10:20 02/10/2017

Thận trọng khi sửa Luật Đầu tư công

Tại Phiên giải trình về tình hình triển khai Luật đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, chiều 2/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, sửa Luật nhưng phải thận trọng, không phải thấy khó, thấy vướng là sửa ngay, như vậy sẽ phá vỡ hệ thống pháp luật.

Tuổi thọ của Luật tối thiểu phải 5 năm. Phiên giải trình do Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức.

Nâng cao hiệu quả đầu tư

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, việc ban hành Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn là bước tiến quan trọng, tạo hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ, hoàn chỉnh để nâng cao hiệu quả đầu tư công. Luật ra đời đã ngăn chặn được tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, tùy tiện, duy ý chí, chủ quan trong vấn đề đầu tư, nâng cao được chế tài và làm rõ trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên giải trình. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Sau 3 năm thực hiện, Luật đã đi vào cuộc sống, đạt kết quả tích cực. Nhận thức của các bộ, ngành, địa phương trong vấn đề đầu tư công đã có sự thay đổi, công khai, minh bạch hơn. Các bộ, ngành, địa phương chủ động lồng ghép các chương trình, dự án, kế hoạch để tạo hiệu quả tích cực, nợ đọng xây dựng cơ bản giảm nhanh.

Phân tích những tác động tích cực khi triển khai Luật Đầu tư công, song, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là luật ban hành lần đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư công, có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương, quá trình thực hiện khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc quy định thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm được kéo dài sang năm sau dễ tạo ra tâm lý các chủ đầu tư không tập trung triển khai thực hiện kế hoạch ngay trong năm, ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư. Quy định phần vốn nước ngoài trong kế hoạch đầu tư công hàng năm được phép giải ngân theo tiến độ thực hiện và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài chưa phù hợp với Hiến pháp và Luật Ngân sách nhà nước 2015. 

Bên cạnh đó, thực tế triển khai đã phát sinh một số điểm còn chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư công với Luật Bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường quy định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư được phê duyệt là căn cứ để cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công, hồ sơ trình phê duyệt chủ trương đầu tư chỉ yêu cầu báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường. Sự quy định khác nhau trên đã gây khó khăn trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án có quy mô lớn, dự án quan trọng quốc gia.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhìn nhận, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa bao quát hết vấn đề chuyển nguồn. Điều 76 cho phép thời gian giải ngân vốn hàng năm được kéo dài sang năm sau, trường hợp đặc biệt cho phép kéo dài nhưng không vượt quá kế hoạch đầu tư công trung hạn. Vốn ngân sách trung ương chuyển nguồn qua các năm là rất lớn. Năm 2015 chuyển sang năm 2016 là 23.849 tỷ đồng, năm 2016 sang 2017 là 15.722 tỷ đồng. Con số chuyển nguồn tập trung ở những dự án giao thông, thủy lợi là lĩnh vực cấp bách.

“Chuyển nguồn có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân là quy định của Luật Đầu tư công. Nếu tiếp tục duy trì quy định cho phép chuyển nguồn sang năm sau một cách đơn thuần mà không quy định điều kiện cụ thể, trường hợp đặc biệt như thế nào, tình trạng chuyển nguồn qua các năm sẽ tiếp tục kéo dài. Điều đó thể hiện kỷ luật ngân sách chưa nghiêm, cách thức thực hiện dự án còn nhiều bất cập trong khi sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nợ công tăng cao, lãi suất ngày một tăng”, đại biểu Mai nhận định.

Cũng theo bà Mai, phần vốn nước ngoài, giải ngân vốn ODA, qua giám sát một số địa phương, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, việc giải ngân vốn nhiều bất cập do mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư công với Luật Ngân sách nhà nước, chưa tuân thủ quy định của Hiến pháp. Hai địa phương này đề nghị giải ngân quy định của Luật Đầu tư công tức là giải ngân theo tiến độ dự án và giải ngân theo tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ.

Giải ngân chậm

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng số vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 nguồn ngân sách nhà nước được Quốc hội thông qua là 2 triệu tỷ đồng, trong đó bố trí 80.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia. Trong số 80.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, có 10.000 tỷ đồng dành cho các dự án chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch 1.605.975 tỷ đồng, bằng 89,2% tổng mức vốn kế hoạch được Quốc hội thông qua (không bao gồm 200.000 tỷ đồng dự phòng chung). Ước tính đến hết tháng 9/2017, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 51%, tương đương với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân giải ngân chậm được xác định là do quy định trình tự, thủ tục đầu tư công chặt chẽ hơn; thủ tục đầu tư xây dựng sau khi giao kế hoạch còn mất nhiều thời gian; thủ tục thanh quyết toán vốn có nhiều đặc thù… Nhiều ý kiến lo ngại khi nợ công đang ở mức cao, tiền lãi vay vẫn phải trả trong khi có tiền mà không giải ngân được, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Đặt vấn đề phân giao kế hoạch đầu tư công trung hạn chậm, trong đó có những dự án lớn quan trọng như: Dự án đường cao tốc Bắc – Nam, Dự án chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh chưa phân giao được, giải ngân chậm dẫn đến sử dụng vốn ngân sách không đạt hiệu quả cao nhất, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phân tích các nguyên nhân chủ quan và khách quan. Theo ông, nguyên nhân khách quan là lần đầu tiên thực hiện kế hoạch đầu tư công 5 năm nên khi làm có phần lúng túng. Song, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa khoa học, sát thực, vẫn phải điều chỉnh. Nhận thức của các địa phương chưa quán triệt đầy đủ, vẫn còn tư duy cũ. Một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm các quy định về đầu tư công.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đề nghị cần xác định rõ cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm chính trong quản lý đầu tư công. Trên thực tế, sau khi phân bổ kế hoạch xong, dòng vốn có chảy đúng mục đích, hiệu quả thế nào lại không có sự kiểm tra giám sát. Thậm chí phân bổ xong ở Trung ương, về địa phương lại có nghị quyết phân bổ lại.

Cùng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, phải làm rõ trách nhiệm, Chính phủ thống nhất quản lý về đầu tư công. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan giúp Chính phủ về vấn đề này, Bộ phải nhận trách nhiệm, cần thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công, tránh làm sai, đùn đẩy, không dám chịu trách nhiệm; khẩn trương phân giao vốn.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị chỉ rõ dự án nào, bộ nào, địa phương nào có sai phạm. Trước khi sửa, Chính phủ cần rà lại các nghị định, thông tư có quy định nào trái với Luật Đầu tư công, Ủy ban Kinh tế giám sát việc ban hành các nghị định có phù hợp với Luật Đầu tư công.

Thông tin tiến độ triển khai thủ tục giải ngân dự án chống ngập, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết, chống ngập là vấn đề bức xúc của Thành phố. Tổng mức vốn của 36 tiểu dự án chống ngập của Thành phố là 9.963 tỷ đồng, trong đó có một dự án nhóm A, 25 dự án nhóm B và 10 dự án nhóm C. Thành phố đã rất tích cực trong việc hoàn thiện đề án để được phê duyệt giải ngân vốn đầu tư. Ngày 29/7, UBND Thành phố đã báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Liên quan đến các dự án vốn ODA, Thành phố đã giải ngân 97% trong tổng số 2.119 tỷ đồng vốn được bố trí cho Dự án đường sắt số 1. Hiện nhà đầu tư đang triển khai quyết liệt. Thủ tướng đã chỉ đạo từ nay đến cuối năm ứng vốn trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 cho dự án 3.300 tỷ đồng để trả cho nhà đầu tư.

Chu Thanh Vân (TTXVN)