04:16 28/04/2022

Tháng Công nhân 2022: Tăng lương tối thiểu cũng chính là đầu tư cho sản xuất

Việc tăng lương tối thiểu vùng trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế có ý nghĩa to lớn để người lao động tiếp tục cống hiến, đồng hành cùng doanh nghiệp sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Bùi Giang/TTXVN

Dù còn một số ý kiến trái chiều nhưng đa số người dân và doanh nghiệp đều đồng tình và cho rằng, việc tăng lương tối thiểu trong thời điểm này là hoàn toàn phù hợp. 

Tiền lương cần tương xứng với năng suất lao động

Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3/2022 cho thấy, nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Hầu hết những gia đình công nhân sẽ rơi vào khó khăn, túng quẫn ngay cả khi họ không làm thêm giờ.

Theo thống kê của Viện Công nhân và Công đoàn, công nhân trong doanh nghiệp hiện nay chỉ chiếm khoảng 15% dân số và khoảng 27% lực lượng lao động xã hội, nhưng đã đóng góp trên 75% ngân sách và trên 65% GDP của cả nước. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm việc làm, nâng cao mức sống và từng bước cải thiện điều kiện làm việc của công nhân. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách kéo dài mà chưa được quan tâm, giải quyết thỏa đáng. Đặc biệt, qua hơn 2 năm đại dịch diễn ra, những vấn đề đó tiếp tục được "lật tung" lên và hiện ra rõ hơn, trầm trọng hơn: Tiền lương thấp và thiếu tích lũy; việc làm, thu nhập bấp bênh; nhà ở và điều kiện sinh hoạt, giáo dục, y tế khó khăn; an sinh và phúc lợi xã hội thiếu bảo đảm. Theo kết quả khảo sát năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn, có 5% người được hỏi cho biết rất ít khi trong bữa ăn của họ có thịt cá (chỉ khoảng 1- 2 lần/tuần) và 34% cho biết thỉnh thoảng (3 lần thịt cá/tuần); 41% cho biết họ chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản, không dám đi khám bệnh vì không có tiền.

Tiến sĩ Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết: Ở Việt Nam, mức lương tối thiểu vùng được thiết lập chủ yếu chỉ đảm bảo mức sống tối thiểu về mặt sinh học, tuy nhiên, với cú sốc như đại dịch COVID-19 và tình trạng tăng giá như hiện nay, đặt ra yêu cầu cần tính toán và xây dựng mức lương đủ để bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Mức lương tối thiểu thấp khiến người lao động bị vắt kiệt sức lao động khi buộc phải đăng ký tăng ca, làm thêm để có thể duy trì cuộc sống tối thiểu (hầu như không có tích lũy, dự phòng). Những vấn đề về thời giờ nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc, giáo dục con cái, chăm sóc cha mẹ, thụ hưởng giá trị cuộc sống và thành quả lao động… gần như chưa được đưa vào một cách đầy đủ để tính toán mức lương tối thiểu vùng.

Phân tích dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu về vấn đề lao động, việc làm, Tiến sĩ Vũ Minh Tiến cho rằng, công nhân lao động phải được bảo đảm cuộc sống, nghĩa là sống để làm việc, chứ không phải làm việc để sống. Do đó, họ cần được bảo đảm tiền lương để chi trả cuộc sống bản thân và gia đình họ, chứ không bị vấn đề cơm, áo, gạo tiền luôn đè nặng trong tâm trí. 

"Khi tiền lương được quan tâm và tương xứng với năng suất, sự cống hiến thì người lao động sẵn sàng làm việc với năng suất, chất lượng, hiệu quả, mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn hơn cho doanh nghiệp", Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Minh Tiến khẳng định. 

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh cũng cho rằng, tiền lương đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước cũng như doanh nghiệp. Để có chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta phải có đội ngũ lao động tốt, nghĩa là phải chăm sóc để người lao động có cuộc sống tốt, nâng cao trình độ. Tiền lương là giải pháp đầu tiên để đạt được mục tiêu đó. 

Theo Tiến sĩ Đỗ Quỳnh Chi- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động, doanh nghiệp và người lao động cần nhìn nhận vấn đề tăng lương theo kiểu "người lao động được hưởng mức lương cao hơn và doanh nghiệp cũng được hưởng lợi nhiều hơn". Nữ chuyên gia cũng phân tích rằng, trong 2 năm đại dịch, người lao động đã phải hứng chịu nhiều nỗi khổ cả về vật chất lẫn tinh thần. Tỉ lệ bị bạo lực gia đình trong công nhân may, giày da tăng gấp đôi so với trước đó cũng xuất phát từ những khó khăn do thiếu việc làm, thu nhập giảm sút. 

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho hay, trong quan hệ lao động, người sử dụng lao động và người lao động cùng đang gặp khó khăn, phải tiết kiệm từng đồng. Theo quan điểm của ông Hiểu, dù tăng lương là tăng chi phí cho doanh nghiệp, nhưng đó chính là khoản đầu tư sinh lời mạnh bởi nó giúp người lao động có thêm hứng thú và động lực để làm việc với năng suất cao hơn, chất lượng tốt, giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, bền vững hơn. 

