01:09 10/01/2014

Tháp Chạp xưa thương nhớ

Những ngày cuối năm này sao lại rét đến thế. tháng Chạp về mưa, rét, buồn tái tê. Nằm trong chăn êm, nệm ấm tôi cứ thao thức mãi không chợp mắt được. Những ký ức những ngày tháng Chạp xưa cứ ào ạt hiện về.

Những ngày cuối năm này sao lại rét đến thế. tháng Chạp về mưa, rét, buồn tái tê. Nằm trong chăn êm, nệm ấm tôi cứ thao thức mãi không chợp mắt được. Những ký ức những ngày tháng Chạp xưa cứ ào ạt hiện về.


Ngày ấy, tháng Chạp rét lắm. Rét hơn bây giờ rất nhiều. Làm gì có chăn ga, gối đệm. Tối tối, cả nhà tôi quây quần bên bếp lửa sưởi ấm, chuyện trò râm ran. Đặc biệt là chuyện chuẩn bị đón Tết. Lũ trẻ con chúng tôi háo hức lắm. Đứa mơ bánh chưng, đứa lại mơ quần áo mới, mặc cho ngoài kia gió bấc rít từng cơn lùa qua khe cửa. Bụi chuối góc vườn gió xào xạc. Có những đêm mưa phùn nghe rõ từng giọt rơi tí tách ngoài hiên. Không khí Tết lôi cuốn cả nhà tôi, đặc biệt lũ trẻ chúng tôi ngay từ đầu tháng Chạp.


Bố tôi giục mẹ đi chợ mua lá dong, mua giang về chuẩn bị cho gói bánh chưng. Buổi trưa mẹ đi chợ về gánh theo mấy bó lá dong và mấy ống giang. Tết nhà tôi đến từ lúc đó. Lá dong được luộc lên rồi ốp vào cột nhà buộc chặt. Mùi thơm của lá như mùi bánh chưng vậy. Thơm lắm. Kỳ ảo lắm. Bố tôi bảo buộc như thế cho lá phẳng, mềm, dễ gói.


Số ống giang thì bố tôi chẻ ra, đan thành phên hong phơi vài nắng hoặc gác lên gác bếp vài hôm. Cứ tối đến, bên bếp lửa hồng, bố lấy chúng ra chẻ lạt. Chẻ lột làm cho sợi lạt to, phẳng, đều nhau. Thường thì chỉ lấy hai lạt cho một thanh giang nhỏ đó. Nhìn bố khẽ khía lưỡi dao tách đầu thanh giang sau khi đã lột bỏ phần ruột, rồi dùng răng cắn vào một đầu, đầu kia ép con dao vào ngón tay khẽ lột dần cho đến khi tách rời chúng ra thành hai cái lạt đều nhau trông thích lắm. Đó cũng là một nghệ thuật. Tôi cũng bắt chước thử làm như bố nhưng lạt toàn bị lẹo, tướp không dùng được. Có phen chích dao cả vào đầu ngón tay, chảy máu.


Vừa chẻ lạt bánh chưng, bố tôi vừa kể chuyện Tết. Còn mẹ tôi thì nối những cái lạt bố tôi vừa chẻ ra thành những cái lạt thật dài, cuộn nó lại thành từng cái riêng để sau này giằng bánh chưng. Mẹ còn đọc ca dao nữa chứ. “Lạt này gói bánh chưng xanh/ Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng”. Có mấy kiểu nối lạt hay lắm. Lũ chúng tôi cũng loay hoay làm theo mẹ. Cái thì được, cái thì vừa nối xong kéo thử lại tuột thuồi luồi ra. Cả nhà quây quần bên bếp lửa rực hồng chuyện Tết râm ran quên cả rét. Nào thì kháp lợn nhà ai. Nào thì phiên chợ nào sẽ sắm quần áo mới. Rồi thì phiên chợ nào sẽ bán bưởi, bán chè để lấy tiền tiêu Tết. Tết này sẽ làm bánh gì, mỗi loại bao nhiêu cân. Măng, miến, mộc nhĩ cũng được nhắc tới. Hôm nào sẽ mổ lợn, sẽ tảo mộ mời các cụ về ăn Tết. Bố tôi còn kể chuyện mười hai con giáp, năm tới sẽ là con gì, ý nghĩa của nó ra sao khiến chúng tôi cứ há hốc mồm ra nghe. Không khí Tết rộn ràng lắm.


Mới đó mà đã mấy chục năm. Bố mẹ tôi không còn nữa. Chúng tôi đã trưởng thành mỗi người một ngả. tháng Chạp đã lại về. Chẳng còn háo hức Tết như ngày xưa nữa. Bây giờ cái gì cũng có. tháng Chạp mọi người vẫn còn bận làm ăn, vẫn bù đầu với cuộc sống thường nhật. Tết ư? Chỉ cần chiều 30 Tết dạo quanh một lượt ở phố, tới các quán là xong. Cần bánh chưng có bánh chưng. Cần bánh gì có bánh đó. Thịt thà, mứt kẹo đầy chợ. Hoa quả, bánh trái không thiếu. Nhiều tiền thì mua nhiều, mua ngon. Ít tiền thì mua ít, loại vừa phải. Thậm chí có người cuối chiều ba mươi Tết mới quáng quàng đi sắm sửa vẫn đủ đầy mọi thứ, có khi lại rẻ ấy chứ. An ninh an toàn chẳng còn phải lo kẻ trộm đêm đêm. Thế nên, tháng Chạp chẳng còn “củ mật”, chẳng có gì khác với các tháng trước đó.


Ấy vậy mà giữa đủ đầy chăn êm nệm ấm cùng miên man hàng hóa thời kinh tế thị trường tôi vẫn thấy thiếu một cái gì đó âm thầm lắm, da diết lắm. Nhớ lắm tháng Chạp ơi! Thương lắm tháng Chạp ơi!


Đỗ Xuân Thu