01:14 05/01/2021

Thành phố ở Canada giả vờ bị Đức Quốc xã xâm lược

Vào một sáng lạnh giá tháng 2/1942, người dân thành phố Winnipeg ở tỉnh bang Manitoba (Canada) thức dậy và phát hiện ra cơn ác mộng tồi tệ nhất đời họ đã thành sự thật.

Chú thích ảnh
Hình ảnh trong cuộc diễn tập. Ảnh: Nationalpost

Bắt đầu từ lúc 6 giờ 30, tiếng còi báo động có không kích vang lên rền rĩ, đèn đường lần lượt tắt khi cả thành phố mất điện. Máy bay quần thảo trên bầu trời và đâu cũng nghe thấy tiếng bom nổ ầm ầm.

Lúc 7 giờ, người dân lại nghe thấy tiếng pháo từ xa và tiếng đại bác khi các bản tin trên đài phát thanh thông báo dân quân thành phố đã rút lui hoàn toàn, lùi về cách Tòa thị chính 3km. Lúc 9 giờ 30, mọi thứ đã kết thúc.

Thị trưởng thành phố, Thủ hiến và Phó thủ hiến bang đã đầu hàng và bị bắt. Qua thông báo trên đài phát thanh, Erich von Neurenbeig trở thành Thủ hiến. Binh lính hành quân dọc đại lộ Portage, xe tăng kẻ thù đứng gác ở mọi góc phố. Lá cờ chữ thập ngoặc màu đỏ, trắng và đen của phát xít Đức bay trên nóc Tòa thị chính và Nghị viện. Thành phố Winnipeg giờ chắc chắn đã nằm trong tay Đức Quốc xã.

Có điều, chuỗi sự kiện dồn dập trong ngày 19/2/1942 này trong thực tế là một phần cuộc diễn tập tuyên truyền nhằm thức tỉnh người dân Manitoban trong thời chiến. Trong trí nhớ của nhiều người, sự kiện diễn tập được gọi là “Ngày nếu mà”.

Năm 1941 không phải là năm suôn sẻ với lực lượng Đồng minh. Tháng 6, hòn đảo Crete của Hy Lạp rơi vào tay người Đức. Từ tháng 4 tới tháng 11, Quân đoàn Phi Châu Africa Korps của Tướng Erwin Rommel đã bao vây đội quân số 8 của Anh ở thành phố cảng Tobruk của Libya.

Chú thích ảnh
Hình ảnh trong cuộc diễn tập. Ảnh: Nationalpost

Vào ngày 22/6, trùm phát xít Đức Adolf Hitler đã khởi động chiến dịch Barbarossa, xâm chiếm Liên Xô. Ngày 7/12, lực lượng Nhật Bản tấn công hạm đội Mỹ tại Trân Châu Cảng và bắt đầu càn quét, xâm lược Đông Nam Á cùng các hòn đảo Thái Bình Dương.

Hơn bao giờ hết, nỗ lực chiến tranh của lực lượng đồng minh cần dân thường hỗ trợ mạnh mẽ ở hậu phương. Ngoài phục vụ trong quân đội hay làm việc trong các nhà máy sản xuất phương tiện cho chiến tranh, có một cách mà người dân bình thường có thể đóng góp cho sự nghiệp này là mua trái phiếu chiến tranh của chính phủ. Đây là khoản mà chính phủ vay của người dân và hứa sẽ trả lãi sau chiến tranh.

Dù tình hình ở nước ngoài rất bi quan, nhiều người Canada cho rằng mình không thể bị tấn công và họ đã trở nên thờ ơ, không quan tâm tới cuộc chiến. Do đó, tiền lãi từ mua trái phiếu chiến tranh không hấp dẫn với họ.

