08:06 02/08/2021

Thành phố - tình yêu và nỗi nhớ

Tôi nhớ TP Hồ Chí Minh bằng nỗi nhớ và niềm thương bao nhiêu, thì lại càng yêu Hà Nội - đang trong những ngày trầm lặng lại để có thể chiến thắng dịch COVID-19 bấy nhiêu.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, một nơi tôi đang sống và một nơi tôi từng sống, cũng như nhiều tỉnh thành phố khác trên cả nước, đang trong những ngày chống chọi với dịch COVID-19 với đầy nỗ lực và quyết tâm. 

Kể từ giữa tháng 5, khi chùm ca bệnh trong cộng đồng phát ra, TP Hồ Chí Minh bước vào làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 với một tiên lượng sẽ rất khó khăn và cam go. Cho đến những ngày tháng 7, khi các ca bệnh liên tục tăng lên con số hàng nghìn ca mỗi ngày thì thành phố thực sự bước vào một “cuộc chiến”, trở thành “điểm nóng” nhất cả nước về dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Khu vực trước cổng UBND TP Hồ Chí Minh vắng bóng xe cộ qua lại trong sáng 9/7. Ảnh: Mạnh Linh-Hoàng Tuyết/ Báo tin tức

Từ 0 giờ ngày 9/7, TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố và từ đó đến nay tiếp tục giãn cách thêm hai tuần kể từ ngày 2/8 với nhiều biện pháp siết chặt hơn do tình hình dịch còn phức tạp. 

Đó là một quyết định không hề dễ dàng nhưng vô cùng cần thiết. Bởi nhìn con số mắc mới mỗi ngày có thể tưởng tượng cả thành phố đang phải nỗ lực để “chiến đấu” như thế nào để điều trị cho bệnh nhân, thậm chí là giành giật mạng sống cho người bệnh; cùng với đó là đảm bảo đời sống thiết yếu cho tất cả mọi người. 

Hàng chục bệnh viện dã chiến được lập ra hoạt động suốt ngày đêm. Các y, bác sĩ đều làm việc hơn 100% sức lực. Nhiều người cả tháng không về nhà. Họ không thể về và không nỡ về vì không nỡ rời “chiến tuyến”, dù có lúc kiệt sức. 

Khi các ca bệnh tiếp tục tăng lên, để chi viện cho TP Hồ Chí Minh, 10.000 cán bộ y tế từ nhiều tỉnh thành đã được huy động. Chia thành nhiều đoàn, nhiều đợt, các “chiến sĩ áo trắng” đã sắp xếp công việc, gác việc riêng, lên đường vào Nam, mang theo sự gửi gắm “thắng dịch” và bảo trọng. Khi cần thêm lực lượng, thành phố đã kêu gọi các lực lượng y tế tư nhân, các y, bác sĩ về hưu... tham gia chống dịch. Chỉ trong vài ngày, hơn 1.000 người đã đăng ký, sẵn sàng hỗ trợ bất cứ khi nào thành phố cần. Điều đặc biệt, để có thể tiếp tục “chia lửa” với TP Hồ Chí Minh, ngoài lực lượng y, bác sĩ đã huy động trước đó, một lực lượng “tinh nhuệ” là các đồng chí lãnh đạo Cục, Vụ liên quan và giám đốc các bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội cũng đã và sẽ tiếp tục “Nam tiến”. 

Chú thích ảnh
Đường Đồng Khởi (TP Hồ Chí Minh) khi thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Mạnh Linh-Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Trong những ngày này, mỗi người dân thành phố đều cảm nhận rõ sự ảnh hưởng của dịch bệnh tác động đến từng bữa ăn, giấc ngủ, hoạt động đi lại. Những người thân của tôi, bạn bè và đồng nghiệp trong đó, bằng ý chí và cả niềm tin, tôi biết họ đều đang nỗ lực rất nhiều để có thể đảm bảo sức khoẻ, an toàn cho gia đình, cố gắng hoàn thành công việc trong điều kiện giãn cách. 

