11:13 24/11/2011

Thăng trầm làng nghề đan cót bên dòng Lô Giang

Cót Xuân Hòa một thời đã trở thành “thương hiệu” có tiếng ở Tuyên Quang. Trải qua bao thăng trầm, nghề đan cót Xuân Hòa đang có nguy cơ bị “xoá sổ” và hiện nay đang “thoi thóp” tồn tại.

Sau hơn một năm lên thành phố, bộ mặt Tuyên Quang đang thay đổi từng ngày, các tuyến đường, con phố được đầu tư nâng cấp, khang trang hơn, sầm uất hơn. Tuy nhiên, hòa trong ồn ào của đô thị đang trên đà phát triển, vẫn có một con phố như tách ra khỏi cái xô bồ, sầm uất thường ngày, đó là phố Xuân Hòa, nằm bình yên bên dòng Lô Giang.

Xuân Hòa là một trong những con “phố cổ” của Tuyên Quang. Theo những người cao tuổi kể lại, trước đây Xuân Hòa là một trong những con phố sầm uất nhất, bởi có bến đò vận chuyển hàng hóa, nông sản từ thượng nguồn về và có HTX sản xuất cót tấm 19/8, ngày đó nghề đan cót còn thịnh hành nên thu hút dân cư từ khắp nơi đến học nghề rồi định cư. Do mang lại lợi nhuận kinh tế mà nhà nhà đua nhau làm cót, tạo nên không khí lao động, sản xuất hăng say. Cót Xuân Hòa đã trở thành “thương hiệu” có tiếng một thời ở Tuyên Quang. Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm, nghề đan cót Xuân Hòa đang có nguy cơ bị “xoá sổ” và hiện nay đang “thoi thóp” tồn tại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ghé qua một đại lý chuyên kinh doanh cót tấm ở đường Quang Trung (thành phố Tuyên Quang), bà chủ cửa hàng cho biết, muốn mua cót đẹp ở Tuyên Quang cứ đến phố Xuân Hòa. Tuy nhiên, đi hết con phố dài hơn 1km, chỉ thấy lác đác trên dưới 10 gia đình phơi nan, đan cót…, các gia đình còn lại đã chuyển sang kinh doanh, buôn bán các mặt hàng khác. Và một điều dễ nhận thấy là bên cạnh những ngôi nhà cao tầng khang trang, những gia đình còn duy trì nghề đan cót đều sống trong những ngôi nhà đã xuống cấp.

Để tìm hiểu thêm về nghề đan cót vốn hưng thịnh một thời ở con phố này, chúng tôi tìm đến gia đình ông Trần Đình Tá và bà Vũ Thị Tuyết, ở tổ 14, Xuân Hòa, hai ông bà năm nay 73 tuổi, nhưng đã có thâm niên gắn bó với nghề gần 60 năm. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng hàng ngày hai ông bà vẫn cần mẫn pha nan đan cót. Trao đổi với chúng tôi về nghề, ông Tá cho biết: Trước đây khu phố này sầm uất lắm, không hiu hắt như bây giờ, kẻ dưới thuyền, người trên bến vận chuyển tre, gỗ, nứa, luồng từ thượng nguồn về, người ta chen chúc nhau mua nguyên liệu, rồi lại chất cót lên thuyền chở về “xuôi” tiêu thụ. Những ngày nắng tạnh ráo, cót được mang ra phơi vàng rực cả một con phố. Tuy nhiên, hiện nay thị trường tiêu thụ dần thu hẹp, bởi người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn, nguyên vật liệu tăng giá, nhưng giá sản phẩm không tăng, nên những gia đình ở khu phố này đều bỏ nghề để tìm hướng làm ăn khác.

Gia đình ông Tá sinh được 7 người con, cả 7 người đều được ăn học tử tế nhờ nghề đan cót truyền thống của gia đình, tuy nhiên, hiện nay không ai theo nghề này nữa, hiện tại chỉ còn 2 ông bà già hết tuổi lao động còn làm cầm cự. Theo tính toán của ông, một ngày làm việc miệt mài, trừ tiền mua vật liệu cả 2 ông bà chỉ lãi chừng 30.000 đồng, đủ tiền mua mớ rau, miếng trầu. Đó là vào những mùa tiêu thụ dễ, còn mùa mưa, cót đan xong lại chất vào góc nhà không tiêu thụ được. Để có thêm thu nhập, ngoài đan cót, những lúc rảnh rỗi hoặc có ai đặt hàng ông Tá còn làm cả thang, lồng gà, rồi những dịp Rằm tháng 7 ông nhận làm hàng mã cho các đại lý lớn trên địa bàn. Dù đã chạm cái tuổi xưa nay hiếm, lưng còng hơn, nhưng đôi vợ chồng già vẫn không để tay chân ngơi nghỉ, kiếm thêm thu nhập là một lẽ, ông bà còn làm vì cái “nghiệp” không dễ gì từ bỏ.

Rời gia đình ông Tá, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Tiến, tại đây không khí làm việc có vẻ nhộn nhịp hơn, bên khay nước, cơi trầu là những người bạn già vừa hàn huyên tâm sự, vừa nhoay nhoáy pha nan, đan cót. Ông Tiến cho biết, họ là những người bạn cùng xóm, trước đây cùng làm HTX đan cót 19/8, giờ con cháu không cho làm nữa, “nhớ nghề” nên thỉnh thoảng lại tụ tập sang hàng xóm vừa hàn huyên kỷ niệm cũ, vừa đan cót cho vui. Tuy cuộc sống không lấy gì làm giàu sang, nhưng nhờ nghề này ông bà cũng nuôi 4 người con khôn lớn, trưởng thành, ai cũng có nghề nghiệp ổn định. Ông Tiến còn cho biết, mỗi lần về thăm bố mẹ, các con cháu đều khuyên ông bỏ nghề nghỉ ngơi, dưỡng già, nhưng ông không thể bỏ cái nghiệp đã gắn với ông gần 50 năm nay  .

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Thăng - Trưởng phòng Kinh tế thành phố Tuyên Quang cho biết: Để “cứu” các làng nghề truyền thống đang có nguy cơ “xoá sổ” trên địa bàn thành phố, trong đó có nghề đan cót ở phố Xuân Hòa, thành phố đã quy hoạch được các cụm sản xuất tiểu, thủ công nghiệp tập trung. Hiện thành phố đã hoàn thành quy hoạch xong 2 cụm sản xuất tiểu, thủ công nghiệp với các nghề chế biến nông, lâm sản, sửa chữa cơ khí... tại xóm 1, phường Tân Hà và xóm 16, 17 phường Nông Tiến. Để từng bước vực lại thương hiệu cót Xuân Hòa nổi tiếng một thời, thành phố Tuyên Quang đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công tỉnh Tuyên Quang, mở nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, từng bước quy hoạch thành các vùng sản xuất cót tấm tập trung ở những xã có sẵn nguồn nguyên liệu, đồng thời có cơ chế chính sách hỗ trợ người làm nghề và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Giữ những phố nghề truyền thống và mở rộng những phố nghề, làng nghề mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thành phố Tuyên Quang đặt ra trong thời gian tới.

Khiếu Thư