01:15 11/01/2021

Thành tựu về giảm nghèo của Việt Nam được quốc tế ghi nhận

Ngày 11/1, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) công bố 10 thành tựu nổi bật của ngành giai đoạn 2016-2020. Trong đó, lần đầu tiêp áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, thành tựu về giảm nghèo của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận.

Chú thích ảnh
Cầu truyền hình “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau" và triển khai Tháng cao điểm "Vì người nghèo".

Dấu ấn đáng kể nhất về trụ cột an sinh xã hội của nước ta trong năm 2020 là lần đầu tiêp áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, thành tựu về giảm nghèo Việt Nam được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 giảm xuống còn 2,75%, về đích trước 10 năm so với Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của Châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Lĩnh vực giảm nghèo tiếp tục được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư trung hạn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Nhờ đó, công tác giảm nghèo giai đoạn này đã giúp nâng cao thu nhập, cải thiện cả đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, người dân trên địa bàn nghèo, vùng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) của cả nước giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống còn 2,75% vào cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm. Thu nhập bình quân hộ nghèo đến cuối năm 2020 tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015. Diện mạo nghèo đói ở tất cả các vùng miền trên cả nước đã cải thiện đáng kể. Việt Nam đã hoàn thành, về đích trước 10 năm so với Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG’) về giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Tiếp đến là dấu ấn đặc biệt trong công tác xây dựng thể chế. Điển hình là Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019, phối hợp trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 27 – NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương (khu vực doanh nghiệp) và Nghị quyết số 28 – NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; trình Quốc hội thông qua 03 Công ước quốc tế và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công (sửa đổi).

Đặc biệt, Bộ luật Lao động năm 2019 được Quốc hội thông qua là dấu ấn lịch sử trong công tác xây dựng thể chế của Bộ, ngành, góp phần đổi mới quan hệ lao động bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động; thực hiện đúng chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phù hợp hơn với các cam kết, thông lệ quốc tế về lao động.

Chú thích ảnh
Diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” với chủ đề: Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp lần đầu tiên được tổ chức.

Dấu ấn thứ 3 là sự thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; Gắn kết giáo dục nghề nghiệp – Thị trường lao động – Doanh nghiệp. Giai đoạn 2016-2020, Bộ đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, việc Bộ tham mưu Chính phủ thống nhất 1 đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Kết quả, tuyển sinh 5 năm đạt 11,1 triệu người; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51,6% lên 64,5%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cắp, chứng chỉ tăng từ 20,29% lên 24,5% vào năm 2020. Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng trong đó một số ngành nghề, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Điểm nhấn thứ 4 là tạo nhiều đột phá trong lĩnh vực người có công; trong đó giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng; Lần đầu tiên tổ chức gặp mặt, tuyên dương 500 thương binh nặng, 300 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, đã rà soát, giải quyết gần 6.800 hồ sơ tồn đọng trên cả nước.

Dấu ấn thứ 5 là giải quyết việc làm cho 8 triệu lao động; đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài về đích trước kế hoạch 1 năm. Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất thiệp thấp nhất thế giới

Dấu ấn thứ 6 là công tác trợ giúp xã hội ngày càng được mở rộng, diện bao phủ ngày càng lớn. Theo đó, hơn 3% dân số được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên; lần đầu tiên tổ chức tuyên dương 400 tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng.

Đến nay, chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi, 3% dân số và 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hằng tháng; bảo đảm 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói, dịch bệnh được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói; chăm sóc và phát huy tốt hơn vai trò người cao tuổi; người khuyết tật được trợ giúp phục hồi chức năng, đào tạo nghề và tạo việc làm nên đời sống được ổn định và có phần cải thiện. Mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội được củng cố, phát triển, đến nay cả nước đã thành lập được 425 cơ sở trợ giúp xã hội; nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung cho khoảng trên 42 nghìn đối tượng.

Ngoài ra là dấu ấn về quyền cơ bản của trẻ em được tôn trọng và đảm bảo; Chỉ số Phát triển giới của Việt Nam nằm trong tốp 5 quốc gia cao nhất thế giới; Chủ động tham mưu, triển khai chính sách an sinh xã hội, góp phần thực hiện thành công “mục tiêu kép” của Chính phủ; Hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN năm 2020; Niềm tin của người dân về chính sách xã hội được nâng lên.

XC/Báo Tin tức