03:10 07/03/2011

Thành công trên con đường chông gai

Như thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm Ngày quốc tế phụ nữ, ngày 8/3/2011, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia sẽ trao giải cho 2 nhà khoa học nữ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên.

Như thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm Ngày quốc tế phụ nữ, ngày 8/3/2011, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia sẽ trao giải cho 2 nhà khoa học nữ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Nỗ lực không ngừng, đam mê nghề nghiệp nhưng không hề rời xa thực tế, đó là những phác thảo về 2 nhà khoa học nữ đoạt giải năm nay.

Tâm huyết với lĩnh vực “nhận dạng”

Ngày còn là cô bé học trò cấp I, PGS.TS Lương Chi Mai, Phó Viện trưởng kiêm Trưởng phòng Nhận dạng và Công nghệ tri thức-Viện Công nghệ thông tin (CNTT), Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chưa bao giờ nghĩ có ngày sẽ được nhận Giải thưởng mang tên nhà nữ toán học người Nga - Sophia Kovalevskaia mà mình hằng ngưỡng mộ qua cuốn sách “Một số phận vinh quang và cay đắng”.

PGS.TS Lương Chi Mai. Ảnh: Thái Bình-TTXVN


Yêu toán từ nhỏ, khi nhập học Trường Đại học Tổng hợp Kishinhốp, Mondavia (Liên Xô cũ) năm 1976, chị quyết định chọn Khoa Toán ứng dụng. Tốt nghiệp, chị về công tác tại Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (nay là Viện CNTT), khởi đầu chặng đường hơn 20 năm nghiên cứu về nhận dạng.

Ngay từ những năm 1980, khi lý thuyết nhận dạng còn mới mẻ ở nước ta, PGS.TS Lương Chi Mai đã bắt đầu tìm hiểu bài toán nhận dạng (một lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo), tập trung vào 3 lĩnh vực: Nghiên cứu các cách tiếp cận phân loại dữ liệu không gian và nhận dạng ảnh (từ năm 1982); nhận dạng ký tự quang học tập trung cho nhận dạng ký tự Việt (từ 1994); nhận dạng tiếng nói và xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt (từ năm đầu năm 2000).


Các nghiên cứu của chị tập trung vào việc tìm giải pháp cho một số vấn đề đang được quan tâm trong lĩnh vực nhận dạng, tập trung giải quyết một số vấn đề nghiên cứu ứng dụng ở Việt Nam.

Với sự giúp đỡ của các bậc đàn anh, đồng nghiệp, từ nghiên cứu lý thuyết cơ bản, các nghiên cứu của chị đã đề xuất được phương pháp, giải pháp, tạo ra công cụ để phục vụ thử nghiệm trong thực tế. Đáng nhớ nhất là phần mềm nhận dạng chữ Việt in với tên gọi VNDOCR do chị góp phần thiết kế, phát triển, đã được nhận giải Nhất VIFOTEC năm 1999.


Với phần mềm này, lần đầu tiên ở Việt Nam đã giải quyết cơ bản vấn đề máy đọc được các văn bản chữ Việt in, đáp ứng nhu cầu về tự động hóa lưu trữ, xử lý các văn bản chữ Việt trong tình hình bài toán về nhận dạng chữ Việt in, đặc biệt là dấu tiếng Việt. Đến nay, VNDOCR là một trong số hiếm đề tài nghiên cứu khoa học tồn tại được ngoài phòng thí nghiệm và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người sử dụng.

Khi các điều kiện nghiên cứu đã chín muồi, từ năm 2000, chị đã chuyển hướng sang lĩnh vực nhận dạng tiếng nói tiếng Việt. Đây là một nghiên cứu rất thiết thực bởi lẽ nhu cầu giao tiếp với máy tính bằng tiếng Việt đang ngày càng cấp thiết, không thể lúc nào cũng sử dụng các phần mềm nhận dạng và tổng hợp tiếng nói với tiếng Anh.


Đến nay, chị đã đạt được những thành công bước đầu trong việc số hóa tiếng Việt với những đặc trưng nổi bật của ngôn ngữ có thanh điệu. Những đóng góp này không chỉ giúp cho việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt mà còn giúp cho quá trình dịch tiếng nói sang tiếng nói giữa 8 ngôn ngữ chính ở châu Á trong khuôn khổ A-STAR.

Đến nay, PGS. TS Lương Chi Mai đã tham gia nghiên cứu 48 công trình, đồng tác giả của 4 cuốn sách và tài liệu tham khảo.

“Bạn của nhà nông”

TS. Nguyễn Thị Lộc, Trưởng Bộ môn Phòng trừ sinh học, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long là người đã có hơn 30 năm nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ cho nền nông nghiệp nước nhà. Nhắc đến chị là nhắc đến nhà khoa học nữ có nhiều sáng kiến cải tạo kỹ thuật trong nghiên cứu khoa học, được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lộc kiểm tra các chế phẩm sinh học. Ảnh: Thái Bình-TTXVN


Những nghiên cứu điển hình của chị là 2 quy trình sản xuất 2 chế phẩm trừ sâu sinh học (M.a và B.b) được công nhận là tiến bộ kỹ thuật cấp Bộ; 2 loại thuốc trừ sâu sinh học được đưa vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật (Omerta va Biovip) được sử dụng rộng rãi ở các tỉnh, thành phía Nam. Hai chế phẩm này đã được nhận giải thưởng Bông lúa vàng.


Không dừng lại ở đó, TS Nguyễn Thị Lộc cũng đã nghiên cứu cải tiến 2 quy trình sản xuất 2 chế phẩm trên với quy mô lớn (công suất 3 tấn/tháng), chất lượng và hiệu quả cao, hòa tan được trong nước, rất tiện dụng cho bà con nông dân, góp phần tích cực trong quản lý rầy nâu hại lúa tại đồng bằng sông Cửu Long 5 năm qua. Nhiều quy trình quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa, rau màu, cây ăn quả và cây mía do chị nghiên cứu, đề xuất, chuyển giao đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.


Nông dân ở các vùng trọng điểm của đồng bằng sông Cửu Long đã được hưởng lợi từ 5 quy trình “trồng rau an toàn” cho 5 loại rau chủ lực mà chị chuyển giao với hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái.

2 năm trở lại đây, TS Nguyễn Thị Lộc đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất nhanh chế phẩm trừ sâu sinh học Omerta ở quy mô nông hộ, tập huấn chuyển giao cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và bà con nông dân thuộc nhiều tỉnh, thành tại đồng bằng sông Cửu Long, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất cho nông dân hàng ngàn tỉ đồng.

Nỗ lực không ngừng và say mê nghiên cứu khoa học, những đóng góp của TS Nguyễn Thị Lộc, đã được ghi nhận xứng đáng. Chị tâm sự, sẽ phấn đấu nhiều hơn nữa để có thêm nhiều công trình mới trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm góp phần vào sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam.

Thanh Hòa