07:11 26/07/2025

Thanh niên xung phong - Tuổi xuân gửi lại nơi biên giới vì Tổ quốc

Trong những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, Thành phố Hồ Chí Minh đã có một lực lượng đặc biệt xung phong lên đường ra tiền tuyến. Đó là lực lượng Thanh niên xung phong.

Chú thích ảnh
Khu tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh tại xã Long Chữ, tỉnh Tây Ninh. Ảnh minh họa: Giang Phương/TTXVN

Hiến dâng tuổi thanh xuân

Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, đã có những lá đơn tình nguyện viết bằng máu xin được ra chiến trường, có những lời hứa nguyện dâng trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Lực lượng Thanh niên xung phong không chỉ tham gia mở đường, tiếp tế lương thực, xây dựng công sự phòng thủ mà còn không ngại hiểm nguy, trực tiếp sát cánh cùng bộ đội chiến đấu, góp phần bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên cương và thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Trên mảnh đất biên giới Tây Ninh, nơi từng diễn ra những trận đánh ác liệt, đã có 99 cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh anh dũng hy sinh. Họ là những người con tuổi mười tám đôi mươi, mang trong mình trái tim nhiệt huyết và lòng yêu nước nồng nàn. Nhiều người trong số họ chưa từng có người yêu, chưa kịp thổ lộ mối tình đầu nhưng tất cả đã cùng nhau nằm lại nơi biên giới khi tuổi đời chỉ vừa mới bắt đầu.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, ký ức về những tháng ngày chiến đấu và hy sinh lại ùa về qua từng câu chuyện kể, từng giọt nước mắt chưa khô của đồng đội, của thân nhân những người đã khuất.

Trở lại vùng đất từng là chiến trường ác liệt, nơi một thời sát cánh cùng đồng đội bảo vệ Tổ quốc, bà Thái Thị Hạnh, 73 tuổi, cựu Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh, xúc động chia sẻ, trong đạn lửa của cuộc chiến, 99 người bạn của bà đã vĩnh viễn nằm lại, hơn 200 người khác trở về trong hình hài thương binh. Nhiều thế hệ đã gửi lại tuổi xuân của mình nơi chiến trường để đổi lấy hòa bình. Giờ đây, được đứng trên mảnh đất vùng biên trong màu cờ tự do, bà cảm nhận rõ ràng niềm hạnh phúc và niềm tin vào cuộc sống mới qua sự hy sinh của những nhiều lớp thế hệ cha anh, đồng đội.

Theo bà Hạnh, quãng đời trong màu áo Thanh niên xung phong, trải dài suốt 21 năm, từ lên rừng, xuống biển, tham gia lao động sản xuất đến trực tiếp chiến đấu đã rèn luyện bà trở thành một con người kiên cường cả về nhận thức chính trị, đạo đức. Bà Hạnh nhấn mạnh, tuổi thanh xuân trong màu áo Thanh niên xung phong, đối diện với sự sống và cái chết, chiến tranh và hòa bình, giúp bà nhận thức rõ hơn. Đó là sống phải biết tri ân, biết cống hiến để xứng đáng với sự hy sinh của những đồng đội đã nằm xuống.

Bà Hạnh cũng thể hiện niềm tin mãnh liệt vào thế hệ trẻ hôm nay, đặc biệt là lực lượng Thanh niên xung phong thời hiện đại. Bà nói: “Trong kỷ nguyên mới, các bạn trẻ mang trên vai nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng. Nhưng điều tôi trân quý nhất là các bạn đã thể hiện được lý tưởng sống rõ ràng, làm tròn vai trò của mình. Nhìn thấy hình ảnh các cháu trong màu áo Thanh niên xung phong, tôi cảm nhận như chính mình của năm xưa. Tôi tin rằng các cháu sẽ tiếp tục giữ gìn bản sắc, tinh thần không ngại khó, không ngại khổ và luôn sẵn sàng đương đầu với thử thách".

Một đời tri ân

Nỗi mất mát không chỉ đọng lại trong trái tim những cựu Thanh niên xung phong, mà còn là vết thương âm ỉ trong lòng thân nhân các liệt sĩ. Bà Võ Thị Ngọc Thanh, 55 tuổi, ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, em gái của liệt sĩ Võ Thị Ngọc Mai, nghẹn ngào kể lại ký ức về người chị của mình: “Chị tôi từng nằng nặc xin mẹ cho đi Thanh niên xung phong khi tôi mới tròn 8 tuổi. Lần cuối cùng chị về thăm nhà, chị mang theo một xấp vải trắng. Thấy chị không đủ tiền may bộ quần áo mới, tôi đã đập con heo đất dành dụm để chị kịp có bộ quần áo mới mặc trước khi trở lại đơn vị. Đó là lần cuối cùng chị rời nhà và chị đã không bao giờ trở về nữa”.

Với giọng nói nghẹn ngào, bà Thanh chia sẻ thêm: “Tôi luôn cảm thấy tự hào vì có một người chị đã hy sinh vì đất nước. Nay, lực lượng Thanh niên xung phong và chính quyền các cấp luôn quan tâm, thăm hỏi, động viên gia đình chúng tôi. Có lần cha mẹ tôi bệnh, các cô chú còn cử người đến tận nhà hỏi han. Tất cả những điều đó khiến tôi cảm thấy sự hy sinh của chị tôi chưa bao giờ bị lãng quên”.

Ngày nay, mỗi lần trở lại Khu tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc xã Long Chữ, tỉnh Tây Ninh), bà Thanh vẫn lặng người, nức nở và cảm nhận sự ấm áp khi nhìn thấy dòng tên chị mình trang nghiêm trên bàn thờ. Trong không gian lặng trang và nghiêm cẩn ấy, từng nén nhang được thắp lên như lời tưởng niệm sâu sắc, như lời tri ân của bao thế hệ hôm nay đối với những người đã nằm lại biên cương để bảo vệ bình yên Tổ quốc.

Anh Nguyễn Văn Bình, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Để tri ân sự hy sinh to lớn ấy, Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh đã chọn ngày 22/7 hằng năm làm ngày giỗ chung của các liệt sĩ Thanh niên xung phong. Đây không chỉ là ngày tưởng niệm mà còn là dịp để giáo dục truyền thống, nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau luôn khắc ghi những đóng góp thầm lặng mà vĩ đại ấy”.

Anh Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, mỗi dịp trở về mảnh đất biên giới Tây Ninh là một cơ hội đặc biệt để nhắc nhở các thế hệ hôm nay về truyền thống cách mạng Việt Nam, cũng như lịch sử hào hùng của lực lượng Thanh niên xung phong. Đó là động lực để thế hệ hiện tại luôn ghi nhớ, trân trọng và tiếp tục phát huy những giá trị thiêng liêng đã được hun đúc qua máu xương, mồ hôi, nước mắt của bao người đi trước.

Với thế hệ hôm nay và mai sau, mỗi bước chân trở lại nơi này không chỉ là hành trình trở về quá khứ, mà còn là sự tiếp nối của truyền thống, của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Các thế hệ tiếp nối càng thêm trân trọng những hy sinh thầm lặng của cha anh, qua đó hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí vượt khó và trách nhiệm gìn giữ những giá trị thiêng liêng mà bao thế hệ đi trước đã đánh đổi bằng tuổi trẻ và sinh mệnh của mình.

Giang Phương (TTXVN)