08:07 28/08/2017

Thanh long Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Autralia

Tiếp theo trái vải và trái xoài là hai trái cây tươi đầu tiên của Việt Nam được nhập khẩu vào Australia, mới đây 24/8 nước này đã chính thức công bố cho phép nhập khẩu trái thanh long của Việt Nam. Như vậy, tại thời điểm hiện tại, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất được cấp phép nhập khẩu thanh long tươi vào Australia.

Sơ chế thanh long xuất khẩu ở Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Theo Bộ Công Thương, để đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Australia, trước khi nhập khẩu, doanh nghiệp cần có giấy phép hợp lệ do Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia cấp. Tuy nhiên, nếu muốn có giấy phép, doanh nghiệp nhập khẩu cần nộp đơn xin phép nhập khẩu trên mạng. Cùng đó, trước khi xuất khẩu, thanh long phải được Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận không bị nhiễm côn trùng trong diện kiểm soát an toàn sinh học (kiểm dịch).

Bộ Công Thương cũng cho biết, thanh long xuất khẩu phải có nguồn gốc, sản xuất và xuất khẩu từ Việt Nam phù hợp với các điều kiện và chương trình có liên quan. Do đó, để chứng minh cho sự phù hợp với các yêu cầu này, trên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật phải ghi rõ “trái cây trong lô hàng này được sản xuất tại Việt Nam phù hợp với các điều kiện nhập khẩu thanh long tươi vào Australia và phù hợp với Chương trình ‘Xuất khẩu trái câu tươi của Việt Nam vào Australia’ và đã được kiểm dịch và không có bất kỳ loại côn trùng nào trong diện kiểm soát an toàn sinh học của Australia”.

Các chuyên gia thương mại cũng khuyến cáo: Thanh long tươi từ Việt Nam phải được xử lý trước khi vận chuyển hàng bằng phương pháp nhiệt hơi (VHT) với thời gian 40 phút ở nhiệt độ 46,5 độ C, độ ẩm 90% trở lên tại một cơ sở xử lý được Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam phê duyệt.

Để chứng minh sự phù hợp với các yêu cầu này, trên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật phải ghi rõ chi tiết việc xử lý: ngày xử lý, nhiệt độ và thời gian xử lý; tên cơ sở đóng gói/xử lý và số đăng ký; số thùng trong lô hàng; số container và số niêm phong (đối với lô hàng vận chuyển bằng đường biển).

Đối với vận chuyển bằng đường biển, số container và số niêm phong phải được xác nhận và ghi trên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoặc trên chứng từ thương mại (ví dụ trên vận đơn). Nếu được xác nhận trên vận đơn thì số chứng nhận kiểm dịch thực vật cũng phải được ghi rõ.

Bất cứ lô hàng nào không có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đầy đủ hoặc chứng từ ghi không nhất quán với nhãn hàng thì sẽ bị giữ lại cho đến khi Bộ Nông nghiệp Australia tham vấn với Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam để làm rõ và ra quyết định.

Hàng hoá phải không có côn trùng và bệnh dịch. Hàng hoá cũng không được lẫn các chất ô nhiễm, bao gồm lá cây, cành cây, đất, hạt cỏ dại, mảnh vụn và các loại thực vật khác trừ 1cm cuống của quả thanh long. Mỗi lô hàng phải được đảm bảo tình trạng kiểm dịch trong khi vận chuyển bằng các lựa chọn đóng gói đảm bảo.

Bao bì phải được làm từ vật liệu tổng hợp hoặc vật liệu chế biến cao nếu có nguồn gốc thực vật. Bao bì không được làm bằng nguyên liệu thực vật chưa qua chế biến chẳng hạn như rơm. Các thùng carton hoặc kiện hàng đơn lẻ phải được dán nhãn với một số nhận dạng duy nhất để thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc. 

Sản phẩm đã được xử lý phải được bảo vệ khỏi các côn trùng gây hại trong quá trình đóng gói và sau khi đóng gói, xử lý, lưu kho và vận chuyển giữa các địa điểm. Sản phẩm đã được kiểm tra và chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải được duy trì trong điều kiện an toàn để không bị lẫn với trái cây xuất khẩu đi các thị trường khác hoặc để tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Ngoài ra, container phải được kiểm tra bởi Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam trước khi xếp hàng để đảm bảo không có côn trùng và các lỗ thông hơi phải được phủ kín không cho côn trùng xâm nhập. Lô hàng phải được kiểm tra bởi các cán bộ an toàn sinh học tại cảng đến đầu tiên. Không được phép chuyển tiếp bằng đường hàng không hoặc đường bộ (ví dụ chuyển lô hàng bằng đường hàng không hoặc đường bộ tại Australia) cho đến khi lô hàng được thông quan từ điểm kiểm soát an toàn sinh học.
Uyên Hương (TTXVN)