04:09 11/04/2020

Thành quả sau 2 tuần New Zealand quyết liệt dập dịch COVID-19

New Zealand không chỉ “làm phẳng đường cong”, họ đã kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 chỉ trong 2 tuần.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế làm việc tại một trạm xét nghiệm COVID-19 lưu động ở Auckland, New Zealand ngày 23/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Hai tuần trôi qua kể từ khi New Zealand áp đặt lệnh phong toả toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan nghiêm ngặt đến mức đi bơi ngoài bãi biển hay đi săn trong rừng cũng bị cấm. Đó đều là những hoạt động không cần thiết, và người dân được khuyến cáo không làm bất cứ điều gì gây tổn hao nguồn lực khẩn cấp quốc gia.

Mọi người vẫn đi dạo và đạp xe trong khu phố của mình nhưng đều đứng cách nhau 2 mét khi xếp hàng trước các cửa hiệu tạp hóa, cứ một người ra, một người vào. Bên cạnh đó, New Zealand cũng áp dụng mô hình học tập tại nhà cho học sinh.

Theo tờ Washington Post, chỉ mất 10 ngày sau khi thực hiện các biện pháp này, đã có những dấu hiệu cho thấy cách tiếp cận của New Zealand là "xóa bỏ" dịch bệnh, thay vì "ngăn chặn" dịch bệnh như Mỹ và các nước phương Tây, đang có hiệu quả.

Những tín hiệu khả quan

Số ca mắc COVID-19 ở New Zealand đã giảm liên tục trong những ngày qua mặc dù quốc gia này vẫn gia tăng xét nghiệm trên diện rộng. Ngày 10/4, New Zealand chỉ ghi nhận 44 ca mắc COVID-19 mới. Trước đó, hôm 7/4, số ca hồi phục trong ngày là 65, thậm chí đã vượt số ca mắc mới là 54.

"Những tín hiệu đó thật hứa hẹn", Ashley Bloomfield - Tổng giám đốc Cơ quan Y tế New Zealand nhận định.

Kết quả khả quan nói trên đã dẫn đến những lời kêu gọi nới lỏng phong toả trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh dài 4 ngày, đặc biệt là khi mùa Hè đang dần kết thúc. Tuy nhiên Thủ tướng New Zeland Jacinda Ardern kiên quyết cho rằng nước này sẽ hoàn thành 4 tuần phong tỏa tức là gấp đôi thời gian chu kỳ ủ bệnh 14 ngày của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) trước khi dỡ bỏ các quy định trên.

Nhưng làm thế nào New Zealand có thể kiểm soát dịch một cách nhanh chóng như vậy?

Sớm hành động quyết liệt

Hơn một tháng trước, khách du lịch đi qua Trung Quốc, Hàn Quốc khi nhập cảnh vào New Zealand đã buộc phải cách ly 14 ngày.

Nền kinh tế New Zealand phụ thuộc chủ yếu vào du lịch với 4 triệu du khách quốc tế mỗi năm - gần bằng tổng dân số nước này. Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 càn quét những quốc gia như Italy hay Mỹ, New Zealand đã thực hiện một động thái chưa từng có: Đóng cửa biên giới với du khách nước ngoài kể từ ngày 19/3.

Chú thích ảnh
Thủ tướng New Zeland Jacinda Ardern. Ảnh: ABC News

Hai ngày sau, Thủ tướng Ardern có bài phát biểu trên truyền hình từ văn phòng của bà, sự kiện lần đầu tiên như vậy kể từ năm 1982, thông báo về kế hoạch phản ứng với đại dịch COVID-19 gồm 4 cấp độ, trong đó phong tỏa toàn quốc là cấp độ thứ 4.

Một ngày sau đó, một nhóm các nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng đã gọi điện cho Thủ tướng và thúc giục bà thực hiện cấp độ cao nhất.

Một trong số họ là Stephen Tindall - nhà sáng lập hãng bán lẻ lớn nhất New Zealand, Warehouse, đề nghị: "Chúng tôi vô cùng lo lắng về những gì đang xảy ra ở Italy và Tây Ban Nha. Nếu chúng ta không nhanh chóng đóng cửa, nỗi đau do COVID-19 sẽ tiếp diễn trong một thời gian rất dài. Dù sao thì việc đóng cửa là điều không thể tránh khỏi nên chúng ta hãy làm thật sớm và quyết liệt”.

Ngày 23/3, Thủ tướng New Zealand đã có tuyên bố quan trọng tiếp theo khi quyết định cho đất nước 48 giờ để chuẩn bị cho việc phong tỏa cấp độ 4. "Chúng ta hiện có 102 ca nhiễm bệnh. Nhưng Italy cũng từng như vậy", bà Ardern nói.

Theo lệnh phong toả toàn quốc, kể từ 23h59 ngày 25/3, người dân New Zealand phải ở nhà trong 4 tuần và chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết như khám bệnh, đi siêu thị hoặc tập thể dục gần nhà.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ trên một tuyến đường ở Wellington, New Zealand ngày 26/3/2020, sau khi Chính phủ New Zealand quyết định phong tỏa toàn bộ đất nước trong vòng 4 tuần. Ảnh: AFP/TTXVN

Chỉ vài giờ sau thời điểm nửa đêm 25/3 lệnh phong toả có hiệu lực, người dân đã nhận được tin nhắn với nội dung: “Hãy hành động như thể bạn đã mắc COVID-19. Điều đó sẽ cứu sống nhiều sinh mạng. Chúng ta hãy thực hiện nghĩa vụ của mình, đoàn kết chống lại dịch bệnh".

Từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát, Thủ tướng Ardern và đội ngũ của bà đã đưa ra những thông điệp đơn giản nhưng quan trọng: Hãy ở nhà. Đừng tiếp xúc với bất kỳ ai ngoài người nhà của bạn. Hãy đối xử tử tế. Tất cả chúng ta đều sát cánh bên nhau.

Nữ Thủ tướng thường lặp lại những thông điệp này tại các hội nghị mà bà tham gia, nơi mà bà thảo luận đủ mọi vấn đề từ giá súp lơ cho tới trợ cấp lương. Bên cạnh đó, Thủ tướng New Zealand cũng thường cập nhật thông tin về dịch COVID-19 và trả lời các câu hỏi trên Facebook.

Tuy nhiên không phải ai cũng tán thành và chấp hành quy định hạn chế. Cảnh sát đã yêu cầu những người lướt sóng rời đi vì vi phạm lệnh phong toả. Bộ trưởng Y tế New Zealand cũng bị kỷ luật sau khi bị bắt quả tang đạp xe leo núi và đưa gia đình tới bãi biển.

Dù vậy, nhìn chung người dân New Zealand đều có ý thức chung. Đường dây điện thoại của cảnh sát dành cho các trường hợp không khẩn cấp thường bị quá tải khi nhiều người gọi điện đến báo cáo về các trường hợp vi phạm.

Đảng Quốc gia đối lập theo đường lối trung hữu cũng tỏ rõ quan điểm không chỉ trích phản ứng của chính phủ, mà trên thực tế còn hỗ trợ thực hiện.

Chú thích ảnh
Một người đạp xe một mình ở Auckland, New Zealand ngày 26/3. Ảnh: AFP/Getty Images

Những nỗ lực được đền đáp

Sau khi đạt đỉnh vào ngày 2/4 với 89 ca mắc bệnh mới, số ca nhiễm virus mới trong ngày của New Zealand giảm xuống 67 ca ngày 6/4, 54 ca vào ngày 7/4 và 44 ca vào ngày 10/4. Phần lớn các ca mắc COVID-19 mới đều có liên quan đến những người từ nước ngoài về, do đó, việc theo dõi tiếp xúc trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, nhiều ca mắc mới liên quan đến những nhóm lây nhiễm có thể xác định.

Do hầu như có rất ít bằng chứng cho thấy sự lây nhiễm trong cộng đồng nên số lượng bệnh nhân không quá đông khiến các bệnh viện quá tải. Chỉ có 1 người phụ nữ cao tuổi mắc các bệnh nền đã tử vong vì dịch COVID-19 tại New Zealand.

"Việc giảm các ca mắc COVID-19 mới đã cho thấy "sự chiến thắng của khoa học và khả năng lãnh đạo", Michael Baker – Giáo sư về y tế cộng đồng tại Đại học Otago và là một trong những nhà dịch tễ học hàng đầu thế giới – nhận xét. "Thủ tướng Jacinda Ardern đã rất quyết đoán và dứt khoát khi đối mặt với mối đe dọa này", vị chuyên gia vốn là người ủng hộ cách tiếp cận "xóa bỏ" dịch bệnh của New Zealand bình luận.

"Các quốc gia khác chứng kiến số ca nhiễm tăng vọt nhưng cách tiếp cận của chúng tôi đã cho thấy kết quả đối lập hoàn toàn", ông Baker đánh giá. Trong khi các nước phương Tây cố gắng làm chậm lại sự lây lan của dịch bệnh và "làm phẳng đường cong" thì New Zealand cố gắng dập dịch hoàn toàn.

Tại Mỹ, một số bác sĩ đã thúc giục Tổng thống Trump theo đuổi đường lối “dập dịch”. Nhưng trường hợp của New Zealand thì khác. Quốc gia này là một đảo quốc nhỏ nên việc đóng cửa biên giới sẽ dễ dàng hơn. New Zealand giống như một ngôi làng, nơi mọi người đều biết nhau, nên thông điệp cũng có thể truyền đi một cách nhanh chóng.

Thách thức chưa hết

Tuy đã kiểm soát được dịch, nhưng thách thức tiếp theo mà New Zealand đối mặt là làm thế nào khiến nó không thể quay trở lại.

Chuyên gia Baker cho rằng, chính phủ sẽ không cho phép mọi người nhập cảnh tự do vào New Zealand cho tới khi virus ngừng lây lan trên toàn cầu hoặc đã phát triển được một loại vaccine hiệu quả. Nhưng trong lúc vẫn đóng cửa biên giới nghiêm ngặt, các quy định có thể dần được nới lỏng và cuộc sống ở New Zealand có thể quay trở lại gần như bình thường.

Thủ tướng Ardern cho biết chính phủ của bà đang cân nhắc lệnh cách ly bắt buộc đối với những người New Zealand trở về nước sau lệnh phong tỏa. "Tôi thật sự muốn một hệ thống thật chặt chẽ ở biên giới, và tôi nghĩ chúng tôi có thể làm tốt hơn", bà Ardern cho biết trong tuần này.

Có lý do chắc chắn để lạc quan thận trọng rằng "kế hoạch A" mà New Zealand theo đuổi đang có hiệu quả, nhưng các chuyên gia đều đồng ý rằng còn quá sớm để ăn mừng. Chuyên gia Baker cho biết, trong khi kế hoạch A là "xoá bỏ" dịch, thì vẫn có kế hoạch B, liên quan đến công tác chuẩn bị cho hệ thống y tế trong trường hợp số bệnh nhân nặng tăng mạnh.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Washington Post, CNN)