12:23 26/12/2011

Thành phố Hồ Chí Minh:Vàng nữ trang hút hàng

Trong tình hình giá vàng có nhiều biến động, nhu cầu mua sắm vàng nữ trang của người dân vẫn tăng mạnh, đặc biệt trong những ngày cuối năm. Nhiều công ty vàng dù được hay không được tham gia sản xuất vàng miếng vẫn chọn vàng nữ trang làm ngành mũi nhọn để kinh doanh.

Trong tình hình giá vàng có nhiều biến động, nhu cầu mua sắm vàng nữ trang của người dân vẫn tăng mạnh, đặc biệt trong những ngày cuối năm. Nhiều công ty vàng dù được hay không được tham gia sản xuất vàng miếng vẫn chọn vàng nữ trang làm ngành mũi nhọn để kinh doanh.

Vàng ít tuổi được ưa chuộng

Theo các tiệm vàng trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1 (TP.HCM), khách hàng đến mua vàng hiện nay chủ yếu là trang sức cưới. Tuy nhiên, do giá vàng cao và thường những mẫu “nhiều vàng” (vàng 24K) lại không đẹp nên người mua ít chọn, bán chậm hơn so với các năm trước.

Vàng nữ trang “ít tuổi” ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.


Trong khi đó, những loại “ít vàng” như 10K, 14K và 18K bán đắt hàng hơn nhiều. Bà Huỳnh Thị Bích Hường, Trưởng Phòng kinh doanh Công ty CP Kim hoàn Sài Gòn, cho biết: Một mặt, vàng ít tuổi giá rẻ hơn vàng cưới truyền thống, khoảng 2 triệu đồng/chỉ vàng 14k và khoảng 3,7 triệu đồng/chỉ cho vàng 18K. Mặt khác, mẫu mã các loại vàng này lại thời trang, đa dạng và bắt mắt. Chính vì vậy, hàng trang sức “ít vàng” này làm đến đâu khách mua hết đến đó.

Ông Trương Công Ấn, Trưởng phòng kinh doanh nữ trang sỉ SJC, nhận định: Trước khuynh hướng tiết kiệm và thích thời trang, công ty SJC, dù đang chiếm giữ 90% thị phần vàng miếng trong cả nước nhưng vẫn đẩy mạnh đầu tư vào vàng trang sức như vàng 10K, 14K hoặc 18K. Hiện các dòng này đang bán rất chạy. Các mối sỉ lớn ở khu vực miền Tây, miền Đông Nam bộ đã tăng tần suất lấy hàng 30% và số lượng hàng lấy cũng tăng 50% so với năm ngoái, thậm chí một số mối còn tăng số lượng hơn 100% hoặc 150%, góp phần đưa doanh thu ngành vàng nữ trang tăng gấp 3 lần so với năm trước. Dự kiến sang năm, SJC sẽ tiếp tục đưa ngành vàng nữ trang làm mũi nhọn trong chiến lược phát triển. Cụ thể, khi dự án xí nghiệp sản xuất nữ trang tại khu chế xuất Tân Thuận đi vào hoạt động, mỗi năm sẽ cung ứng 350.000 sản phẩm, đáp ứng kế hoạch phát triển của SJC.

Tương tự, tháng 4 vừa qua, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng đã đầu tư xây dựng mới xí nghiệp nữ trang có quy mô lớn nhất Việt Nam với công suất 4 triệu sản phẩm/năm. Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng Giám đốc PNJ, cho biết: Theo chiến lược kinh doanh năm 2012, PNJ chủ yếu tập trung vào mảng nữ trang và sẽ giảm dần hoạt động kinh doanh vàng miếng do những quy định khắt khe của NHNN. Hiện tăng trưởng lợi nhuận của PNJ chủ yếu dựa vào mảng bán lẻ các mặt hàng trang sức. Trong đó, thị phần trang sức vàng chiếm khoảng 20 - 25% và trên 30% ở thị phần trang sức bạc. Tính chung trong 10 tháng đầu năm, doanh thu trang sức vàng của công ty đạt khoảng 2.891 tỷ đồng.

Khó kiểm soát vàng nữ trang

Trước sức hút của vàng nữ trang ít tuổi, nhiều cửa hàng, tiệm vàng ngoài việc kinh doanh vàng nữ trang trong nước cũng tranh thủ lấy hàng từ các nước khác nhập về như Mỹ, Italia, Trung Quốc... để tăng sự đa dạng mẫu mã. So với vàng trong nước về độ tinh xảo, sắc nét, mẫu mã của dòng nữ trang nhập khẩu này hơn hẳn, giá lại không quá đắt nên cũng được rất nhiều người ưa chuộng.

Tuy nhiên, các nghệ nhân trong ngành kim hoàn cho biết đây không phải là hàng Italia, hàng Mỹ chính gốc mà chỉ có mác Italia, Mỹ được sản xuất từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch vào thị trường Việt Nam. Thực tế, nếu hàng gốc Italia, Mỹ nhập khẩu sẽ rất đắt, chứ không sàn sàn như các dòng nữ trang trong nước. Dù vậy, do các doanh nghiệp Trung Quốc mua máy móc thiết bị hiện đại từ nước ngoài rồi sản xuất nữ trang công nghiệp với số lượng lớn, nên tinh xảo hơn hẳn nữ trang của nước ta; mẫu mã lại thay đổi thường xuyên nên rất được ưa chuộng.

Chạy đua theo xu hướng này, gần đây một số doanh nghiệp trong nước cũng nhập máy móc, nhái y chang các sản phẩm nữ trang ngoại rồi tung ra thị trường. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn hạ tuổi vàng để cạnh tranh, chủ yếu là vàng trắng, nên khiến nhiều người tiêu dùng mua lầm.

Theo lý thuyết, loại nữ trang từ vàng trắng này có hàm lượng vàng 75% (vàng 18K) nhưng thực chất hàm lượng vàng khi ra thị trường chỉ còn 60% đến 65%. Chính vì vậy, trong dự thảo Nghị định quản lý kinh doanh vàng miếng của NHNN trình Chính phủ mới đây đã có nhắc đến kiểm soát việc gian lận tuổi vàng. Theo đó, các doanh nghiệp muốn sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của NHNN. Đây là cơ sở để NHNN cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Đồng thời, các doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức phải đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm, công bố tiêu chuẩn... nhằm kiểm soát chất lượng và hạn chế tình trạng gian lận tuổi vàng. Riêng các doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng trang sức phải niêm yết giá sản phẩm, hàm lượng vàng.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức cho rằng điều này là không dễ. Cách tính tuổi vàng cũng mỗi nơi mỗi kiểu, thậm chí mỗi tiệm mỗi khác... Hiện cả nước có hơn chục ngàn tiệm vàng nên muốn kiểm soát gian lận sẽ rất khó.

Hải Yên