Vì thế, khi chính phủ thông báo Chiến dịch Khoản vay Chiến thắng Quốc gia lần thứ hai từ ngày 16/2 đến 7/3/1942, một nhóm nhỏ người dân trong thành phố thảo nguyên Winnipeg đã ấp ủ kế hoạch tuyên truyền với mọi người về việc họ đang chiến đấu vì cái gì và nếu thất bại thì hậu quả sẽ ra sao.

Chú thích ảnh
Hình ảnh trong cuộc diễn tập. Ảnh: Nationalpost

“Ngày nếu mà” là ý tưởng của Henry E. Sellers, John Perrin và George Waight, các thành viên Ủy ban Khoản vay Chiến thắng Manitoba. Waight là một nam diễn viên và là người đầu tiên đề xuất ý tưởng làm giả sự kiện Đức Quốc xã chiếm thành phố. 

Quá trình chuẩn bị cho “Ngày nếu mà” diễn ra rất tỉ mỉ và quy mô, liên quan hơn 3.500 binh sĩ thuộc lực lượng chính quy, dự bị, đơn vị dân quân địa phương. Ngoài ra, 40 thành viên Ban Thương mại của đoàn thanh niên đã mặc trang phục Đức Quốc xã mượn từ Hollywood để tham gia kế hoạch. 

Bản thân George Waight đóng vai một cảnh sát mật Đức. Theo kế hoạch, họ chuẩn bị một số báo đặc biệt của tờ Winnipeg Tribune (được đổi tên thành Das Winnipeger Lügenblatt) với toàn bài viết bằng tiếng Đức, in tiền giấy giả của Đức Quốc xã và sắc lệnh của “Thủ hiến” Neurenbeig. Các tờ báo này được in ra để phát hành cho tăng phần thuyết phục.

Vào tối 18/2, khi tuyết bay nhè nhẹ trên thành phố, các diễn viên lặng lẽ vào vị trí quanh thành phố Winnipeg và chờ tín hiệu bắt đầu vở diễn. Tín hiệu đó xuất hiện vào sáng sớm hôm sau. Lúc 5 giờ 30, chiếc taxi chở theo một DJ đài phát thanh đi làm việc bị một toán lính Đức chặn lại. 15 phút sau, đài phát thành nằm trong tay người Đức và các buổi tuyên truyền bắt đầu tràn ngập sóng phát thanh.

Lúc 6 giờ 30, máy bay được sơn giống máy bay ném bom Đức bắt đầu gầm rú trên bầu trời, trong khi các khẩu đội phòng không bắn giả vờ vào các máy bay này. Trên mặt sông đóng băng khắp thành phố, thuốc nổ và bụi than được kích hoạt để giả làm tiếng bom nổ.

Xe tăng được sơn thập tự sắt lăn bánh trên đại độ Portage để chiếm con đường chính và các nút giao với đường sắt. Số đặc biệt của tờ Winnipeg Free Press chạy những dòng tít nghẹt thở “Bom dội xuống Winnipeg khi cuộc chiến tại sân bay diễn ra ác liệt”, “Thương vong cao trong các cuộc không kích khủng bố”. 

Trong ba tiếng tiếp theo, các đơn vị dân quân đã lùi về trung tâm thành phố và đến 9 giờ 30, họ đầu hàng. Thị trưởng John Queen, Thủ hiến John Bracken, Phó thủ hiến Roland McWilliams và toàn bộ ủy viên cơ quan lập pháp thành phố bị bắt và giải tới một trại giam tạm ở Lower Fort Garry, trạm buôn bán lông thú cách thành phố 30km về phía bắc. 

Nhờ vở diễn như thật mà nỗi kinh hoàng bao trùm thành phố. Sau khi được chỉ định là Thủ hiến tỉnh bang, Erich von Neurenbeig, binh lính Đức đột kích căng tin tòa nhà Bảo hiểm Great-West-Life để lấy đồ ăn, vây ráp các quầy bán báo, đóng cửa trường học và giáo đường, đốt sách (tất nhiên là toàn sách cũ được bày ra để đốt) ngay trước Thư viện Carnegie. Đại lộ Portage được đổi tên thành Adolf Hitler Strasse và Winnipeg bị đổi tên thành Himmlerstadt. 

