03:09 20/03/2012

"Tháng ba nhớ ngày Giỗ Tổ": Bài 2: Để câu hát xoan còn mãi...

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2012 là cơ hội để hát xoan Phú Thọ một lần nữa chinh phục hàng triệu du khách trong và ngoài nước với những làn điệu mượt mà của điệu hát phát tích từ thời đại Hùng Vương dựng nước...

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2012 là cơ hội để hát xoan Phú Thọ một lần nữa chinh phục hàng triệu du khách trong và ngoài nước với những làn điệu mượt mà của điệu hát phát tích từ thời đại Hùng Vương dựng nước; qua đó tiếp tục tôn vinh hát xoan Phú Thọ - một di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, đang cần sự chung tay để bảo tồn và phát huy…

Lắng đọng câu xoan cổ

Ông Phạm Bá Khiêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, cho biết: Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2012, Sở đã xây dựng kịch bản chi tiết để tổ chức hát xoan và dân ca Phú Thọ với quy mô hoành tráng, nhằm quảng bá và tôn vinh hát xoan Phú Thọ vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; kiểm kê, đánh giá và dần dần khôi phục lại những làn điệu xoan cổ; đồng thời tạo cơ hội cho các CLB, nghệ nhân, các diễn viên ở các làng xoan có điều kiện để giao lưu học hỏi... từ đó rút kinh nghiệm cho công tác quản lý, tổ chức trong các phong trào… “Qua đây cũng có thể đánh giá lại sự quan tâm, nhận thức của người dân và các cấp lãnh đạo tỉnh Phú Thọ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản đất Tổ nói chung và hát xoan nói riêng…”, ông Khiêm nhấn mạnh.

Với mục đích như vậy nên trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2012, ngoài việc tổ chức các buổi hát xoan ở thành phố Việt Trì thì tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng còn tổ chức hát xoan tại 9 hội trại của 9 huyện, thị trong tỉnh. Các đội sẽ biểu diễn hàng ngày theo thời gian quy định của Ban tổ chức. Ngoài những thời gian quy định, các đội tham gia liên hoan văn nghệ này còn biểu diễn phục vụ nhân dân tại khu vực bức Phù điêu ở Ngã năm đền Giếng…

Hát xoan tại đình An Thái, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Ảnh: Tiến Dũng - TTXVN


Có một cơ hội để được tôn vinh như vậy quả thật đáng quý với các làng xoan Phú Thọ, bởi vậy các làng xoan đã vào cuộc từ rất sớm. Thời gian này, các làng xoan Kim Đới, Thét, Phù Đức (xã Kim Đức) và làng An Thái (xã Phượng Lâu), thành phố Việt Trì, nơi đâu cũng vang vang những câu xoan. Và không chỉ luyện tiếng đàn, điệu hát, các nghệ nhân còn đầy tự hào kể cho những du khách có dịp tới với làng mình câu chuyện hấp dẫn về sự tích hát xoan, ý nghĩa và giá trị của điệu hát này.

Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch (phường xoan An Thái), hát xoan là loại hình nghệ thuật dân gian nên cách truyền dạy những làn điệu xoan thường là truyền miệng. Bây giờ, những làn điệu hát xoan cổ đã bị “tam sao thất bản” nhiều do ảnh hưởng từ các làn điệu hát dân ca khác như hát chèo, hát quan họ, hát trống quân… Ngày xưa, âm điệu trong hát xoan hoàn toàn khác biệt, không giống với bất cứ làn điệu dân ca nào, cho nên để hát xoan đúng, đủ và mượt mà cần phải có thời gian tập luyện rất công phu… Cũng theo bà Lịch, vào mỗi dịp Tết đến, xuân sang, các phường xoan thường phải tập luyện từ trước rất lâu, rồi từ mùng 6 tháng giêng, phường xoan lại sắm sửa khăn áo, tay nải lên đường để giao lưu, hát đối đáp cùng những phường xoan khác trong vùng.

Còn ông trùm Lê Xuân Ngũ, phường xoan Phù Đức cho biết: Lời xoan ngân nga trên đất Tổ hàng ngàn năm qua. Thời trước, xoan chỉ tồn tại ở 18 làng quanh chân Đền Hùng hợp với con số 18 đời vua Hùng. Hiện nay chỉ còn 4 phường xoan tiêu biểu quanh Đền Hùng là còn lưu giữ và hoạt động đúng với truyền thống. Ông trùm Ngũ cũng cho biết, đã có thời tưởng xoan không còn nữa; hàng mấy chục năm, xoan bặt tiếng vì người ta cho rằng, hát xoan chỉ phục vụ tầng lớp vua chúa phong kiến... Từ năm 1990 trở lại đây, câu hát xoan đã trở lại như ngày xưa theo đúng lệ hát được gìn giữ. Hàng năm nhằm tiết đầu xuân, khi các làng trên quê hương đất Tổ vào hội, đại diện mỗi làng thường gửi thiếp hồng, mời ông trùm Ngũ và phường xoan của ông về diễn tại đình làng mình. Dẫn đầu cuộc đi lưu diễn là ông trùm, theo sau là hai kép con, một người ôm trống, một người ôm tráp. Trong tráp đựng những bản lời ca xoan viết bằng chữ Hán Nôm. Theo sau hai kép con là 8 cô đào trẻ, tuổi mười tám, đôi mươi. Hành trang của các cô đào rất gọn nhẹ, tất cả được gói ghém trong chiếc khăn đen buộc thành tay nải đeo vai. Cuộc đi lưu diễn kéo dài hơn một tháng từ Phú Thọ về Vĩnh Phúc rồi sang Sơn Tây… Phường xoan Phú Đức đến làng nào cũng được dân làng đón tiếp trọng thị và thành kính, vì biết rằng, những câu hát xoan sẽ mang đến may mắn cho mọi người trong năm mới…

Bảo tồn ở mọi góc độ

Giá trị của hát xoan đã được khẳng định, những điệu xoan cổ, những phường xoan đúng nghĩa cũng đã được phục hồi; tuy nhiên để bảo tồn và phát huy hết được những giá trị của di sản văn hoá phi vật thể này, thì hành trình phía trước vẫn còn dài.

Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, cho biết: Thời gian tới tỉnh sẽ chú trọng tới việc quảng bá, giới thiệu giá trị của hát xoan với cộng đồng trong và ngoài nước. Đồng thời tổ chức truyền dạy và phổ biến rộng rãi nghệ thuật hát xoan, đưa hát xoan vào các trường học. Bên cạnh đó, sẽ khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy cho các thế hệ trẻ. Trước mắt sẽ hỗ trợ kinh phí để duy trì thường xuyên tổ chức hoạt động của 4 phường Xoan gốc là Kim Đới, Thét, Phù Đức và An Thái thuộc xã Kim Đức và xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì. Tỉnh cũng sẽ tổ chức các cuộc liên hoan, giao lưu, hội thi, hội diễn để giới thiệu hát xoan tới đông đảo công chúng và nhân dân ở các lễ hội, lập các dự án phát triển du lịch, gắn hát xoan với các tour, tuyến du lịch về với cội nguồn đất Tổ Hùng Vương. “Tỉnh sẽ triển khai giới thiệu, quảng bá hát xoan bằng nhiều hình thức: Trên các phương tiện thông tin đại chúng, xuất bản, in ấn tài liệu, trưng bày giới thiệu các hiện vật liên quan đến di sản hát xoan tại Bảo tàng Hùng Vương, mở chuyên mục dạy hát dân ca xoan trên sóng Đài phát thanh truyền hình tỉnh, phục hồi các di tích lịch sử văn hóa tại các địa phương có hát xoan truyền thống như: Miếu Lãi Lèn, đình Kim Đái, đình Thét, đình Phù Đức (xã Kim Đức); đình An Thái (xã Phượng Lâu); đình Cao Mại, đình Đông Chấn (thị trấn Lâm Thao); đình Tây Cốc (huyện Đoan Hùng)... Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là biện pháp thiết thực để bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”, ông San nhấn mạnh.

Được biết, hiện ở tỉnh Phú Thọ có khoảng 30 cửa đình của hát xoan, nhưng chỉ còn 15 cửa đình là hoạt động. Mục tiêu đến 2015, tỉnh sẽ khôi phục lại toàn bộ 30 cửa đình. Hiện tại, Miếu Lãi Lèn là gốc hát xoan đã được khôi phục và đưa vào sử dụng trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2012 này. Tuy nhiên, Miếu Lãi Lèn hiện chỉ mới có diện tích 3.000 m2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang trình UBND tỉnh phê duyệt dự án, xin 3 ha đất (gấp 10 lần diện tích ban đầu) để quy hoạch thành vùng xoan. Theo đó, khu vực này sẽ là trung tâm của xoan, để tổ chức những lễ hội lớn. Ngoài Miếu Lãi Lèn, sẽ tiếp tục xây dựng và phục hồi những không gian tổ chức lễ hội, có khuôn viên, nhà trưng bày… để khách du lịch, người dân hiểu rõ về hát xoan hơn.

Tạ Văn Toàn

Bài cuối: Nỗ lực cho một không gian lễ hội “sạch”