06:17 25/06/2011

Thanh Hóa: 4 người chết, 10 người mất tích, thiệt hại ước tính 260 tỷ đồng do bão số 2

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền đã yêu cầu các cấp, các ngành với phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời và nhanh chóng khắc phục hậu quả để khẩn trương tập trung tiêu úng cho diện tích lúa, hoa màu bị ngập, bằng mọi biện pháp bảo vệ diện tích mạ, lúa mới cấy vụ mùa.

Chiều 25/6, UBND tỉnh Thanh Hóa họp khẩn tổng kết tình hình thiệt hại và khắc phục hậu quả do bão số 2 gây ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 23/6 đến ngày 25/6.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền đã yêu cầu các cấp, các ngành với phương châm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời và nhanh chóng khắc phục hậu quả để khẩn trương tập trung tiêu úng cho diện tích lúa, hoa màu bị ngập, bằng mọi biện pháp bảo vệ diện tích mạ, lúa mới cấy vụ mùa. Theo đó, các trạm bơm tiêu trong toàn tỉnh phải trực và vận hành hết công suất. Huyện Nga Sơn, Hà Trung vận hành các cống, âu Báo Văn, Mỹ Quan Trang, đập sông Càn đảm bảo đủ nước cho vụ mùa và tiêu úng...

Các huyện huy động nhân dân, các lực lượng quân đội trên địa bàn giúp dân khẩn trương thu hoạch diện tíc lúa đã chín và hoa màu, tìm cách khắc phục diện tích lúa, hoa màu đã bị đổ, rạp. Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa đấu mối với các đơn vị chuẩn bị và cung ứng đủ giống các loại để đảm bảo gieo trồng hết diện tích vụ mùa, nhất là các diện tích có khả năng mất trắng, trong đó đặc biệt lựa chọn những loại giống ngắn ngày như Q5, Khang Dân, TH 33, TH 34... Các huyện Nông Cống, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Triệu Sơn triển khai ngay các phương án bảo vệ cho các tuyến đê xung yếu trên sông Nhơm, sông Yên, sông Hoàng, đê sông Bưởi...

Theo báo cáo nhanh của các huyện, do ảnh hưởng của mưa bão số 2, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 4 người chết ở xã Hà Vân (huyện Hà Trung), xã Nga Văn (huyện Nga Sơn), xã Quang Lộc (huyện Hậu Lộc) và xã Mai Lâm (huyện Tĩnh Gia), 4 người này đều bị sét đánh chết trong thời gian mưa giông, gió lốc ngày 23-24/6. Lượng mưa đo được ở các địa phương trong tỉnh phổ biến từ 160-300mm, một số nơi có mưa lớn như: Chuối (Nông Cống) 388mm, Như Xuân 363mm, Bát Mọt (Thường Xuân) 351mm, Thành phố Thanh Hóa 295mm. Trên các sông xuất hiện một đợt lũ, mực nước sông Yên tại Chuối lúc 13 giờ ngày 25/6 là 3.40, xấp xỉ báo động III...

Với phương châm "xanh nhà hơn già đồng", trước, trong và sau bão số 2, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu vụ chiêm xuân đến kỳ thu hoạch đồng thời lên phương án bảo vệ diện tích mạ và hoa màu mới gieo trồng. Thanh Hóa đã thu hoạch được 100.211ha lúa (đạt 82,3% diện tích), 2.927ha lạc (đạt 25%), 7.697ha ngô (đạt 44,5%)... tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão, Thanh Hóa có 9.296ha lúa đến kỳ thu hoạch bị ngập, đổ rạp khiến năng xuất vụ chiêm xuân giảm khoảng 15-20%; 2.030ha lúa mới cấy bị ngập; 185ha mạ đã gieo bị ngập, hư hỏng và 2.289 ha lạc bị ngập úng.

Liên quan đến tai nạn tàu thuyền, ngày 23/4 tàu cá TH 90526TS công suất 170CV của gia đình ông Nguyễn Văn Hạnh (thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) đang trên đường về bến tránh bão, đến khu vực biển cách đảo Nẹ (huyện Hậu Lộc) khoảng 5 hải lý về phía Đông Bắc thì bị mất liên lạc. Trên tàu có 10 lao động. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa dã chỉ đạo các đồn biên phòng thông báo cho chính quyền địa phương ven biển, đề nghị Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Ủy Ban tìm kiếm cứu nạn Quốc gia tập trung tìm kiếm. Tuy nhiên đến chiều 25/6, vẫn chưa có thông tin liên lạc của tàu TH 90526TS cũng như các thuyền viên trên tàu. Thanh Hóa có 2 tàu bị đắm trên đường trở về đất liền, đó là tàu TH 2245, công suất 24CV của gia đình ông Nguyễn Văn Thường ở thôn Thượng Hải, xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia bị sóng đánh chìm ở khu vực Đảo Mê và tàu TH 90712 TS công suất 400CV của gia đình ông Hoàng Văn Hưởng, thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc bị sóng đánh chìm cách bờ biển huyện Quảng Xương 11 hải lý. Rất may 10 thuyền viên trên 2 tàu cá nói trên đều được các tàu bạn cứu sống và đưa vào bờ an toàn.

Mưa bão số 2 đã khiến hệ thống ta-luy dương ở xã Nghi Sơn trên tuyến đường Hồi Xuân - Tén Tằn (huyện Mường Lát) bị sạt lở nặng, 2.000m3 đất đá đã tràn ra đường gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền. Quốc lộ 217 bị ngập ở huyện Quan Sơn. Ngoài ra, một số công trình cầu tràn ở một số huyện miền núi Thanh Hóa đã bị ngập do mưa to. Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa đã nhanh chóng khắc phục các sự cố nói trên. Đến trưa 25/6, giao thông trên các tuyến đường ở Thanh Hóa đã hoàn toàn thông suốt.

Ngoài ra, Thanh Hóa có 70 nhà dân bị ngập, hư hỏng, tốc mái; 1.700m đê sông, đê bao bị tràn, sạt lở; 165ha nuôi trồng thủy sản bị tràn.... Tổng thiệt hại ước tính khoảng 260 tỷ đồng.

Hoa Mai