11:22 30/11/2011

Thành lập vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm mục đích khai thác tối đa lợi thế của từng địa phương và toàn Vùng kinh tế trọng điểm.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm mục đích khai thác tối đa lợi thế của từng địa phương và toàn Vùng kinh tế trọng điểm. Mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2009-2010 của Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt gấp khoảng 1,2 lần và thời kỳ 2011 - 2020 gấp khoảng 1,25 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Để triển khai quyết định này, trong thời gian qua nhiều hoạt động đã diễn ra và mới đây nhất, lãnh đạo 4 tỉnh liên quan đã nhóm họp và tiếp tục đưa ra chương trình hành động cho thời gian tới

Tiếp tục phối hợp khai thác tiềm năng

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ nêu trên, mới đây, 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đã tiếp tục lên kế hoạch phối hợp khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và toàn vùng trên cơ sở quan điểm phát triển hiệu quả, toàn diện các khu vực đồng bằng, ven biển và kinh tế biển, trong thế liên kết với các địa phương khác ở vùng ĐBSCL và hợp tác với các vùng khác trong cả nước, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Bốn tỉnh, thành phố đẩy mạnh mở rộng giao thương kinh tế với các nước trong khu vực và quốc tế; huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, ưu tiên phát triển các ngành kinh tế công nghiệp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Nông dân quận Bình Thủy (thành phố Cần Thơ) thu hoạch lúa.
Ảnh: Duy Khương – TTXVN.

Cụ thể, để hoàn thành chỉ tiêu nói trên, Vùng kinh tế trọng điểm sẽ tiến hành đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ bình quân 20%/năm; nâng cao dần tỉ lệ lao động qua đào tạo từ 30% năm 2007 lên khoảng 65% vào năm 2020; nâng tỉ lệ đô thị hóa của Vùng kinh tế trọng điểm từ 30,2% năm 2007 lên 46% năm 2020.

Phát triển ba trung tâm điện lực: Ô Môn, Cà Mau, Kiên Lương với tổng công suất khoảng 9.000 MW – 9.400 MW và cung cấp khí đốt từ các mỏ khí Tây Nam; ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông, trước hết là các công trình có liên quan đến phát triển vùng như quốc lộ L 1A, đường N1, N2, hệ thống đường trên đảo Phú Quốc, các cảng hàng không; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư bằng các hình thức BT, BOT một số công trình như đường cao tốc, xây dựng cảng, nạo vét luồng sông; nâng mức hỗ trợ cho các địa phương, cho các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu tại các địa phương; đầu tư mạnh phát triển nhân lực kỹ thuật cao. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông- lâm- thủy sản theo hướng tinh chế...

Lộ trình từ nay đến năm 2015, Vùng kinh tế trọng điểm sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp có khả năng phát huy lợi thế cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu như: Chế biến nông lâm thủy sản, may mặc, da, giày, điện tử, tin học, sản phẩm cơ khí, dược phẩm, hàng tiêu dùng; xây dựng một số cơ sở công nghiệp nặng như: Dầu khí, luyện kim, cơ khí chế tạo, hóa chất cơ bản, phân bón, vật liệu xây dựng... Xây dựng một số khu công nghệ cao và khu kinh tế mở, khuyến khích phát triển các cụm công nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn để tạo điều kiện phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp với ngành nghề đa dạng, thu hút nhiều lao động, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật công nghệ mới cho cán bộ, công nhân, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành cơ khí...

Riêng trong lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu, Vùng kinh tế trọng điểm sẽ đầu tư nâng cấp, đổi mới thiết bị, nhà xưởng tất cả các doanh nghiệp, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP và ISO ở các đơn vị; quản lý môi trường theo chuẩn mực quốc tế; tăng nguồn lực cho sản xuất và xuất khẩu theo hướng tăng nhanh tỉ trọng công nghiệp chế biến; phát triển kinh doanh đa ngành, đa dạng hóa sản phẩm, phương thức bán hàng, thực hiện các chương trình liên kết, hợp tác với các tỉnh ĐBSCL, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Xây dựng thành vùng kinh tế phát triển năng động