Vào buổi chiều, quân Đức phát tời rơi in sắc lệnh có nội dung: cấm dân thường ra phố từ 9 giờ 40 tối và giờ ban ngày; mọi hộ gia đình phải để cho 5 lính vào ở; mọi tổ chức quân sự, bán quân sự bị giải tán và cấm; mỗi nông dân phải báo cáo ngay số lượng lương thực và gia súc và không được bán nông sản cho ai khác ngoài chính quyền; mọi biểu trưng quốc gia không có dấu thập ngoặc bị hủy; vi phạm 4 điều sau sẽ bị phạt tử hình không xét xử (cố tình tổ chức chống lại quân đội lực lượng xâm chiếm, ra vào tỉnh không có giấy phép, không báo cáo mọi hàng hóa sở hữu, sở hữu vũ khí). Tờ rơi kết luận: “Không ai được hành động, nói hoặc nghĩ trái với sắc lệnh”.

Chú thích ảnh
Sắc lệnh được in trong cuộc diễn tập. Ảnh: Nationalpost

Lúc 5 giờ 30 chiều hôm đó, vở diễn cuối cùng đã kết thúc. 600 thành viên Nghiệp đoàn Công nhân May mặc Phụ nữ và Nhà sản xuất áo choàng Quốc tế đã xuống đại lộ Portage bán trái phiếu cho người đi đường.

Mặc dù “Ngày nếu mà” có mục đích là thức tỉnh người dân Manitoba, nhưng các nhà tổ chức muốn tránh các sự cố gây thiệt hại. Do đó, họ đã thông báo rộng rãi về sự kiện trước đó và ngay cả số báo đặc biệt được phát trong cuộc diễn tập cũng có dòng chữ “Điều này không diễn ra, nhưng có thể xảy ra ở đây”.

Tuy nhiên, nhiều người không hay biết về thông báo, khiến sự kiện càng giống thật. Trong số đó có nghị sĩ Dan McLean, khi thấy binh mặc áo Đức Quốc xã ập vào Tòa thị chính, ông này đã chạy trốn trong văn phòng.

Chú thích ảnh
Hình ảnh trong cuộc diễn tập. Ảnh: Nationalpost

Mặc dù có vài trục trặc nhỏ nhưng tác động của “Ngày nếu mà” không thể phủ nhận khi Ủy ban Khoản vay Chiến thắng Manibota bán được trái phiếu chiến tranh trị giá trên 3 triệu USD chỉ trong ngày đầu tiên. Vào thời điểm chiến dịch bán trái phiếu kết thúc ngày 7/3, cứ ba người Manibota thì có một người mua trái phiếu chiến tranh và tỉnh bang này đã thu về trên 65 triệu USD, vượt quá hạn ngạch 45 triệu USD gần 45%.

Ước tính, khi chiến tranh kết thúc, tiền bán trái phiếu đã giúp bù lại gần 12 trong số 22 tỷ USD tiền chi tiêu thời chiến của chính phủ. Tầm quan trọng của “Ngày nếu mà” còn vượt ngoài thành tích tài chính. Sự kiện được đưa tin rộng khắp Canada và giúp Winnipeg nổi tiếng, truyền cảm hứng cho các thành phố khác ủng hộ nỗ lực chiến tranh. Vancouver đã mượn “đạo cụ” của Winnipeg để làm phiên bản “Ngày nếu mà” của riêng mình. Một số thành phố Mỹ đã liên hệ ủy ban tổ chức để tư vấn về các sự kiện tương tự.

Ngày 8/5/1945, người Canada ăn mừng chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Công dân Winnipeg có lẽ là người ý thức sâu sắc hơn ai hết về những thứ họ có thể mất nếu lịch sử khách đi một chút.

Thùy Dương/Báo Tin tức