04:10 03/04/2021

Thành lập Tổ bầu cử ở các địa phương - Bài bản, khoa học, chặt chẽ

Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, 50 ngày trước ngày bầu cử, các khu vực bỏ phiếu sẽ thành lập Tổ bầu cử.

Như vậy, đến ngày 3/4, các địa phương trên cả nước đã hoàn thành việc thành lập Tổ bầu cử. Ước tính cả nước có khoảng 90.000 Tổ bầu cử trên 184 đơn vị bầu cử.

Chú thích ảnh
Chiều 16/3, Đoàn giám sát, kiểm tra của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Ban Thường vụ Quốc hội và Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội và y tế, đã có buổi làm việc với tỉnh Ninh Bình về công tác chuẩn bị bầu cử. Ảnh: Hải Yến/TTXVN.

Thời điểm thành lập và thành phần Tổ bầu cử

Tổ bầu cử được thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Chậm nhất là ngày 3/4/2021 (50 ngày trước ngày bầu cử), Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Tổ bầu cử có từ 11 đến 21 thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên là đại diện cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đại diện cử tri ở địa phương.

Đối với các đơn vị hành chính cấp huyện không được chia thành các đơn vị hành chính cấp xã (ví dụ như tại một số huyện đảo) thì Ủy ban nhân dân cấp huyện sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử có từ 11 đến 21 thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên là đại diện cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đại diện cử tri ở địa phương.

Như vậy, Tổ bầu cử là bộ phận trực tiếp điều hành tiến trình bầu cử trong ngày cử tri đi bỏ phiếu ngày 23/5, do đó trong quá trình thành lập, các địa phương đều rất chú ý đến công tác nhân sự của tổ bầu cử; đảm bảo quá trình lập tổ bầu cử diễn ra bài bản, khoa học, chặt chẽ.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ bầu cử

Chú thích ảnh
Cán bộ Ủy ban bầu cử huyện Ia Grai (Gia Lai) tăng cường tiếp xúc cử tri, tuyên truyền thông tin sâu rộng cuộc bầu cử đến đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Ảnh minh họa: Hồng Điệp/TTXVN

Trong việc thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Tổ bầu cử có các nhiệm vụ, quyền hạn sau: Phụ trách công tác bầu cử trong khu vực bỏ phiếu; bố trí phòng bỏ phiếu, chuẩn bị hòm phiếu; nhận tài liệu và phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân từ các Ban bầu cử tương ứng; phát thẻ cử tri, phiếu bầu cử có đóng dấu của tổ bầu cử cho cử tri; thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử (tức là từ ngày 13/5 đến ngày 22/5/2021).

Tổ bầu cử còn có trách nhiệm bảo đảm thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về bầu cử và nội quy phòng bỏ phiếu; giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của tổ bầu cử; nhận và chuyển đến Ban bầu cử tương ứng khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân mỗi cấp và các khiếu nại, tố cáo khác không thuộc thẩm quyền giải quyết của tổ bầu cử; kiểm phiếu và lập biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân từng cấp nhiệm kỳ 2021-2026 để gửi đến các Ban bầu cử tương ứng; chuyển biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử và toàn bộ phiếu bầu cử đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu khi kết thúc việc kiểm phiếu.

Tổ bầu cử báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử theo quy định của các tổ chức phụ trách bầu cử cấp trên; thực hiện việc bầu cử thêm, bầu cử lại tại khu vực bỏ phiếu (nếu có).

Việc thành lập Tổ bầu cử trong lực lượng vũ trang

Trường hợp đơn vị vũ trang nhân dân được xác định là khu vực bỏ phiếu riêng thì chỉ huy đơn vị quyết định thành lập một Tổ bầu cử có từ 5 đến 9 thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên là đại diện chỉ huy đơn vị và đại diện quân nhân của đơn vị vũ trang nhân dân đó. Danh sách tổ bầu cử phải được gửi đến Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện có tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tại khu vực bỏ phiếu đó và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đơn vị đóng quân.

Trường hợp đơn vị vũ trang nhân dân và địa phương tổ chức chung thành một khu vực bỏ phiếu thì Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân quyết định thành lập Tổ bầu cử có từ 11 đến 21 thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên là đại diện cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đại diện cử tri ở địa phương, đại diện chỉ huy đơn vị và đại diện quân nhân của đơn vị vũ trang nhân dân đó.

TTXVN/Báo Tin tức