08:13 06/08/2014

Thận trọng với quyết định thi cử

Đưa ra 3 phương án tổ chức kỳ thi quốc gia dự kiến sẽ triển khai ngay trong năm 2015, Bộ GD- ĐT tại Hội nghị tổng kết năm học 2013-2014 và bàn phương hướng nhiệm vụ năm học mới đã đi đến kết luận: tiếp tục lắng nghe dư luận góp ý về các phương án cũng như thời điểm triển khai.

Đưa ra 3 phương án tổ chức kỳ thi quốc gia dự kiến sẽ triển khai ngay trong năm 2015, Bộ GD- ĐT tại Hội nghị tổng kết năm học 2013-2014 và bàn phương hướng nhiệm vụ năm học mới đã đi đến kết luận: tiếp tục lắng nghe dư luận góp ý về các phương án cũng như thời điểm triển khai.

 

Nhất trí một kỳ thi


Gần 10 năm ấp ủ ý tưởng “gộp hai kỳ thi làm một”, tới 2014, dư luận xã hội cũng như các chuyên gia giáo dục mới cơ bản nhất trí: tổ chức một kỳ thi chung, sử dụng kết quả cho cả việc xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Điều này nhằm nhiều mục tiêu, trong đó có giảm căng thẳng, lãng phí; đánh giá đúng thực chất; tuyển chọn được người tài cho các bậc học cao… Băn khoăn “bỏ kỳ thi tốt nghiệp hay bỏ thi tuyển sinh ĐH” đã có câu trả lời: Không bỏ kỳ thi nào cả, mà tổ chức chung 1 kỳ thi, lấy kết quả sử dụng cho 2 mục đích.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2013 - 2014 và bàn phương hướng nhiệm vụ năm học mới của Bộ GD - ĐT. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN


Nếu ý tưởng “hai kỳ thi dồn một” này được thông qua, thì kỳ thi sẽ được tổ chức vào tuần thứ 2 của tháng 6 mỗi năm. Thí sinh không phải dồn về các thành phố lớn để thi như hiện nay; mà sẽ thi tại mỗi tỉnh với các cụm thi tập trung ở các thành phố, thị xã, thị trấn. Chấm thi theo các cụm vùng, miền. Thành viên Hội đồng thi chủ yếu là cán bộ giáo viên của Sở GD- ĐT và cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ - có điều này là để công tác coi thi mà các trường ĐH, CĐ vốn quen tổ chức sẽ góp phần đem lại kỳ thi nghiêm túc, công bằng.


3 phương án thi mà Bộ GD- ĐT công bố, mỗi phương án có một ưu điểm, nhưng tựu trung là bao quát kiến thức, tránh được tình trạng học tủ, học lệch giữa các môn trong giảng dạy. Môn Ngoại ngữ được tính như môn học cơ bản, bắt buộc phải thi, giúp cho việc học và dạy môn học này ở bậc phổ thông được chú trọng hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT và là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh sẽ tiết kiệm đáng kể cho xã hội. Đồng thời xét theo lộ trình thì việc đổi mới hình thức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH được liền mạch, chuyển dần từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực người học.


Tính toán kỹ


Tất nhiên, kỳ thi “hai trong một” tổ chức theo phương án nào, khi nào chính thức triển khai thì chưa thể “chốt” ngay trong ngày 29/7 - ngày Bộ GD-ĐT chính thức công bố 3 phương án tổ chức “một kỳ thi quốc gia”.


Lý do, theo đại diện ngành GD - ĐT các địa phương và các trường ĐH, CĐ: mỗi phương án vẫn tồn tại những điểm hạn chế nhất định.


Phương án 1 (thi 4 môn để lấy kết quả xét tốt nghiệp, sau đó thí sinh chọn các môn trong 4 môn khác để đăng ký thi nhằm xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ) có lợi thế là ít xáo trộn, không gây lo lắng, áp lực tâm lý đối với giáo viên, học sinh nhất là đối với những học sinh đã học xong chương trình THPT từ năm 2014 về trước tham dự Kỳ thi; việc chấm bài thi thuận lợi, dễ dàng. Học sinh có thể dự thi nhiều môn nên có nhiều cơ hội dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, hạn chế là kỳ thi diễn ra trong 4 ngày nên khá nặng nề, việc rút gọn các môn thi có thể dẫn đến việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với những môn không thi.


Phương án 2 (tổng hợp 8 môn thành 5 bài thi, thí sinh thi 3 bài bắt buộc và 1 bài tự chọn) chỉ thi khá gọn gàng trong 2,5 ngày, mức độ tổng hợp, tích hợp các môn thi thành bài thi mạnh và nhanh hơn phương án 1, đề thi bao quát hết các môn nên hạn chế việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với những môn không thi. Tuy nhiên, việc thi theo các bài thi tổng hợp chưa được giáo viên và học sinh chuẩn bị đầy đủ, do đó có thể sẽ gây lo lắng, tác động đến tâm lý của giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh; nếu thực hiện ngay từ năm 2015 thì sẽ có những khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực chuẩn bị ở tất cả các khâu: ra đề, coi thi, chấm thi, tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên.

 

Việc chấm thi theo bài thi tổng hợp phải có nhiều giáo viên các môn khác nhau cùng chấm một bài thi như bài thi Khoa học Tự nhiên gồm giáo viên của 3 môn Vật lí, Hóa học, Sinh học cùng chấm; bài thi Khoa học Xã hội gồm giáo viên của 2 môn Lịch sử, Địa lí cùng chấm. Thời gian dành cho mỗi môn thi trong bài thi tổng hợp ít hơn, do vậy việc ra đề thi để vừa đáp ứng học vấn phổ thông, vừa có phần nâng cao để phân hóa trình độ học sinh nhằm phục vụ tốt cho tuyển sinh vào ĐH, CĐ là khó khăn hơn.


Phương án 3 (tổng hợp 11 môn học bậc phổ thông thành 4 bài thi, thí sinh thi tất cả) có ưu điểm hơn phương án 2 là kiểm tra toàn diện tất cả kiến thức đã học của học sinh, song sẽ không tránh khỏi áp lực, căng thẳng vì học sinh phải học và ôn tập nhiều môn.


Phương án 2 được nhiều ý kiến đồng tình, tuy nhiên lời khẳng định từ các địa phương là sớm nhất chỉ có thể triển khai được từ năm 2016, không như dự kiến năm 2015 của Bộ GD-ĐT.

 

Những băn khoăn từ cơ sở được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đề nghị: “Bộ GD-ĐT cần thận trọng, lắng nghe ý kiến rộng rãi, có thể sẽ không chỉ có 3 phương án đã đề xuất mà còn có thể có những phương án khác, hợp lý hơn, khả thi hơn”.


Theo Phó Thủ tướng, quan điểm của Bộ GD - ĐT nghiêng về phía nào, phải nói, phải phân tích khoa học, cầu thị. “Chúng ta chỉ nên làm khi chúng ta đã chắc chắn ngay từ trong Bộ, sau đó đưa ra cộng đồng. Kỳ thi này không thể tách rời đổi mới toàn diện chương trình, SGK và lâu dài” - Phó Thủ tướng khẳng định.


Chính vì vậy, Bộ GD - ĐT sẽ đưa các phương án thi dự kiến ra công luận, nhằm lắng nghe, phân tích ý kiến dư luận để có cơ sở quyết định phương án cuối cùng. Điều đó có nghĩa nhiều khả năng năm 2015 chưa thể triển khai ngay các phương án thi có tính đột phá. Song một lộ trình cho đổi mới thi cử đã bắt đầu đặt những bước phác thảo đầu tiên, rõ nét hơn trước

 

Thùy Hương