10:13 15/10/2021

Thanh niên xung kích trong tâm dịch

Giải thưởng “15 tháng 10” là phần thưởng cao quý của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tặng cán bộ Hội tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào thanh niên. Năm nay, trong 65 gương mặt tiêu biểu trên toàn quốc nhận giải thưởng này có những thanh niên luôn xung kích, có nhiều sáng kiến thiết thực với đồng bào trong tâm dịch.

Chú thích ảnh
Anh Phan Văn Đức trong lần vận chuyển đồ cứu trọ cho đồng bào vùng lũ. Ảnh: CLB thiện nguyện Phan Đức. 

Từ sáng kiến nhân văn lan toả trong tâm dịch    

Có thể nói, làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và kinh tế của các tỉnh, thành trên cả nước. Tâm dịch TP Hồ Chí Minh là nơi ghi lại rõ nhất những ảnh hưởng đó.

Lúc bấy giờ, người dân khi nghe đến mô hình “ATM F0” hoạt động hết sức hiệu quả tại các bệnh viện dã chiến, ai cùng ngỡ ngàng.

Sáng kiến ban đầu của mô hình đó là đến từ một cán bộ thanh niên - anh Nguyễn Thanh Lâm (26 tuổi), Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Bình Dương.  

Chia sẻ về sáng kiến này, anh Thanh Lâm cho biết: "Nhằm chung tay giúp tuyến đầu chống dịch, ý tưởng vận động các thanh niên là người nhiễm COVID-19 được điều trị khỏi bệnh và hoàn thành thời gian cách ly tại nhà tham gia hỗ trợ bệnh viện dã chiến đã được mọi người hưởng ứng".  

Được sự hỗ trợ của Hội Doanh nhân tỉnh Bình Dương với mức kinh phí từ 6 - 8 triệu đồng/tháng cho mỗi tình nguyện viên là F0 tham gia hỗ trợ bệnh viện dã chiến đã có hơn 60 tình nguyện viên tham gia.  

Không chỉ có sáng kiến này, anh Nguyễn Thanh Lâm còn là người chỉ đạo thành lập Đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19 ở Bình Dương. Từ đó các cấp bộ Hội trên địa bàn tỉnh đã thành lập 102 đội hình phản ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, có 1 đội cấp tỉnh, 10 đội cấp huyện và 91 đội cấp xã với hơn 43.000 hội viên, thanh niên tích cực tham gia.

Hay Câu lạc bộ truyền thông thanh niên Bình Dương do anh Lâm thành lập và triển khai đã hoạt động rất hiệu quả khi lan toả những tin tức tích cực về phòng chống dịch trên địa bàn.  

Tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh, những sáng kiến như đội lái xe Grab tình nguyện hỗ trợ vận chuyển oxy tới các F0, bữa cơm 0 đồng, ròng rọc thực phẩm tới phòng trọ khó khăn… là những “chiếc phao" cho hàng nghìn người dân ở quận  Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Người có sáng kiến và tập hợp những thanh niên hiện thực hoá ý tưởng đó là anh Nguyễn Lê Trung Hiếu, 32 tuổi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là một trong số 65 gương mặt của “Giải thưởng 15 tháng 10” lần này.

 “Giải thưởng 15 tháng 10" là một trong những hoạt động trong khuôn khổ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của tổ chức Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam. Giải thưởng nhằm ghi nhận, cổ vũ, động viên và tuyên dương đội ngũ cán bộ Hội tiêu biểu góp phần củng cố, xây dựng và phát triển tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam ngày càng vững mạnh. Đồng thời, tạo động lực để cán bộ Hội, không ngừng rèn luyện, phấn đấu, đóng góp trí tuệ và sức trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm nay, Ban Tổ chức Giải thưởng đã nhận được tổng số 92 hồ sơ từ 55 tỉnh, thành phố. Sau khi Hội đồng họp và thống nhất, Ban Tổ chức đã quyết định trao tặng 65 cá nhân.

Đến sức trẻ nơi hậu phương 

"Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” - khẩu hiệu đó đã hiện thực hoá trong mỗi việc làm của thanh niên trên toàn quốc khi cả nước chống dịch. Nếu ở tuyến đầu là những sáng kiến, việc làm tức thời thì khi những dòng người trở về địa phương cũng có sức trẻ, sự nhiệt huyết của thanh niên hỗ trợ. 

Anh Phan Văn Đức, 29 tuổi, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, Quảng Nam là một trong 65 gương mặt của “Giải thưởng 15 tháng 10” năm nay có nhiều sáng kiến giúp đỡ những người khó khăn.  

“Bếp ăn tình nghĩa” giúp đỡ người dân về quê, thực hiện cách ly tại huyện Thăng Bình của Đức đã góp phần sưởi ấm những người xa quê trở về trong những ngày dịch COVID-19 bùng phát.  

Để chuẩn bị cho bếp ăn này, Phan Văn Đức kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ lương thực, thực phẩm và tiền mặt. Anh cũng vận động hội viên, thanh niên địa phương trực tiếp tham gia bếp ăn. Hàng nghìn suất ăn miễn phí với giá trị hơn 100 triệu đồng đã được trao đi, giúp những bà con có hoàn cảnh khó khăn tại Thăng Bình.

Không chỉ dừng lại ở những suất ăn miễn phí, Phan Văn Đức đã nghĩ về việc tiếp tục cho đi khi triển khai “Phiên chợ không đồng" với nhiều người ở trong vùng phong toả. 

“Phiên chợ không đồng” chỉ là 1 trong số 37 hoạt động mà Câu lạc bộ Thiện nguyện Phan Đức (do Đức sáng lập) đã tổ chức trong năm 2020. Tổng số tiền huy động cho những hoạt động này là hơn 4 tỷ đồng, đều đến từ nguồn hỗ trợ của các mạnh thường quân thông qua mạng xã hội facebook. Chỉ riêng chương trình hỗ trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng do bão lũ đã hơn 1 tỷ đồng.

Trước đó, Phan Văn Đức cũng vận động tổ chức chương trình “Tháng 4 yêu thương”, thực hiện bữa ăn nhân ái, tổ chức cắt tóc, trao quà, trao cây giống cho bà con tại điểm trường Tắc Rối, Trà Tập, Nam Trà My với tổng kinh phí 45 triệu đồng; kêu gọi ủng hộ cháu Nguyễn Trần Gia Phát (ở xã Bình Định Bắc) bị bệnh hiểm nghèo với số tiền hơn 70 triệu đồng. 

Với tấm lòng nhân ái và việc làm ý nghĩa lan toả tới cộng đồng, anh Phan Văn Đức đã nhận được Giấy khen của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Thăng Bình; Giải thưởng Lý Tự Trọng của Trung ương Đoàn; đạt danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác giai đoạn 2018 - 2020 do Tỉnh Đoàn Quảng Nam trao tặng. Đặc biệt, trong ngày 15/10 này anh là một trong 65 gương mặt của “Giải thưởng 15 tháng 10” - một giải thưởng cao quý của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Lê Vân/Báo Tin tức