02:14 09/02/2011

Tháng Giêng khởi sự mọi điều

Tôi là một người luôn mang những dự cảm về mùa và lấy đó làm niềm vui của cuộc sống bộn bề, coi đó là một ân huệ mà ông trời ban phát cho mình trải qua những năm tháng nhọc nhằn thuở nhỏ.

Tôi là một người luôn mang những dự cảm về mùa và lấy đó làm niềm vui của cuộc sống bộn bề, coi đó là một ân huệ mà ông trời ban phát cho mình trải qua những năm tháng nhọc nhằn thuở nhỏ. Đối với tôi mỗi một ngày trôi qua bản thân nó đã là một kí tự, một thanh âm nhiều màu sắc.


Vì thế muốn hiểu được mùa vụ phải luôn luôn lắng nghe trong mỗi thời khắc của ngày. Mùa hạ là sự đốt cháy của nỗi nhớ, mùa đông là tự thú tâm linh, mùa thu là thành thật của cảm xúc, mùa xuân hứng khởi vạn điều và trong mùa xuân của đất trời, của lòng người thì tôi luôn coi tháng Giêng bắt đầu cho mọi công việc và dự định. Tôi viết về tháng Giêng trong tôi với những buồn vui, trải nghiệm để được hy vọng rằng mỗi mùa xuân mỗi mới sẽ bắt đầu từ chính suy nghĩ mới.

Tôi thích tính ngày tháng theo lịch âm bởi một phần nó gắn với biết bao nhiêu kỉ niệm tuổi thơ về những ngày Tết nhỏ trong năm của riêng người Việt, hơn nữa bản thân tôi quan niệm rằng mọi thay đổi của vạn vật, đất trời xung quanh trùng khớp với lịch âm như ông bà tổ tiên ta dạy lại.

Tháng Giêng bắt đầu cho tất cả mọi nhà là cái Tết tề tịu, sum vầy. Người ta có thể nghỉ từ hai nhăm, hai bảy, ba mươi tháng mười hai âm lịch để đi vui chơi, mua sắm. Để cả làng rộn ràng nấu bánh chưng, mổ lợn, tảo mộ, dọn nhà…


Nhưng thật ra đó vẫn chưa phải là Tết cho đến tận khi ba chiếc kim đồng hồ chụm một trong đêm giao thừa để bước sang ngày đầu tiên của năm mới. Đấy! Tết bắt đầu từ khi ấy. Tháng Giêng cũng là thời khắc báo hiệu trời đất giao mùa. Có thể thời tiết vẫn cứ lạnh, người người ra đường vẫn quàng khăn, đùm áo nhưng nàng Xuân đã về, có chăng chỉ còn lưu luyến với mùa đông cho thêm nồng nàn hơi sắc.

Tháng Giêng, người ta bắt đầu một năm mới bằng việc đón người xông nhà, với quan niệm về tuổi tác, tính tình, căn số sẽ mang lại nhiều may mắn cho gia chủ trong năm mới. Người ta đến thăm nhau chỉ chúc nhau những điều tốt đẹp: Làm ăn mưa thuận gió hòa, học hành tấn tới, sản xuất bằng năm bằng mười…


Sau mấy ngày Tết, trẻ con lại đến trường, nông dân lại ra đồng, đàn ông uống rượu ít thôi còn làm cái nóc nhà, đàn bà ngoan hiền làm vợ đảm. Thế đấy, Tết tạo cho con người ta sự hứng khởi, nhẹ nhõm.


Dẫu ở biết bao nhiêu mái nhà sau Tết là hàng vạn những nỗi lo tiền bạc, mùa vụ, công việc thì Tết vẫn rất cần để họ được xả hơi. Các cụ đã bảo rồi “Tháng Giêng là tháng ăn chơi…”, không đúng hoàn toàn nhưng cấm có sai.

Mỗi lần nghỉ Tết, ăn ngán bánh chưng, dưa hành, thịt mỡ xong là tôi lại theo mẹ xuống đồng cắm cây lúa ươm mầm cho mùa vụ. Dẫu thời tiết ở vùng Trung du Bắc bộ lúc này còn lạnh nhưng cây mạ cũng phải bắt đầu một thời kỳ mới, cắm rễ xuống đồng sâu để đợi mùa trổ đòng, thơm bông, vàng hạt.


Chỉ sau Tết vài ngày là cánh đồng bạc trắng trước nhà đã thay da đổi thịt bởi màu xanh non, nõn nà của mạ. Nhìn cánh đồng mới cấy, bao người nông dân bắt đầu trông ngóng, chờ mong “Mùa này bội thu, mùa này căng hạt”. Yêu thương thay nỗi chờ mong đẹp vàng như cánh đồng mơ ước.