Theo Quyết định 492/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phạm vi Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL gồm 4 tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và thành phố Cần Thơ. Đây là Vùng kinh tế trọng điểm đối với ĐBSCL. Đánh giá rất cao về vai trò của Vùng kinh tế này, Chính phủ đã định hướng phát triển Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 với hy vọng: Vùng kinh tế trọng điểm ĐBCSL tiếp tục là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, có đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước. Ngoài ra, Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long còn đóng vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại công ty TNHH Công nghệ Thủy sản Miền Nam (Khu công nghiệp Trà Nóc 2, thành phố Cần Thơ). Ảnh: Duy Khương – TTXVN


Theo Quyết định 492/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL phải đạt mục tiêu:

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2009 - 2010 của Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt gấp khoảng 1,2 lần và thời kỳ 2011 – 2020 gấp khoảng 1,25 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Tăng tỷ lệ đóng góp của vùng trong GDP của cả nước từ 10,5% hiện nay lên khoảng 11,6% năm 2010 và 13,3% năm 2020.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp, đến năm 2010 khu vực nông lâm thủy sản chiếm 29,4% và giảm xuống 15% năm 2020 ; khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 28,7% năm 2010 và tăng lên 40% năm 2020 ; khu vực dịch vụ chiếm 41,9% năm 2010 và tăng lên 45% năm 2020.

GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1.200 USD năm 2010 và khoảng 3.000 USD vào năm 2020.

Tăng giá trị xuất khẩu bình quân đầu người/năm từ 310 USD năm 2007 lên 490 USD năm 2010 và 1.900 USD năm 2020.

Tăng mức đóng góp của Vùng kinh tế trọng điểm trong thu ngân sách trên địa bàn của vùng đồng bằng sông Cửu Long từ 37,7% năm 2007 lên khoảng 40% năm 2010 và 48% vào năm 2020.

Đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ trong tiến trình hiện đại hoá, phấn đấu đạt bình quân 20%/năm.

Nâng cao dần tỷ lệ lao động qua đào tạo từ khoảng 30% năm 2007 lên 38% năm 2010 và đạt khoảng 65% vào năm 2020.

Phấn đấu nâng tỷ lệ đô thị hoá của Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long từ 30,2% năm 2007 lên 33,8% vào năm 2010 và đạt 46% năm 2020.

Vùng kinh tế trọng điểm này còn là trung tâm năng lượng lớn của cả nước với ba trung tâm điện lực: Ô Môn, Cà Mau, Kiên Lương với tổng công suất khoảng 9.000 MW – 9.400 MW và cung cấp khí đốt từ các mỏ khí Tây Nam. Là trung tâm dịch vụ (giáo dục – đào tạo, y tế, khoa học – công nghệ, thương mại...) – du lịch lớn của cả nước. Là cầu nối trong hội nhập kinh tế khu vực và giữ vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh của đất nước.

Để đạt được những mục tiêu kể trên, cơ quan chức năng phải chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và toàn Vùng kinh tế trọng điểm, trên cơ sở phát triển hiệu quả, toàn diện các khu vực đồng bằng, ven biển và kinh tế biển, trong thế liên kết với các địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác với các địa phương vùng khác trong cả nước, trước hết là vùng Đông Nam bộ. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ cả trong GDP và cơ cấu lao động.

Để đạt được những định hướng trên, Chính phủ cũng đề ra mục tiêu cho quá trình phát triển của vùng này. Theo đó, Chính phủ sẽ tiến hành xây dựng Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, có đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của đất nước, góp phần quan trọng vào việc xây dựng cả vùng đồng bằng sông Cửu Long giàu mạnh, các mặt văn hoá, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước; bảo đảm ổn định chính trị và an ninh quốc phòng vững chắc.

Chính phủ cũng dành ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới giao thông để kết nối Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam bộ, các vùng khác của cả nước và khu vực cũng như kết nối các đô thị lớn trong vùng. Phát triển nguồn nhân lực đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng cũng như các giải pháp về cơ chế chính sách giúp cho Vùng kinh tế trọng điểm này đạt được mục tiêu đề ra.

Thành Hiển