10:08 12/10/2019

Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững

Sau hơn 30 năm đổi mới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đang phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào.

Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm vị trí dẫn đầu trên thị trường thế giới, dần định hình được thương hiệu, uy tín về chất lượng. Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, hoạt động sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn những khó khăn nhất định cần được tháo gỡ, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững...

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với việc làm

Tiến sỹ Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, sau 8 năm thực hiện, Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Lao động–Thương binh và Xã hội về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Thực tế cho thấy, nhu cầu học nghề và số lao động nông thôn đăng ký học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề của Hội tăng đều qua các năm. Bước đầu lao động nông thôn đã có sự nhận thức sâu sắc hơn về học nghề để mưu sinh, phát triển sản xuất, tìm được việc làm; học theo nhu cầu của bản thân, gia đình và xã hội.

Chú thích ảnh
Nông dân thu hoạch lúa. Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN

Theo Tiến sỹ Trương Anh Dũng, trong 5 năm (2010-2015), các cấp Hội đã tổ chức hoặc phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho 362.000 lao động nông thôn. Trong đó, hơn 120.000 lao động nông thôn sau khi học nghề đã được công nhận đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 34,7%.

Đặc biệt, năm 2017 các cấp Hội tiếp tục nhân rộng mô hình đào tạo nghề gắn với mô hình sản xuất kinh doanh giỏi cho gần 2.000 người với mục tiêu đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập thực tế cho lao động nông thôn; đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu trang bị kiến thức, kỹ năng nghề phù hợp cho các đối tượng học nghề. Qua đó, nông dân đã tăng quy mô sản xuất, tăng thu nhập, phấn đấu vươn lên để trở thành các hộ sản xuất kinh doanh khá, giỏi và hỗ trợ các hộ nông dân trên cùng địa bàn.

Ở nhiều tỉnh như Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên–Huế, Bình Định, các cấp Hội đã xây dựng và nhân rộng các mô hình đào tạo nghề nông nghiệp có hiệu quả như: Nuôi trồng thủy, hải sản, chăn nuôi gà thả vườn, chăn nuôi đại gia súc, kỹ thuật trồng lúa năng suất cao, ươm giống cây lâm nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh cho gia cầm, kỹ thuật nuôi lợn, bảo vệ thực vật, chăn nuôi trâu bò vùng núi, nuôi trồng thủy hải sản nước lợ, thú y, nghề trồng hoa cây cảnh… 

Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Phạm Thị Minh Huệ, bên cạnh việc thường xuyên đổi mới phương pháp dạy và học với phương châm “cầm tay chỉ việc”, Hội Nông dân tỉnh thường xuyên phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tạo điều kiện cho nông dân học nghề xong có vốn để mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, thành lập các câu lạc bộ sinh vật cảnh, câu lạc bộ khuyến nông, tổ hợp tác… để nông dân trao đổi kinh nghiệm và liên kết sản xuất, kinh doanh. 

Để phát huy mạnh mẽ hơn nữa hiệu quả công tác đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm trong thời gian tới, bà Phạm Thị Minh Huệ cho rằng, các cấp Hội cần tăng cường liên kết với các nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi để tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho nông dân; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường cho nông sản...

Tăng cường hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đăng Hệ, hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích, thuốc bảo quản trong sản xuất nông nghiệp còn tùy tiện; tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn đang ở mức báo động. Nhà nước cần có các chính sách trong công tác quản lý đất nông nghiệp phù hợp để khuyến khích người nông dân tích tụ ruộng đất, yên tâm mở rộng sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Chú thích ảnh
Mô hình rau an toàn của gia đình anh Thạch Ngọc Nhờ, khóm 1, phường 9, thành phố Trà Vinh. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Để nâng cao chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp, ông Hệ cho rằng, các cấp Hội cần hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình điểm về sản xuất và đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm; tăng cường hỗ trợ nông dân tiếp tục xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản và hỗ trợ thiết lập, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; xây dựng mạng lưới thông tin nông sản, thị trường nông sản từ cấp cơ sở một cách chặt chẽ, tạo điều kiện để nông dân dễ dàng kết nối, tham gia.

Phân tích những khó khăn trong hoạt động sản xuất của nông dân, anh Lê Văn Khương (xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) cho rằng, người nông dân hiện rất khó tiếp cận với nguồn vốn. Bên cạnh đó, vấn đề thực phẩm không an toàn, thật và giả lẫn lộn cũng là nguyên nhân khiến người tiêu dùng mất lòng tin, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của những người nông dân chân chính.

Theo anh Khương, cái khó của các Hợp tác xã hiện nay là sản xuất ra hàng chất lượng cao nhưng khi bán, giá lại bằng các sản phẩm thông thường vì người tiêu dùng không phân biệt được hàng giả, hàng thật. Các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng mạnh tay hơn nữa trong công tác quản lý thị trường; xử lý các hành vi vi phạm, nhất là đối với các mặt hàng liên quan trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp để “các sản phẩm công nghệ cao, chất lượng tốt được bán với đúng giá trị thực trên thị trường”.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho rằng, việc hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối các sản phẩm nông nghiệp chủ lực vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do người sản xuất chưa bảo đảm các tiêu chuẩn về mẫu mã, bao bì sản phẩm, giấy chứng nhận và chất lượng, cho nên khó đáp ứng nhu cầu thu mua của các nhà phân phối. Mối liên kết trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, sản xuất thu mua, chế biến, tiêu thụ, phân phối hiệu quả chưa chặt, còn lỏng lẻo và bất cập. Việc kết nối các khâu của chuỗi, giữa cơ sở sản xuất với cơ sở kinh doanh còn lỏng lẻo, chưa ký kết được những hợp đồng ổn định lâu dài, hay có kế hoạch và chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp.

Theo ông Thào Xuân Sùng, khó khăn nhất của người nông dân hiện nay là trình độ nghề, kiến thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhất là kỹ thuật canh tác nông nghiệp công nghệ cao còn rất thấp. Khoảng 70% lao động nông thôn chưa được học nghề, số học nghề 3 tháng có chứng chỉ chưa được 5%. Hiện nay, giai cấp nông dân chiếm hơn 70% dân số nhưng con số thống kê mới nhất cho thấy, chỉ có 26% nông dân được đào tạo nghề có chứng chỉ. Lực lượng nông dân có chứng chỉ nghề đó mới chỉ biết sản xuất hàng hóa, còn kiến thức để tham gia chuỗi giá trị hàng hóa thì chưa đáp ứng được.

Ông Thào Xuân Sùng khẳng định, thời gian tới Trung ương Hội sẽ đề ra những giải pháp hữu hiệu, từ đó phối hợp với Chính phủ và các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho nông dân; xứng đáng với vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân.

Đỗ Bình (TTXVN)