01:08 09/01/2015

“Thanh lọc” ngân hàng từ tăng vốn

Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng vốn điều lệ giúp tăng khả năng cạnh tranh và làm lành mạnh hệ thống ngân hàng (NH). Thế nhưng, đến thời điểm này, nhiều NH đã không hoàn thành được mục tiêu tăng vốn dù đã trình các phương án tăng vốn và được cổ đông thông qua.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng vốn điều lệ giúp tăng khả năng cạnh tranh và làm lành mạnh hệ thống ngân hàng (NH). Thế nhưng, đến thời điểm này, nhiều NH đã không hoàn thành được mục tiêu tăng vốn dù đã trình các phương án tăng vốn và được cổ đông thông qua.

Liên tục trễ hẹn tăng vốn

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống NH cũng như cân nhắc trước tình hình kinh tế còn khó khăn, đến nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần yêu cầu điều chỉnh tăng vốn điều lệ đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) và dự kiến trong năm 2015 quy mô vốn điều lệ tối đa là 10.000 tỷ đồng. Chính vì thế, trong những năm qua, các NHTM đã chủ động lên kế hoạch tăng dần quy mô vốn điều lệ trong từng năm để tránh áp lực lớn nếu như quy định này được NHNN áp dụng thực hiện bắt buộc. Riêng trong mùa đại hội cổ đông năm 2014, nhiều NHTM đã trình phương án tăng vốn điều lệ trong đó OCB, NamABank, SaigonBank trình kế hoạch tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng, BaoVietBank muốn tăng vốn từ 3.000 tỷ lên 5.200 tỷ đồng, DongA Bank đề ra mục tiêu tăng vốn từ 5.000 tỷ lên 6.000 tỷ đồng, VPBank muốn tăng vốn lên 7.325 tỷ đồng, SHB thông qua việc nâng vốn điều lệ lên 11.082 tỷ đồng…

Theo kế hoạch tái cơ cấu, ngân hàng đủ “sức khỏe” mới có thể tiếp tục tồn tại. Ảnh:Trần Việt - TTXVN



Trong số các NH trên, 6 NHTM là NamABank, VietBank, BaoVietBank, PGBank, KienLongBank, Vietcapital Bank đáp ứng được yêu cầu có quy mô vốn tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Do đó nếu phải tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng sẽ là một sức ép không nhỏ với các NH. Nhiều NHTM mặc dù đã có kế hoạch tái cơ cấu lại NH nhưng vẫn bị “hụt hơi” với mục tiêu tăng vốn. Theo đó, năm 2013, NamABank đã có tờ trình với NHNN tăng vốn điều lệ lên 3.700 tỷ đồng nhưng sau đó rút lại. Lãnh đạo NamABank cho biết, việc tăng vốn là phù hợp với quá trình tái cơ cấu của NH… Tuy nhiên, mặc dù kế hoạch tăng vốn được đề ra trong quý III/2014, sau đó lùi sang quý IV/2014 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Không chỉ NamABank mà nhiều NH khác cũng đã có kế hoạch tăng vốn nhưng vẫn chưa có kết quả cụ thể. Hiện nay, các NH dự kiến phương án tăng vốn điều lệ thông qua các hình thức như chia cổ tức, phát hành cổ phiếu thưởng, chào bán cho đối tác chiến lược, cho cổ đông hoặc lựa chọn hợp nhất sáp nhập với tổ chức tín dụng khác. Trong đó, hình thức chào bán cho cổ đông là phương án được nhiều NH sử dụng với số vốn huy động kỳ vọng lớn nhưng đây lại là phương án khó thành công nhất.

Sẽ còn nhiều áp lực

Theo các chuyên gia tài chính, trong vài năm gần đây, tình hình kinh doanh của NH ngày càng ảm đạm, nợ xấu cao, trích lập dự phòng rủi ro lớn đã kéo giảm lợi nhuận, mức chia cổ tức hàng năm không còn hấp dẫn, thậm chí nhiều NH còn không chia cổ tức nên rất khó lấy được lòng tin của nhà đầu tư. Trong khi đó, các cổ đông chiến lược nước ngoài lại có những yêu cầu rất cao, không phải NH nào cũng đáp ứng được để họ rót vốn. Chính vì vậy, NHNN đã kiểm soát chặt chẽ hơn các NH có kế hoạch tăng vốn nhằm hạn chế các NHTM đối phó khi ồ ạt gửi tờ trình xin tăng vốn. Thế nhưng, thực tế hầu như không NH nào thực hiện được lộ trình tăng vốn được cam kết.

Ngoài ra, việc các NHTM không thể tăng vốn theo lộ trình cũng do không ít NHTM nhỏ, yếu kém phải sáp nhập, hợp nhất, bán lại (M&A) và đang trong quá trình tái cơ cấu. Đặc biệt do phải đối mặt với vấn đề nợ xấu nên nhiều NH như SCB, DongABank… không dễ thu hút nguồn vốn.

Trong hoạt động kinh doanh NH, vốn điều lệ đóng vai trò quan trọng không chỉ hỗ trợ ứng phó rủi ro mà còn là đòn bẩy tài chính để các NH mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống. Vì thế, trong cuộc họp với hệ thống NH mới đây tại TP Hồ Chí Minh, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khẳng định với kế hoạch tái cơ cấu, hệ thống NHTM sẽ thu gọn, NH nào đủ “sức khỏe” mới có thể tiếp tục tồn tại. Vì vậy, chính các NHTM phải chủ động thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ để có được nền tảng vững chắc hơn. “Cái yếu của NH nhỏ hiện nay là khả năng quản trị. Vì thế, để có thể tồn tại và phát triển, ngay lúc này, các NH này phải ngồi lại với nhau để bàn đến việc hợp nhất, sáp nhập. Đây cũng là mục tiêu của đề án tái cơ cấu của ngành đang được NHNN đẩy mạnh”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết.

Mặt khác, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đang từng bước áp dụng chuẩn mực Basel II. Trong đó, yêu cầu đầu tiên là NH không chỉ phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn cao hơn mà còn phải đáp ứng nhiều tiêu chí như mức độ quy mô vốn, quản lý rủi ro… Để hoàn thành mục tiêu của tiêu chuẩn Basel II, từ nay đến năm 2018, áp lực tăng vốn điều lệ của một số NHTM là rất lớn.

Bài và ảnh: Hải Yên