chế đầu tư theo quy định, vốn 135 bố trí thuộc phần ngân sách cấp tỉnh và huyện hỗ trợ, phần còn lại do xã huy động nhân dân đóng góp.


Đối với kinh phí quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng: Tập trung kinh phí cho công trình dân dụng, như trường học, trạm y tế, trụ sở xã và công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Các địa phương chủ động lựa chọn một số nội dung trọng tâm để đầu tư, hỗ trợ dự án hỗ trợ sản xuất. UBND tỉnh giao cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Dự án đào tạo nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn bản và cộng đồng. Nội dung tập huấn trên cơ sở lồng ghép nội dung các hợp phần thuộc CT 135 giai đoạn II, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.


Ông Lý Văn Hải cho biết thêm, những giải pháp mà UBND tỉnh và Ban chỉ đạo CT 135 giai đoạn II đã xác định và tiến hành triển khai nhằm thúc đẩy thực hiện xong chương trình trong năm 2012 với quyết tâm cao, đặc biệt ưu tiên và quan tâm đến các công trình, hợp phần gắn với xây dựng nông thôn mới.

 


Bài và ảnh: Trọng Thủy