Tôi thỉnh thoảng gọi điện thoại hoặc dõi theo Facebook của bạn bè trong ấy và tạm yên tâm khi thấy họ vẫn đang được bình an. Bạn bè tôi, tuân thủ tuyệt đối biện pháp 5K, đi chợ theo ngày ghi trên phiếu; nếu gọi shiper mua hàng thì xịt khuẩn kỹ càng trước khi nhận. Khi có việc cần thiết phải đến công sở thì đeo thẻ cơ quan và trình “giấy đi đường” theo yêu cầu tại các chốt kiểm soát. 

Nhà một đồng nghiệp nữ của tôi, dây giăng đầu ngõ phố, mỗi ngày nhìn ra hướng ấy, tôi biết cô ấy không khỏi lo lắng. Cô ấy cũng rất mong dịch bệnh được kiểm soát, để mọi thứ có thể trở lại bình thường như trước đây. Còn một đồng nghiệp khác thì viết trên Facebook: “Mình vẫn cứ luôn nghĩ giá như Sài Gòn bớt người, bớt ồn ào, bớt khói bụi… Đó là cảm giác mỗi khi đón con từ trường vội vàng chở con đến lớp học thêm, chen lấn trong dòng xe cộ tấp nập buổi tan tầm chỉ mong đưa con đến kịp giờ học. Giờ đây khi Sài Gòn “ốm”, thì mình lại nhớ và thèm lại cái cảm giác đông đúc, chen lấn đó. Tự hứa là từ giờ sẽ không mong Sài Gòn bớt người nữa. Phải đông đúc, kẹt xe … thì mới là Sài Gòn của mình”. Tôi hiểu tâm tư đó, và tôi chắc rằng, nhiều người cũng mong Sài Gòn lại bình thường như trước, kể cả là “đông đúc, kẹt xe” đến thế nào. Một ước mong giản dị và chân thật, tràn đầy tình yêu với thành phố nơi họ đang sống.

Còn tôi, trong lòng Hà Nội, vẫn hàng ngày dõi về thành phố phía Nam và luôn cầu mong thành phố nhanh “khoẻ mạnh” trở lại. Giờ đây, các nguồn lực cũng đang tập trung cho TP Hồ Chí Minh với một mong muốn cao nhất là chặn đứng dịch bệnh. Nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, người dân ở các “vùng xanh”, vùng ít dịch bệnh hơn cũng đang góp sức mình hỗ trợ cho “điểm nóng” TP Hồ Chí Minh. Những bếp ăn thiện nguyện luôn đỏ lửa; rau củ, thực phẩm từ các địa phương khác được đóng gói gửi về những điểm phong toả để hỗ trợ người dân; nhiều chuyến xe nghĩa tình đang hỗ trợ chở người lao động về các tỉnh... Với tất cả sự nỗ lực chung và cả niềm yêu thương mãnh liệt ấy, tôi tin rằng TP Hồ Chí Minh có thêm động lực để có thể chiến thắng trong “cuộc chiến này”.

Còn thành phố Hà Nội, nơi tôi đang sống thì sao? 

Hà Nội, trái tim của cả nước, cũng thực hiện giãn cách xã hội từ 6 giờ sáng ngày 24/7. Đây là lần thứ hai Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, kể từ tháng 4 năm ngoái. Đêm 23/7 có lẽ nhiều người dân ở Hà Nội thao thức khi nghe tin từ 6 giờ sáng hôm sau thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Nhiều người sáng ra đi chợ sớm cũng rất ngạc nhiên khi thấy thành phố đã im vắng, họ không biết thông tin vì đêm muộn mới có thông báo. Nhưng không ai cảm thấy bất ngờ hay hốt hoảng. 

