11:23 15/11/2012

Thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Chiều 15/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Chiều 15/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đây là nội dung quan trọng trong Kỳ họp thứ 4, được truyền hình và phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cùng theo dõi, giám sát.


 

Đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang). Ảnh: Dương Giang-TTXVN

 

Các đại biểu Quốc hội thống nhất cao: Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp. Vì vậy, cần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.


Khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo đã làm rõ hơn vai trò, vị trí, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Đồng thời, đề xuất một số sửa đổi để thể hiện đầy đủ hơn bản chất của Đảng.


Đại biểu Doãn Thế Cường (Hưng Yên) đề nghị sửa lại đoạn thứ 2 trong Điều 4 dự thảo: Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những chủ trương, quyết định của mình. Theo đại biểu, cũng cần nêu rõ: Các tổ chức Đảng và đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật để thể hiện rõ ràng, đầy đủ hơn bản chất của Đảng, khẳng định rõ vị trí, vai trò của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Đại biểu Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) đề nghị khẳng định vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo “duy nhất” Nhà nước và xã hội trong quy định tại Điều 4.


Đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) cho rằng, dự thảo sửa đổi đã đề cập, bổ sung đầy đủ và tương đối chặt chẽ về các quyền con người như: quyền sống, quyền học tập, quyền có nơi ở… Tuy nhiên, theo đại biểu, Hiến pháp cần quy định về một nội dung hết sức quan trọng được cử tri quan tâm chú ý là quyền được đảm bảo đất ở, đất sản xuất. Đại biểu đề nghị cần coi đây là một trong những quyền cơ bản của con người, là mục tiêu thiết yếu của Hiến pháp, được tôn trọng như các quyền công dân khác và đảm bảo một cách bình đẳng là lợi ích chung của mọi công dân.


Các đại biểu tán thành quan điểm tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước đã được xác định trong Cương lĩnh và Hiến pháp năm 1992. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), dự thảo đã thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo về bản chất dân chủ, về phạm vi và phương thức thực hiện dân chủ nhân dân, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển đất nước. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị với các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện.


Hôm nay (16/11), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về nội dung quan trọng này.

 

Thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013


Trước đó, sáng 15/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thông qua: Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013, Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013 và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN).


 

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình). Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013. Theo đó: Tổng số thu cân đối ngân sách Trung ương là 519.836 tỷ đồng. Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 296.164 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách Trung ương là 681.836 tỷ đồng, bao gồm cả 193.595 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương.


Nghị quyết nêu rõ giao Chính phủ triển khai giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước và mức phân bổ ngân sách Trung ương cho từng bộ, ngành, các cơ quan ở Trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định.

 

Sẽ giám sát chuyên đề về bảo hiểm y tế


Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013 đã được đa số các đại biểu biểu quyết thông qua. Nghị quyết nêu rõ: Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao các nội dung: Xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2012; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2013 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật. Quốc hội xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; Giám sát chuyên đề việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006 - 2012.


Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao các nội dung: Xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; các báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; Xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; Tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; Giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012.

 

Nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế


Thời gian còn lại của buổi làm việc sáng, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN.


Các ý kiến đánh giá Luật Thuế TNCN đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tài chính của công dân, huy động nguồn lực cho ngân sách Nhà nước, góp phần điều tiết hợp lý thu nhập trong dân cư. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện, cùng với quá trình vận hành, biến động của tình hình kinh tế - xã hội, một số quy định của luật đã bộc lộ hạn chế, không phù hợp với tình hình mới, nhất là mức động viên từ thu nhập của người dân.


Nhiều ý kiến tại phiên thảo luận tán thành với mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) như quy định của dự thảo luật, nâng mức GTGC cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên mức 3,6 triệu đồng/tháng.


Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) cho rằng mức điều chỉnh này tương đối hợp lý vì bù đắp khó khăn của những người làm công, ăn lương bị trượt giá.


Đại biểu Chu Đức Quang (Lạng Sơn) cho rằng với mức GTGC trong dự thảo luật thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước với nhân dân và đảm bảo tính ổn định của luật trong thời gian dài. Trong trường hợp chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20% nên giao cho Chính phủ quy định để đảm bảo tính chủ động, nhanh chóng, phù hợp với cải cách thủ tục hành chính và đơn giản hóa chính sách....


Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc nâng mức GTGC như trong dự thảo luật là chưa hợp lý, làm sai lệch bản chất của thuế TNCN và đưa thuế TNCN trở thành thuế thu nhập cao; đồng thời thu hẹp lại diện người phải chịu thuế, ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách và không đảm bảo mục tiêu điều tiết và công bằng xã hội. Một số ý kiến đề nghị cần phải có đánh giá tác động về kinh tế - xã hội khi áp dụng luật này.


TTN