10:10 08/10/2020

Thành công của Vĩnh Phúc trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, vấn đề tổ chức sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở tỉnh Vĩnh Phúc được đánh là một thành công lớn, một trong những thành tựu nổi bật của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020.

Chú thích ảnh
Khu vực vòng xoay Bưu điện tỉnh Vĩnh Phúc gắn cờ, hoa, tiểu cảnh trang trí đẹp mắt chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh sắp tới . Ảnh: Hoàng Hùng /TTXVN

Theo tính toán sơ bộ, kinh phí tiết kiệm được do tổ chức sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở tỉnh Vĩnh Phúc lên tới 285 tỷ đồng/năm. Hàng loạt xe công đã được tỉnh thu hồi; hàng chục trường học được sáp nhập do số lượng học sinh, sinh viên thiếu hụt so với kế hoạch, quy mô đào tạo.

Tỉnh Vĩnh Phúc đang tiếp tục kiểm tra rà soát, rút kinh nghiệm công tác tổ chức sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế để có những biện pháp điều chỉnh sao cho phù hợp nhất; đồng thời làm tốt công tác chính sách cán bộ, bảo đảm quyền lợi cho người thực hiện tinh giản biên chế theo quy định. Tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng bộ máy, biên chế tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong tình hình hiện nay.

Liên tiếp trong những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các huyện, thị, thành và ngành chức năng tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc giai đoạn 2016 - 2021 cùng có nội dung chương trình nhằm thực hiện trên toàn địa bàn tỉnh. Nhờ đó, công tác triển khai thực hiện có nhiều thuận lợi, được nhiều cán bộ, nhân dân... đồng tình hưởng ứng và đã đạt được thành công lớn, chuyển biến tích cực. 

 Ông Phạm Hoàng Anh, Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên cho biết: Thành phố Vĩnh Yên là địa phương điển hình và đồng hành cùng với tỉnh trong công tác sắp xếp, tinh giản biên chế. Vĩnh Yên đã xây dựng đề án, đưa ra lộ trình triển khai, thực hiện cụ thể. Từ năm năm 2017, thành phố giải thể Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình và chuyển về trực thuộc Phòng Y tế thành phố; giải thể Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư và chuyển về trực thuộc Phòng Kinh tế; sáp nhập Đài Truyền thanh - Truyền hình và Trung tâm Văn hóa thông tin thành Trung tâm Văn hóa, thông tin, thể thao; sáp nhập Ban Quản lý chợ Tổng với Ban Quản lý chợ Vĩnh Yên. Giai đoạn 2017-2020, tỉnh sáp nhập Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và giao tự chủ một phần kinh phí hoạt động. Đối với lực lượng không chuyên trách, Vĩnh Yên bố trí 8 người/xã; 5 người/thôn, tổ dân phố. Các chức danh còn lại sẽ bố trí kiêm nhiệm.  

Ngay sau khi Đề án số 01-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành,  Huyện ủy Vĩnh Tường đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban; đồng thời xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án. Vĩnh Thường đã tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện đề án tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tạo được sự đồng thuận, quyết tâm cao. Nhờ đó, sau 4 năm triển khai thực hiện, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, sáp nhập đơn vị hành chính và thực hiện chính sách cán bộ trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đã đạt được những kết quả tích cực, có nội dung vượt tiến độ đề ra. Năm 2017, huyện đã sáp nhập Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Ban Dân vận Huyện ủy, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện thành Ban Tuyên giáo - Dân vận Huyện ủy (là đơn vị duy nhất trong tỉnh thực hiện); sáp nhập Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Đài Truyền thanh thành Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao (giảm được 3 đầu mối đơn vị). Từ năm 2018 đến nay, huyện đã bàn giao Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình về Trung tâm Y tế huyện; bãi bỏ Phòng Y tế cấp huyện, chuyển chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về y tế về Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện đảm nhiệm.

Bên cạnh đó, huyện Vĩnh Tường sáp nhập, hợp nhất 20 trường học thành 10 trường ở các xã: Bình Dương, Kim Xá, Vĩnh Thịnh, An Tường, Bồ Sao, Tân Cương, Phú Thịnh, Tam Phúc, Vũ Di và thị trấn Thổ Tang; sáp nhập 21 thôn, tổ dân phố (tại 6 xã, thị trấn: Vân Xuân, Vĩnh Thịnh, Ngũ Kiên, Bồ Sao, Yên Lập và thị trấn Vĩnh Tường) có quy mô dân số và quy mô diện tích tự nhiên dưới 50% theo quy định tại Thông tư 14/2018/TT-BNV của Bộ Nội vụ, thành 10 thôn, tổ dân phố. Huyện sáp nhập xã Tân Cương và xã Phú Thịnh thành xã Tân Phú theo Nghị quyết số 868/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Đến nay, huyện Vĩnh Tường có 16/28 xã, thị trấn thực hiện chủ trương cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương (đạt 57,1%) gồm các chức danh Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Đảng ủy...Số biên chế khối Đảng, đoàn thể, chính quyền cấp huyện ở Vĩnh Tường hiện nay đã giảm gần 20% so với năm 2016 (thời điểm trước khi thực hiện Đề án).

Theo ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Qua 4 năm thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Vĩnh Phúc đã giảm 227 đầu mối cấp phòng, giảm 150 lãnh đạo; tinh giảm được 2.822 biên chế và 11.415 người hoạt động không chuyên trách. Tỉnh xóa bỏ cơ chế đặc thù của 16/19 tổ chức hội; thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe công cho lãnh đạo cấp phó các Ban xây dựng Đảng và Văn phòng Tỉnh ủy. Trong công tác cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiên quyết thay thế, điều động, cho thôi chức vụ đối với cán bộ có tín nhiệm thấp hoặc không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời, có nhiều giải pháp hiệu quả cao trong tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ.

Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN)