02:01 26/02/2013

Thắp lên hy vọng

Khép lại quãng thời gian vui ít buồn nhiều với bóng đá Việt Nam, người hâm mộ đang hướng về một mùa giải mới, mùa giải 2013 được cho là có nhiều “cải cách” (theo Ban tổ chức giải), đang đến gần.

Khép lại quãng thời gian vui ít buồn nhiều với bóng đá Việt Nam, người hâm mộ đang hướng về một mùa giải mới, mùa giải 2013 được cho là có nhiều “cải cách” (theo Ban tổ chức giải), đang đến gần.

 

Những tín hiệu vui đã được thắp lên qua diễn biến của trận đấu tranh Siêu cúp quốc gia (mở đầu cho mùa giải 2013); rồi việc Công ty CP bóng đá Việt Nam (VPF) cho ra mắt Ban tư vấn đạo đức (với 7 thành viên); cuối cùng là VPF mạnh tay chi gần nửa tỷ đồng mỗi tháng để thuê chuyên gia người Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe tham gia điều hành V.League, với mục đích làm cho giải đấu thực sự chuyên nghiệp, quy củ.

 

Dư luận đánh giá trận tranh Siêu cúp quốc gia trên sân Chi Lăng chiều 23/2 giữa chủ nhà SHB Đà Nẵng và Xi măng Xuân Thành Sài Gòn đã xứng đáng với sự mong đợi của nguời hâm mộ. Chất lượng chuyên môn của trận đấu cũng như sự cổ vũ hết mình của khán giả như một thông điệp tốt đẹp gửi đến VPF lẫn các CLB sau những dư chấn vừa qua. Ban tổ chức giải cũng tỏ ra bất ngờ trước tình yêu bóng đá của đông đảo cổ động viên. Trên sân Chi Lăng trong chiều mưa tầm tã, không chỉ có cổ động viên đội bóng sông Hàn, mà còn có hàng trăm cổ động viên của Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt hơn nghìn cây số để đến cổ vũ cho trận đấu.

 

Đó là tình cảm mà không thể đánh đổi bằng tiền bạc, và quan trọng hơn nó thể hiện người hâm mộ đã không quay lưng với bóng đá nước nhà. Đây cũng chính là sự động viên lớn đối với những người làm bóng đá, cầu thủ, câu lạc bộ sau quá nhiều chuyện đáng buồn vừa qua. Không ít người hâm mộ, sau trận tranh Siêu cúp, đã không ngần ngại bày tỏ kỳ vọng vào sự thành công của mùa giải mới, khi mà bộ máy lãnh đạo VPF cũng như lãnh đạo các câu lạc bộ đã thể hiện cái tâm, trăn trở với sự thăng trầm của trái bóng tròn. Chẳng ai mong muốn các câu lạc bộ liên tục thay đổi chủ, mà họ cần sự kế thừa, phát huy truyền thống và khai thác thế mạnh của từng địa phương để thúc đẩy bóng đá phát triển. Họ cũng không thích thứ bóng đá bạo lực, thiếu cảm xúc. Bóng đá là một sân chơi, và chỉ đá trung thực, có bản sắc, fair-play... thì mới hy vọng thu hút được khán giả.


Đây thật sự là một tín hiệu rất đáng mừng khi quá trình chuyên nghiệp hóa của bóng đá Việt Nam đang ở thời điểm khó khăn chồng chất. Những năm qua, thực chất bóng đá Việt Nam chỉ đang ở thời kỳ quá độ, chứ chưa thể gọi là một nền bóng đá chuyên nghiệp. Dù hơn 10 năm, bóng đá Việt Nam tuy đã có sự “mở cửa”, cầu thủ Việt Nam có điều kiện cọ xát với cầu thủ nước ngoài, lực lượng ngoại binh rồi cả huấn luyện viên nước ngoài xuất hiện ở V.League đã làm tăng tính hấp dẫn và tính cạnh tranh, đem lại một sinh khí mới cho bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, bóng đá Việt Nam thực chất vẫn là bóng đá nghiệp dư, bởi chất lượng giải đấu chưa cao, thành tích thiếu ổn định, chưa có thành công nào đáng kể ở giải đấu khu vực cũng như ở châu lục, thiếu một chiến lược thực sự bài bản nhằm thúc đẩy bóng đá Việt Nam phát triển…


Vẫn biết, chưa thể một sớm một chiều mà guồng máy điều hành bóng đá nước nhà có thể cải tổ, đổi mới. Nhưng điều người hâm mộ chờ đợi ở mùa giải mới, là từ VPF cho đến lãnh đạo các đội bóng, trọng tài cần phải chỉnh sửa để bỏ đi thói quen cũ và có một hành vi, cách ứng xử sao cho chuyên nghiệp. Dư luận chào đón sự xuất hiện của chuyên gia người Nhật tại V.League 2013. Hy vọng, ông Kazuyoshi Tanabe (từng là Giám đốc điều hành các CLB Yokohama, Avispa Fukuoka, Ryukyu (Nhật), Grenoble Foot 38 (Pháp), sẽ tạo động lực mới thúc đẩy sự phát triển của bóng đá Việt Nam.


Yến Nhi