05:08 02/05/2011

Thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc thiểu số

Trong quá trình dựng nước và giữ nước, Đảng ta luôn xác định công tác dân tộc (DT) và đại đoàn kết các DT có vị trí chiến lược quan trọng.

Trong quá trình dựng nước và giữ nước, Đảng ta luôn xác định công tác dân tộc (DT) và đại đoàn kết các DT có vị trí chiến lược quan trọng. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 3/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58 thành lập Bộ Nội vụ, trong đó có Nha Dân tộc thiểu số (DTTS) - tiền thân của Ủy ban Dân tộc ngày nay, có nhiệm vụ giúp Chính phủ “Xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các DTTS trong nước, thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam”.

65 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, cơ quan công tác DT từ Trung ương đến địa phương đã tham mưu, đề xuất với Trung ương Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về lĩnh vực công tác DT. Đáng chú ý là Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa IX) về công tác DT; Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng DT miền núi, vùng sâu vùng xa; Chương trình 134 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho các hộ DTTS; chính sách định canh định cư; chính sách trợ giá trợ cước; chính sách hỗ trợ hộ DTTS đặc biệt khó khăn, các chính sách cụ thể đối với một số vùng đặc thù tại Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ…

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng với đồng bào dân tộc thôn Đắk Mút, xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN


Nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của đồng bào và việc tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách DT, tình hình kinh tế - xã hội vùng DT nói chung và đời sống của nhân dân các DTTS và miền núi trong cả nước nói riêng đã có những chuyển biến quan trọng. Các địa phương vùng DT đạt được tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tăng trưởng kinh tế tại các địa phương vùng DT và miền núi luôn đạt 8-10%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 4,2 triệu đồng/người/năm, không còn hộ đói kinh niên, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 47% năm 2006 xuống còn 28,8% năm 2010, bình quân mỗi năm giảm được 3-4% hộ nghèo. Cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng DT và miền núi như đường giao thông nông thôn đến thôn bản, công trình thủy lợi nhỏ, trường học, trạm y tế, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, điện sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng, chợ… được cải thiện rõ rệt. Nhờ đó mà bộ mặt nông thôn miền núi đã có những đổi thay, từng bước đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế và cải thiện đời sống dân sinh của đồng bào DTTS.

Các lĩnh vực xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa đã đạt được những kết quả quan trọng. Mặt bằng dân trí ở vùng đồng bào DT được nâng lên rõ rệt. Đã hoàn thành xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, đang tiến tới hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Hầu hết các xã, thôn, bản đã có trường tiểu học, nhà mẫu giáo, tạo điều kiện cho con em các DT được đến trường. Các huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa có các trường phổ thông DT nội trú, trường bán trú dân nuôi; thực hiện chế độ cử tuyển, hàng vạn con em các DTTS đã được đào tạo có trình độ đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các DT được chú trọng, người nghèo được cấp bảo hiểm y tế, miễn phí khám chữa bệnh, các huyện vùng DT có trung tâm y tế, các xã có trạm y tế và cán bộ y tế cơ sở. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đã giảm xuống dưới 25%. Đồng bào DTTS được sử dụng muối iốt, trẻ em được tiêm phòng, các dịch bệnh được ngăn chặn, đẩy lùi. Văn hóa các DT được tôn trọng, giữ gìn, phát huy. Nhiều ngày hội văn hóa các DT được tổ chức ở các khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ… Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ rệt, 80% hộ được xem truyền hình, 90% hộ gia đình được nghe đài phát thanh, 100% số xã có điểm bưu điện văn hóa xã.

Việc xây dựng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị và chăm lo công tác cán bộ vùng DTTS luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Cán bộ người DTTS tham gia trong các cơ quan trong hệ thống chính trị tăng dần ở các cấp. Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở vùng DT và miền núi ngày càng trưởng thành, gắn bó với nhân dân, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.

Những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi đã khẳng định đường lối, chính sách DT đúng đắn và nhất quán của Đảng, Nhà nước. Nhờ những thành tựu đạt được từ sau ngày đổi mới đến nay, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DT có nhiều thay đổi, từng bước đáp ứng được niềm mong đợi của đồng bào, tháo gỡ khó khăn bức bách cho nhiều địa phương về nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt, cải thiện từng bước đời sống của đồng bào DTTS nghèo, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận và củng cố lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 348 giúp xây dựng nhà ở cho hộ bà Biện Thị Nữ ở thôn Hội Sơn, xã An Hoà, huyện Tuy An. Ảnh: Thế Lập-TTXVN


Tuy nhiên, vùng DTTS và miền núi vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất gay gắt. Đó là cơ sở hạ tầng kỹ thuật yếu kém, trình độ tổ chức sản xuất và kỹ năng lao động của đa số người dân trong các vùng DTTS còn lạc hậu, sản xuất chưa gắn với thị trường; tỷ lệ đói nghèo còn cao; bản sắc văn hóa của một số DTTS đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Môi trường sống của vùng DT và miền núi đã và đang bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng di cư tự do và du canh trong vùng DTTS còn diễn biến phức tạp. Hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ cơ sở vùng DTTS còn hạn chế về nhận thức và kỹ năng làm việc…

Trước những vấn đề trên, công tác DT trong thời gian tới đòi hỏi các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị phải kiên định nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Mục tiêu của công tác DT đến năm 2020 là: Phát triển toàn diện, nhanh, bền vững kinh tế - xã hội; rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các DT, tạo ra các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, vùng động lực cùng cả nước hoàn thành sự nghiệp CNH-HĐH; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào; đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững khối đại đoàn kết các DT; xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững; cải thiện môi trường sinh thái góp phần phát triển bền vững.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân toàn vùng 8-10%/năm. Thu nhập bình quân đầu người địa bàn DT, miền núi vào năm 2020 ít nhất gấp 4 lần so với mức thu nhập hiện nay; tỷ lệ lao động nông nghiệp khoảng 50% lao động xã hội; đảm bảo đủ đất, nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt; từng bước tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Đảm bảo 100% các xã có đầy đủ các công trình hạ tầng thiết yếu; đường ô tô đến được các xã trong cả 4 mùa và 70% đường ô tô đến được thôn bản; 100% hộ có điện, kết nối điện thoại, Internet đến hầu hết các thôn bản. Chỉ số phát triển con người đạt nhóm trung bình của cả nước, 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, giảm nghèo bình quân hàng năm đạt 4-5% hộ nghèo; xóa nhà ở dột nát, tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 60%. Đảm bảo 100% có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên và ký túc xá cho học sinh ở những nơi cần thiết; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục trung học phổ thông; số sinh viên đạt 300 trên 1 vạn dân, lao động qua đào tạo đạt trên 50%.

Xây dưng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán tiến bộ của đồng bào DTTS, cộng đồng các DT đoàn kết, gia đình hạnh phúc; con người phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, tinh thần, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật. Quan tâm bảo vệ công tác môi trường, phòng chống thiên tai, lũ ống, lũ quét; thay đổi tập quán, thói quen sinh hoạt chưa đảm bảo vệ sinh, hạn chế đến mức thấp nhất các dịch bệnh; đưa tỷ lệ che phủ rừng lên trên 55%.

Đảm bảo tỷ lệ cán bộ trong hệ thống chính quyền các cấp tương ứng với tỷ lệ DTTS trên địa bàn, cán bộ chủ chốt là người DTTS tại chỗ; đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên.

Hoàng Xuân Lương Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc