06:15 11/06/2021

Thanh niên Trung Quốc phát động phong trào ‘nằm dài’ trước áp lực cuộc sống

Nhiều thanh niên Trung Quốc đã tham gia vào phong trào Tang Ping (tạm dịch: nằm dài) trên mạng xã hội để thể hiện bất bình với áp lực từ công việc.

Chú thích ảnh
Nhiều thanh niên tìm đến Tang Ping bởi thất vọng với thực tại. Ảnh: Getty Images

Tờ Independent (Anh) cho biết giới trẻ tham gia Tang Ping bởi áp lực do làm việc nhiều giờ không được phụ cấp. Nhiều người trể thất vọng vì công việc không có triển vọng phát triển trong khi phải đối mặt với áp lực giá nhà tăng khiến họ khó có thể mua nổi một căn nhà. Do vậy, họ chối bỏ tất cả bằng Tang Ping. Nhiều chuyên gia lo ngại xu hướng này có thể tác động xấu đến triển vọng kinh tế Trung Quốc.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết Tang Ping nổi lên sau khi một bài đăng trên tài khoản mạng xã hội của tài khoản có tên Kind-Hearted Traveller gây bão. Người đăng cho rằng “nằm dài là công lý”. Anh ta còn viết về trải nghiệm sống chỉ với 200 nhân dân tệ (khoảng 720.000 Việt Nam đồng) một tháng cho hai bữa mỗi ngày. Đặc biệt là anh ta đã không làm bất cứ công việc nào trong 2 năm.

Tờ The Washington Post (Mỹ) cho biết có rất nhiều cách để Tang Ping, bao gồm không kết hôn, lập gia đình, từ chối làm thêm giờ hoặc công việc văn phòng.

Yubo Li (31 tuổi), hiện làm công việc thiết kế tự do tại Thượng Hải nhận định: "Tang Ping không có nghĩa là nằm cả ngày và thất nghiệp mà là bạn có nhịp sống riêng và được làm bất cứ điều gì mình muốn". Li hiện làm việc từ 4-5 giờ/ngày và kiếm đủ tiền cho cuộc sống đơn giản mà không phải lao động đến kiệt sức.

Nhiều người sử dụng mạng xã hội cho biết trải nghiệm Tang Ping khiến họ “khỏe mạnh về thể chất và tự do về tinh thần”. Đài BBC (Anh) cho biết Tang Ping còn được gọi là “phong trào về tinh thần”.

Theo khảo sát của mạng xã hội Weibo thực hiện trong khoảng thời gian từ 28/5-3/6, có tới 61% của 241.000 người tham gia phong trào Tang Ping thừa nhận họ muốn “ủng thộ thái độ nằm dài”. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đánh giá kinh tế trì trệ do dịch COVID-19 và căng thẳng thương mại với Mỹ khiến nhiều thanh niên thêm lĩnh hội ý tưởng này.

Chú thích ảnh
Nhân viên văn phòng trong giờ ăn trưa tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Cô Elaine Tang (35 tuổi) đang làm việc cho một công ty công nghệ tại Quảng Châu chia sẻ nhiều thanh niên đồng cảm với Tang Ping bởi họ nhận thấy bất công. Cô Elaine Tang nói: “Trong những năm gần đây, giá bất động sản đã tăng vọt và khoảng cách giữa các tầng lớp trong xã hội ngày càng nới rộng. Những người thuộc tầng lớp lao động như chúng tôi phải làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày trong tuần nhưng vẫn không thể trả nổi tiền đặt cọc cho một căn hộ hoặc chi phí để nuôi một đứa trẻ”.

Tại Trung Quốc trong thời gian qua đã xuất hiện hình thức “996” khuyến khích người lao động trong ngành công nghệ cống hiến làm việc hết mình từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, thậm chí là hơn, trong 6 ngày/tuần. “Cha đẻ” Alibaba là Jack Ma và nhà thành lập JD.com Lưu Cường Đông đều ca ngợi hình thức “996” này.

Có lo ngại cho rằng phong trào Tang Ping có thể ảnh hưởng tới tỷ lệ sinh đẻ tại Trung Quốc khi ngày càng có nhiều thanh niên sống theo ý tưởng trì hoãn kết hôn và sinh con. Trung Quốc đã tuyên bố cho phép các cặp vợ chồng nước này sinh con thứ ba. Đây được coi là biện pháp để ngăn chặn nguy cơ già hóa dân số tại quốc gia này.

Một cây bút của tờ Global Times viết: “Trung Quốc đang ở một trong những giai đoạn quan trọng nhất của con đường dài dẫn đến trẻ hóa quốc gia. Thanh niên là hy vọng của đất nước và tình hình cá nhân hoặc quốc gia không cho phép để họ nằm dài tập thể”.

Hà Linh/Báo Tin tức