09:08 14/09/2017

Thanh Hóa: Nhiều hồ chứa nguy cơ vỡ đập trong mưa lũ

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có trên 600 công trình hồ chứa; trong đó có khoảng 121 công trình đang có nguy cơ mất an toàn.

Đập hồ Làng Lụt, xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Thủy đang xuống cấp cần được sửa chửa, nâng cấp. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Nằm trên đỉnh núi cao, hồ chứa Làng Lụt, xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Thủy được xây dựng từ năm 1978. Thời gian qua, người dân sống quanh khu vực hồ Làng Lụt luôn cảm thấy lo lắng mỗi khi mùa mưa bão tới gần, bởi đây là hồ chứa được xây dựng từ lâu, điều kiện khảo sát, thi công lúc đó còn hạn chế cộng với sự biến động của thời tiết khiến cho đập của hồ đã bị xuống cấp.

Tìm hiểu thực tế tại hồ Làng Lụt, chúng tôi đã chứng kiến vùng đập xung quanh hồ đã xuống cấp, phía dưới ven đập chỉ còn vài nơi có đá, lộ ra những khoảng đất trống, đập chỉ được xây dựng thủ công nên vào mùa mưa bão, người dân sống quanh hồ luôn lo lắng vỡ đập, nước sẽ dâng lên bất cứ lúc nào. Trong cơn bão số 2 vừa qua, hồ đã xảy ra sự cố, uy hiếp tới tính mạng, tài sản của hơn 300 hộ dân sống ngay dưới vùng hạ du ven hồ.

Ông Hà Công Nhẫn, trú tại xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Thủy cho biết: Gia đình ông sống gần khu vực hồ đã lâu, thời gian gần đây chính quyền cảnh báo hồ Làng Lụt có nguy cơ mất an toàn và xuống cấp do điều kiện tự nhiên thay đổi liên tục, mưa lũ kéo dài nên người dân rất lo lắng nếu nước lũ dâng lên.

Còn ông Trịnh Đức Toại, cũng sống gần hồ Làng Lụt, xã Cẩm Yên chia sẻ, trước đây khi hồ chưa bị xuống cấp, người dân có thể phát triển sản xuất quanh năm. Nhưng thời gian gần đây, đập hồ Làng Lụt không được sửa chữa, xuống cấp nên người dân rất lo lắng.

Theo bà Mai Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thuỷ: Hồ Làng Lụt có lượng nước tương đối lớn, nếu hàng năm huyện không thực hiện công tác chỉ đạo, cải tạo và nâng cấp hồ, mỗi khi mùa mưa bão về,  hồ Làng Lụt sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người dân sống ở khu vực quanh hồ. Nếu hồ của đập bị vỡ, hơn 300 hộ dân sống quanh hồ và tài sản sẽ bị nước cuốn trôi hết.

Cách đây 2 năm, đập hồ Làng Lụt đã được cảnh báo về nguy cơ mất an toàn, tuy nhiên do địa phương thiếu nguồn kinh phí, nên công tác sửa chữa, nâng cấp rất khó thực hiện.

Hồ Đồng Bể, huyện Triệu Sơn là công trình rộng 225 ha. Hằng năm các lực lượng chức năng đã đưa ra nhiều cảnh báo về nguy cơ mất an toàn, nguy cơ vỡ đập của công trình hồ Đồng Bể. Thế nhưng, việc sửa chữa năm nào cũng diễn ra khá chậm và chưa thể kịp thời trước mùa mưa lũ. Quan sát trực tiếp, phóng viên chúng tôi nhận thấy quanh hồ Đồng Bể có khá nhiều điểm sạt đá để lộ ra phần đất dưới thân đập chính và trên thân đập chính hồ Đồng Bể còn khoảng 3-4 điểm có hiện tượng  rò rỉ nước mặc dù trước đó đơn vị vận hành đã có biện pháp khắc phục.

Ông Lê Minh Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa) cho biết, hiện nay, có những huyện không có cán bộ phụ trách thủy lợi nên việc kiểm tra, giám sát và hướng dẫn  UBND các xã, hợp tác xã thực hiện các công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đảm bảo an toàn hồ chứa là rất khó khăn.

Thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị quản lý, vận hành khai thác công trình thủy lợi để thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng, chống xuống cấp cho các công trình thủy lợi, đảm bảo an toàn và tuổi thọ công trình theo thiết kế. Đối với 121 hồ chứa nước không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ năm 2017 trên địa bàn tỉnh, trước mắt Thanh Hóa bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của tỉnh để thực hiện gia cố, tu sửa và đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. Tỉnh cũng bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp đồng bộ các hạng mục công trình để đảm bảo an toàn hồ chứa.

Tuy nhiên, ở Thanh Hóa, ngoài việc thiếu nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa gần 121 hồ chứa không đảm bảo an toàn, thì việc thiếu những cán bộ có chuyên môn về thủy lợi ở cơ sở cũng đang đặt ra những vấn đề cần được giải quyết trong công tác quản lý, vận hành các hồ chứa vừa và nhỏ do cấp xã quản lý.

Đình Nguyên (TTXVN)