06:13 10/06/2017

Thanh toán di động - Bài 1: Xu hướng thanh toán bằng smartphone

Xu hướng phát triển của thị trường thanh toán bán lẻ được dự đoán sẽ tác động đến triển vọng phát triển thanh toán di động, các sản phẩm thanh toán di động được thiết lập theo phương thức ngày càng linh hoạt hơn.

Theo đó, giữa thiết bị truy cập và các kênh truy cập sẽ trở nên ngày càng tương tác, thanh toán qua mạng di động lẫn thanh toán qua mạng internet được thực hiện phần lớn bằng điện thoại thông minh.

Công ty VMS (Hàn Quốc) giới thiệu công nghệ nạp và rút tiền tại Diễn đàn Banking VIET NAM 2017. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Công cụ lấp khoảng trống thị trường

Tại Việt Nam, hiện chỉ có gần 40% dân số tiếp cận các dịch vụ tài chính và phần lớn là người dân thành thị. Mỗi người dân thành thị đang cùng lúc sở hữu nhiều thẻ ngân hàng nên số lượng thẻ ở thành thị chiếm tỷ lệ rất cao so với khu vực nông thôn.

Tính đến hết năm 2017, mạng lưới ngân hàng có khoảng 2.800 chi nhánh, 7.300 phòng giao dịch, 1.160 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vi mô trải rộng khắp cả nước, nhằm phục vụ thị trường Việt Nam, song mật độ bao phủ có sự chênh lệch lớn giữa thành thị và nông thôn.

Như vậy, có thể thấy còn khoảng trống khá lớn về dịch vụ tài chính ở những khu vực nông thôn, nhưng nếu theo cách tiếp cận truyền thống thì không thể vượt qua những trở ngại của thị trường. Do đó, cần có sự thay đổi theo hướng tài khoản giao dịch thay thế cho cách tiếp cận truyền thống đối với tài khoản ngân hàng. Kết quả một số khảo sát ở thị trường các nước đang phát triển như Việt Nam, dịch vụ chuyển tiền và nạp tiền điện tử chiếm hầu hết khối lượng giao dịch.

Chuyển tiền sẽ chiếm tỷ lệ lớn nhất về giá trị giao dịch do nhu cầu về bảo mật và hiệu quả trong các phương thức giữ và chuyển tiền. Trong đó, SMS được đánh giá là công nghệ tiếp cận thống trị tại các thị trường đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, thanh toán di động cho các giao dịch mua bán hàng hóa sẽ tăng nhanh, bao gồm mua bán thương mại điện tử khi người dùng giao dịch mua trực tuyến cũng như mua tại cửa hàng.

Các chuyên gia dự đoán, xu hướng phát triển của thị trường thanh toán bán lẻ, các sản phẩm thanh toán di động được thiết lập theo phương thức ngày càng linh hoạt hơn. Theo đó, giữa thiết bị truy cập và các kênh truy cập sẽ trở nên ngày càng tương tác, thanh toán qua mạng di động lẫn thanh toán mạng internet được thực hiện phần lớn bằng điện thoại thông minh.

Mặc dù rất có tiềm năng phát triển, nhưng phương thức thanh toán di dộng vẫn còn các hạn chế như không đáp ứng yêu cầu về hiệu quả và an toàn của người dùng. Đặc biệt, thị trường còn nhiều dư địa cho các giao dịch xuyên biên giới, nhưng các công cụ thanh toán phù hợp đáp ứng yêu cầu người sử dụng vẫn thiếu và yếu.

Theo Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), cùng với sự gia tăng về số lượng thẻ và đầu tư cơ sở hạ tầng thanh toán, nhiều giải pháp thanh toán mới cũng được các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại phát triển không ngừng.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế hiện nay, ngân hàng chỉ mới cung cấp khá tốt những tiện ích cơ bản trên ngân hàng điện tử như chuyển khoản, tiết kiệm, kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp trong thực hiện thanh toán hóa đơn dịch vụ điện, nước, mua vé máy bay, mua hàng trực tuyến, đóng phí bảo hiểm...

Bà Lê Phương Lan, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược ngân hàng, cho rằng, phát triển thanh toán di động đem lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế nói chung và tạo ra cơ hội kinh doanh rất lớn cho các bên cung ứng sản phẩm, dịch vụ, gồm cả ngân hàng, tổ chức công nghệ tài chính, công ty viễn thông... Thông qua đó, tạo điều kiện thuận lơi cho bộ phận lớn người dân đang ở độ tuổi lao động và dân số trẻ dễ dàng tiếp cận với công nghệ mới.

Thúc đẩy phát triển ngân hàng bán lẻ

Giao dịch chuyển tiền thẻ cào di động cho khách thành công tại Auto Banking. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Phân tích về tình hình thực tế tại Việt Nam về tiếp cận dịch vụ tài chính, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng trong thời gian gần đây có sự phát triển đáng ghi nhận về số lượng tài khoản mở tại ngân hàng tăng trưởng nhanh, dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng, thuận lợi... nhưng chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Trong đó, sản phẩm, dịch vụ tài chính của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại chưa thực sự hướng tới các đối tượng người nghèo, có thu nhập thấp.

Đơn cử, sản phẩm huy động được triển khai phổ biến hiện nay vẫn đang hướng đến các đối tượng có thu nhập cao; trong đó, người có khoản tiền gửi tối thiểu 5 tỷ đồng sẽ được hưởng mức lãi suất huy động cao. Đồng thời, các điều kiện huy động vốn, những người gửi tiền quan internet banking, mobile banking... sẽ được cộng thêm lãi suất so với lãi suất gửi tại quầy.

Tương tự, tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) đã từng bước được cải thiện từ mức 2,44% năm 2013 lên 15% năm 2016, nhưng tốc độ này vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Tỷ trọng dư nợ cho vay đối với SMEs trong tổng tín dụng có xu hướng giảm sút, từ mức trên 40% vào cuối năm 2011 xuống chỉ còn khoảng 23% như hiện nay.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển có dân số đông và trẻ, trong đó hơn 50% thuộc độ tuổi lao động với thu nhập đầu người ở mức trung bình. Để phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ cũng như khai thác tối ưu tiềm năng của phân khúc thị trường này, các ngân hàng Việt Nam cần xác định hướng đi phù hợp, bắt kịp xu hướng phát triển bền vững. Trong đó, các ngân hàng thương mại nội địa cần tăng cường hợp tác, liên kết; tạo sự khác biệt về sản phẩm, dịch vụ ngân hàng bán lẻ, xây dựng thương hiệu cho chính ngân hàng...

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng, Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cho biết, Chính phủ Việt Nam đã có định hướng phát triển phổ cập tài chính và Ngân hàng Nhà nước là đơn vị được giao nhiệm vụ điều phối chung xây dựng một chiến lược phổ cập tài chính quốc gia, dự kiến ban hành vào năm 2018 và triển khai các chương trình cũng như dự án liên quan. Về tổng thề, chiến lược phổ cập tài chính đến giai đoạn này đã xác định rõ ràng dịch vụ thanh toán cần được phát triển tiên phong để tạo nền tảng mở rộng tới những dịch vụ tài chính khác một cách vững chắc.

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đã nhấn mạnh định hướng phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng là hiện đại hóa và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, logistics và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh khác. Để thực hiện Chiến lược phát triển này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt các chương trình phát triển mạnh ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tiềm năng lớn và sức cạnh tranh, trong đó có tài chính ngân hàng.

Bài 2: Ngân hàng số thúc đẩy tài chính toàn diện

Mỹ Phương (TTXVN)