Học sinh, sinh viên chúng tôi (nếu như năm cũ đứa nào cũng chỉ chực ngày nghỉ Tết) lại bắt đầu một năm mới với biết bao nhiêu dự định. Phải cố gắng tất cả mọi thứ để đừng bị xui trong suốt một năm dài.


Nào thì năm nay phải học môn này tốt hơn để đừng thi đi thi lại lẹt đẹt mãi, nào thì năm nay sắp ra trường phải cố gắng học thật tốt, tạo dựng mối quan hệ tốt để kiếm một chỗ trú chân…Tất cả những dự định ấy đều với mục đích khắc phục những khó khăn, giải quyết những nỗi lo còn tồn đọng trong năm cũ. Như thế, ai bảo tháng Giêng không phải sự khởi đầu?

Dường như vẫn còn nhiều lắm cái dư vị của ngày Tết, nên dù bận rộn biết bao nhiêu dự định thì thi thoảng bạn bè lại rủ nhau tụ tập hội hè đâu đó. Và biết đâu đó không chỉ đơn thuần là giảm stress, mà trong các cuộc vui như thế bắt đầu cho biết bao nhiêu mối quan hệ, trao đổi công việc. Mọi chuyện lại được bắt đầu.

Không chỉ là con người với những khởi sự của riêng mình và đâu đó xung quanh chúng ta vạn vật cũng tìm ra cho mỗi loài một sự khởi sự rất riêng. Những cây đào nhà khi hoa rụng xuống, lấp ló trong những chiếc lá xanh là chiếc quả nhỏ tí, phun phún lông vẫn còn e thẹn lắm.


Bà tôi ngày nào cũng ra chóp nó vài ba bận thế mà quả lớn phổng phao lúc nào làm giật mình tuổi già lẫn lẫn, quên quên. Mỗi mùa đào đi qua bà tôi xa tôi một tấc. Thế nên bao giờ cầm trên tay quả đào đã chín mà bà chọn hái để phần, tôi cũng buồn nao nao khó tả.

Vườn nhà bà không chỉ có đào mà còn biết bao nhiêu là nhót, tháng Giêng cũng bắt đầu chồi ra từ cành những quả nhỏ trông như nhúm thịt thừa. Đấy là bà bảo ngày nhỏ tôi vẫn thường ví von như thế.


Cây roi cuối vườn cũng không chịu được sự lặng lẽ của giống loài cũng căng mình ra hoa kết trái, nhìn từ xa chùm roi nhỏ trông trắng xinh như những chùm hoa cài điểm tô cho khu vườn nhỏ của bà. Mỗi khi con cháu về lễ Tết rồi đi xa bà vẫn thường hẹn rằng “Thư thư ra giêng các cháu lại về bà hái roi cho nhé, nhờ trời roi năm nay sai lắm. Mùa này về chẳng phải tranh nhau đâu con ạ”.

Tôi vẫn thích nhất mỗi lần trở về được đi thăm vòng quanh vườn chè của mẹ. Chỗ nào cũng như bắt gặp bàn tay mẹ chăm bón, hái trồng cần mẫn những ngày tôi xa vắng.


Tháng Giêng này sau một thời gian dài “trú đông” đồi chè bắt đầu tỉnh giấc, giật mình nhận ra phận sự của mình, có lẽ xấu hổ lắm lắm trước muôn loài vì sự chậm trễ, lười nhác của mình nên đồi chè hồi sinh nhanh lắm. Mới hôm nay các lá còn xoăn như ngái ngủ mà sáng mai thức giấc ra thăm đã thấy mầm nhú trong từng kẽ lá. Đó là điều kì diệu nhất của thiên nhiên.

Thế đấy, tháng Giêng trong tôi lúc nào cũng sinh sôi nảy nở, có ngon ngọt của đào, roi, thì cũng có đắng chua của nhót vườn bà là thế. Tôi có đôi khi cũng giống như đồi chè ngủ đông quên ngày tháng, cũng có lúc giật mình tiếc ngẩn ngơ từng khắc thời gian.


Và tháng Giêng bao giờ cũng là thời điểm để tôi bắt đầu cho mọi dự định của mình vì thế nó có nhiều ý nghĩa, khiến tôi bận rộn nhiều khi không còn thời gian để dỗi hờn vu vơ, để buồn vui vô cớ nữa. Sẽ hoài phí biết bao nếu để những mùa xuân trôi qua cuộc đời mình vô nghĩa, nếu như mỗi chúng ta không biết dừng lại một đoạn đường để rồi tự tạo cho mình sự khởi đầu của một cuộc hành trình mới. Nhớ ngày xưa mẹ vẫn thường hát ru em tôi rằng:

“…Tháng Giêng lúa cấy ngoài đồng Công vợ, công chồng đợi lúa trổ bông…” 21/1/2009

Tản mạn của Vũ Thị Huyền Trang