Cân đối hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động

Tại phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa qua, tất cả 17 thành viên hội đồng đã đồng ý tăng lương tối thiểu thêm 6%, trong đó có 15 phiếu đồng ý tăng từ ngày 1/7 năm nay và 2 phiếu đồng ý tăng từ ngày 1/1/2023. Hội đồng sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1/7 và có thể báo cáo thêm nội dung các phiên thảo luận để tham khảo. Nhiều doanh nghiệp ủng hộ nhưng vẫn còn những ý kiến cho rằng, việc xác định thời gian tăng lương chưa phù hợp do quá gấp, doanh nghiệp chỉ còn khoảng 2 tháng để chuẩn bị cho việc tăng lương.

Đứng trên lập trường của các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp đã gửi kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng đến ngày 1/1/2023 thay vì 1/7/2022 như hiện nay. Các hiệp hội nêu lý do trong 2 năm 2020-2021, dịch bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến doanh nghiệp, làm họ khó khăn, kiệt quệ. Việc lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng sẽ giúp doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất. Các hiệp hội cũng cho rằng, khó khăn do dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc khi lao động là F0 tiếp tục xuất hiện, làn sóng biến chủng mới vẫn đe dọa sản xuất. 

Một số doanh nghiệp nêu ý kiến, khi điều chỉnh tiền lương, chi phí đi kèm tăng lên không hề nhỏ, đặc biệt là với những doanh nghiệp sử dụng tới 45.000 lao động. Chưa kể số doanh nghiệp sử dụng khoảng 10.000 người lao động trên cả nước hiện rất nhiều, do đó, việc quyết định tăng lương cần có thời gian chuẩn bị. Nêu quan điểm về vấn đề này, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cần sự chia sẻ từ cả hai bên để doanh nghiệp và người lao động hiểu và thông cảm cho nhau, cùng bắt tay vì sự phát triển chung. Trong thời gian tới, Liên đoàn sẽ tiếp tục tuyên truyền, giải thích, vận động doanh nghiệp cùng nỗ lực để chia sẻ khó khăn với người lao động. 

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Changshin Việt Nam là doanh nghiệp có trên 30.000 công nhân lao động ở Đồng Nai cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, nhưng lãnh đạo công ty rất ủng hộ việc tăng lương trong thời điểm này vì cho rằng, người lao động cần được động viên kịp thời sau một quãng thời gian bị thiếu hụt thu nhập. Ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch Công đoàn Công ty cho rằng, mức tăng dự kiến từ 1/7 tới đây cũng chưa nhiều, mới bù đắp được một phần khó khăn cho người lao động. 

"Lúc này cần quan tâm tới người lao động nhất, tăng thời điểm này là hợp lý. Hiện nay, doanh nghiệp của chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn kế hoạch để tăng lương cho người lao động, kèm theo đó là các hoạt động chăm lo cho người lao động trong tháng công nhân", ông Tú nói.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực lao động, việc làm cho rằng, tăng lương sớm có lợi cho đôi bên, dù doanh nghiệp gặp khó khăn ban đầu trong sản xuất. Các hiệp hội doanh nghiệp có quyền kiến nghị, song phương án đã được Hội đồng Tiền lương quốc gia quyết định dựa trên số phiếu của đông đảo thành viên, việc còn lại là trình Chính phủ thông qua. Nhiều ý kiến phân tích, doanh nghiệp cần khắc phục khó khăn trước mắt để chuẩn bị cho thời điểm tăng lương từ ngày 1/7, bởi đây cũng là cách giữ chân lao động ở lại nhà máy trong bối cảnh thiếu hụt nhân công. 

Phân tích dưới góc độ của tổ chức Công đoàn, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho biết, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, vừa tạo điều kiện cho người lao động sớm cải thiện cuộc sống, vừa hỗ trợ tích cực cho hai bên trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, hạn chế thấp nhất các tranh chấp lao động tập thể, đình công phát sinh. Việc này được thực hiện sớm cũng góp phần động viên tinh thần người lao động, giảm thiểu tình trạng ngừng việc tập thể, và quan trọng hơn là xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định cả trước mắt lẫn lâu dài. 

Các cán bộ công đoàn chia sẻ, việc tăng lương tối thiểu vùng thời điểm hiện nay là phù hợp, đáp ứng mong muốn của người lao động, do sau đại dịch COVID-19, cuộc sống người lao động gặp rất nhiều khó khăn khi các chi phí thiết yếu như xăng dầu, vật giá... đều tăng. Tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động vừa để bù trượt giá, vừa cơ bản bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, bù đắp cho các khoản sinh hoạt phí khác tăng cao trong thời gian qua. Quan trọng hơn, việc tăng lương tối thiểu vùng sớm cũng được xem là giải pháp thu hút người lao động trở lại các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất để tiếp tục làm việc sau thời gian phải trở về quê tránh dịch…

Đỗ Bình  (TTXVN)