04:08 05/04/2012

Tháo gỡ vốn giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ

Lãi suất cao cộng với việc làm hàng ra không bán được khiến doanh nghiệp không mặn mà với việc vay vốn để sản xuất. Trong khi đó, lo cho đồng vốn của mình không bị rủi ro trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng muốn giữ vốn hơn giải ngân.

Lãi suất cao cộng với việc làm hàng ra không bán được khiến doanh nghiệp không mặn mà với việc vay vốn để sản xuất. Trong khi đó, lo cho đồng vốn của mình không bị rủi ro trong bối cảnh hiện nay, ngân hàng muốn giữ vốn hơn giải ngân. Theo các chuyên gia kinh tế, hiện tượng này cần phải có giải pháp tháo gỡ kịp thời, nếu không sản xuất dễ bị đình đốn…

Hàng tồn kho cao, doanh nghiệp khát vốn

Hiệp hội mía đường Việt Nam vừa đề nghị Chính phủ hỗ trợ 100% lãi suất với khoản vay 3.200 tỉ đồng để mua tạm trữ 200.000 tấn đường. Theo hiệp hội, hiện các doanh nghiệp đang tồn kho 336.000 tấn đường nên không có vốn quay vòng.

Hiệp hội thép và xi măng cũng cho biết, lượng tồn kho của 2 ngành này ở mức cao (500.000 tấn thép và 2 triệu tấn xi măng). Tình trạng này đến nay chưa được cải thiện vì thị trường bất động sản vẫn ảm đạm.

Khách hàng làm thủ tục vay vốn theo lãi suất mới tại Hội sở Agribank. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố, tính đến 1/3/2012, chỉ số hàng tồn kho nói chung đang ở mức cao. Điển hình là các ngành chế biến và bảo quản rau quả tăng 87,2%, ngành sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 62,7%, ngành thép tăng 59,1%, xi măng vôi, vữa tăng 55%; sản xuất xe có động cơ tăng 38,7%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 34,9% so với cùng thời điểm năm 2011. Đáng lo ngại là tình trạng tồn kho liên tục gia tăng trong những tháng gần đây.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong điều kiện nền kinh tế bình thường, chỉ số tồn kho tăng khoảng 12 - 15% so với cùng kỳ là hợp lý. ở thời điểm hiện tại, chỉ số tồn kho tăng cao như hiện nay là bất thường.

Vẫn theo Tổng cục Thống kế, tăng trưởng GDP trong quý I/2012 đã giảm xuống mức 4% (mức thấp nhất trong vòng ba năm qua). Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, từ thực tế sụt giảm của GDP quý I/2012, cần sớm có các giải pháp để tháo gỡ.

Cần “bắt tay” chống suy giảm

Làm gì để giải quyết tình trạng ách tắc nguồn vốn để phục hồi sản xuất, tăng sức mua nhưng lạm phát không tăng?

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia nêu quan điểm: Cần phải có giải pháp hỗ trợ (vốn giá rẻ) đối với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ -DNVVN (khối đang chiếm 90% tổng số doanh nghiệp Việt Nam). “Nếu cho doanh nghiệp vay thêm một vài tỉ đồng thì họ có thể phục hồi, phát triển. Còn nếu để kéo dài tình trạng như hiện nay, DNVVN “chết”, thì nợ của họ ở ngân hàng cũng trở thành nợ xấu”, TS Nghĩa nhấn mạnh.

TS Nghĩa lấy ví dụ, tình hình kinh tế Nhật Bản những năm 1990 cũng tương tự như Việt Nam hiện nay, các ngân hàng thương mại (NHTM) và doanh nghiệp đều thủ thế. Ngân hàng thì không dám cho doanh nghiệp vay. Doanh nghiệp cũng nằm im để duy trì sự tồn tại. Trong khi đó, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương (NHTW) không can thiệp, nền kinh tế Nhật Bản đã bị đình trệ suốt 14 năm.

Với nước Mỹ thì khác, NHTW và Chính phủ chấp nhận hai đợt cứu trợ (hơn 600 tỉ USD/đợt), mua lại toàn bộ tài sản “độc hại” - (nợ xấu) nằm trong các NHTM lớn. Điều này giúp các NHTM nhanh chóng phục hồi, đồng thời thị trường tín dụng phục hồi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Hiệu quả là thị trường bất động sản, chứng khoán phục hồi theo. Tất nhiên, điều kiện và hoàn cảnh của mỗi nước mỗi khác. Nhưng chúng ta phải tham khảo để có giải pháp phù hợp, kịp thời phục hồi doanh nghiệp, phục hồi thị trường tài sản, bất động sản, chứng khoán để hỗ trợ nhau. “Giải quyết tình trạng trên, trước đây trong đợt tái cấu trúc hệ thống ngân hàng lần thứ nhất chúng ta đã làm hiệu quả, khi đó nợ xấu ngân hàng ở mức 14,7%. Lúc đó mà cứ để tình trạng thủ thế thì đình trệ còn kéo dài”, TS Nghĩa nói.
Việc này phải bắt đầu từ phía ngân hàng. Bởi nếu ngân hàng không cho vay thì DNVVN sẽ “chết”. Theo đó, ngân hàng cũng sẽ khó khăn. Nếu hệ thống ngân hàng không nhìn nhận một cách khoa học về vấn đề này, đó là lựa chọn chính xác được doanh nghiệp có khả năng, tiếp tục cho vay vốn để họ phát triển sản xuất, giúp phục hồi kinh tế, giảm nợ xấu… Nếu không, tình hình sẽ càng trở nên khó khăn hơn trong thời gian tới.

TS Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, nếu có một giải pháp hỗ trợ DNVVN, vấn đề quan trọng nhất là phải xác định được các doanh nghiệp có khả năng phát triển. Nếu không, việc bơm vốn có thể rơi vào khu vực thiếu hiệu quả, lại gây ra tình trạng lạm phát như gói kích cầu 2008.

Xuân Hương