Chú thích ảnh
Nhà hát Lớn Hà Nội trong đêm khi Hà Nội giãn cách xã hội. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức

Chợ dân sinh họp sớm có nơi dồn đông, có người mua nhiều thức ăn để dự trữ hơn những ngày thường trước đó một chút để tránh phải ra đường nhiều, nhưng không có cảnh chen lấn để mua hàng. Chợ vẫn hoạt động khiến người dân yên tâm, hôm nay có thể hết hàng sớm, nhưng ngày mai chợ vẫn bán. Chưa kể, các siêu thị, cửa hàng tiện ích... hàng hoá thực phẩm, thịt cá, rau xanh luôn được bổ sung đầy đủ trên các kệ hàng. Ở một vài điểm siêu thị hay chợ dân sinh có lúc cục bộ hết hàng hoặc có người phải chờ một hai tiếng đồng hồ mới có thể thanh toán, nhưng sau đó được bộ sung nguồn hàng ngay. 

Để có được điều này, Hà Nội đã có sự chuẩn bị từ sớm. Đó là bước đi rất cần thiết để khi thực hiện giãn cách xã hội, người dân sẽ yên tâm ở yên trong nhà, hạn chế đi lại. Thực tế, không phải đến khi giãn cách xã hội ngày 24/7, mà trong suốt thời gian qua, khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Hà Nội đã luôn chuẩn bị nguồn hàng, hạn chế thấp nhất sự đứt quãng của kênh phân phối do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trước khi Hà Nội bắt đầu tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống dịch, dừng tất cả các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu từ 0 giờ ngày 19/7, Sở Công Thương TP Hà Nội cũng đã khẳng định sẽ tăng lượng hàng hoá lên ít nhất 3 lần, người dân không nên tích trữ hàng hoá. Hiện nay, tại TP Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa. Thành phố cũng đã chuẩn bị sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện, bố trí làm kho dự trữ hàng, các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết. 

Như thế, Hà Nội đã có sự chủ động, chuẩn bị từ trước để đảm bảo người dân có thể được cung ứng đủ hàng hoá thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu cuộc sống. Đó là sự chuẩn bị bài bản, cũng là để an dân và điều đó vô cùng quan trọng.

Chú thích ảnh
Phố Tạ Hiện, vắng vẻ không một bóng người lúc 6h sáng 24/7. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Hiện nay, các cấp chính quyền, các lực lượng chức năng đang nỗ lực nhất có thể để Hà Nội có thể kiểm soát tốt dịch bệnh, chặn đứng các nguồn lây nhiễm trong cộng đồng. Người dân Hà Nội thực hiện đi chợ theo giờ, theo ngày chẵn, lẻ. Thành phố cũng yêu cầu người dân khi có việc cần thiết phải mới ra đường; người lao động tới cơ quan, công sở thì cần có “giấy đi đường” theo mẫu chung; từ sau ngày 31/7 người dân không đi khỏi nơi cư trú cho đến khi hết giãn cách (trừ những trường hợp được chính quyền cho phép)… Những trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đó là những biện pháp cần thiết mà mỗi người dân hơn bao giờ hết cần phải tuân thủ, ủng hộ để có thể phòng chống dịch hiệu quả.

Trong những ngày giãn cách, Hà Nội trầm đi, những con đường vắng, những ngõ phố thưa người. Một Hà Nội bình lặng đến nao lòng. Nhưng đó là điều cần thiết lúc này. Mỗi người dân Hà Nội cũng như đang sống chậm lại, nhưng sự chậm lại ấy là để chúng ta có thể bước đi nhanh hơn khi dịch bệnh đã được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường.

Còn tôi, cũng như bao người dân của thành phố, đều mong muốn thành phố của mình luôn “khoẻ mạnh, bình an”. Để rồi, sau những ngày nỗ lực chống dịch và khi dịch bệnh qua đi, chúng ta sẽ lại có những phút thong rong trên những con phố rợp bóng cây; thảnh thơi dạo bước phố cổ về đêm; ngắm hồ Gươm, hồ Tây đẹp mê hồn trong nắng sớm hay hoàng hôn. Hay đơn giản chỉ là lang thang để rồi thưởng thức que kem Tràng Tiền mát lạnh; ngắm dòng người qua lại trên các con phố thân thương và “để nghe gió sông Hồng thổi”... Đó sẽ là những giây phút tuyệt diệu biết bao!

Xuân Phong/Báo Tin tức