10:17 03/10/2011

Thăm vườn hoa cuối cùng của làng Ngọc Hà

Khi “tấc đất” đã là “tấc vàng” theo đúng nghĩa đen, người dân bất kể nông thôn hay thành thị đều đua nhau xắn mảnh đất dù là hương hỏa nhà mình ra để bán. Vậy mà ngay giữa trung tâm Hà Nội vẫn còn một gia đình nặng lòng lắm với đất đai, vườn tược...

Khi “tấc đất” đã là “tấc vàng” theo đúng nghĩa đen, người dân bất kể nông thôn hay thành thị đều đua nhau xắn mảnh đất dù là hương hỏa nhà mình ra để bán, không ít nơi nông dân bỏ bờ xôi ruộng mật. Vậy mà ngay giữa trung tâm Hà Nội vẫn còn một gia đình nặng lòng lắm với đất đai, vườn tược, với phân tro cây giống; cả vợ chồng con cái ngày đêm tỉ mẩn bắt từng con sâu, chăm từng nách lá.

Vẫn biết chẳng thể giàu được với nghề này, nhưng bao nhiêu năm nay cả gia đình vẫn cặm cụi trồng hoa, chỉ bởi họ yêu cái nghề đã làm nên thương hiệu của làng mình - làng hoa Ngọc Hà.

Vườn hoa duy nhất giữa… làng hoa

Người làng Ngọc Hà với những gánh hàng hoa đã từng có mặt ở khắp các chợ lớn của Hà Nội; hình ảnh: “Sớm mai ra/ Gánh hàng hoa/ Xuống chợ/ Hoa Ngọc Hà/ Trên đường rực nở/ Hương bay xa/ Thơm ngát/ Đường ta...” hẳn còn in trong kí ức nhiều người. Và tự bao giờ làng hoa ấy đã đi vào tâm thức người Tràng An, để mỗi khi nhắc đến Hà Nội là chẳng thể quên Ngọc Hà!

Nhưng gần hai chục năm nay, những hình ảnh đẹp ấy không còn hiện hữu ngoài cuộc sống thường nhật nữa. Những mảnh vườn tràn sắc tím violet, sắc hồng hoa dơn, sắc vàng cúc đại đóa... cứ mất dần, trên mỗi mảnh vườn mọc lên bốn, năm ngôi nhà cao tầng sơn vàng, sơn xanh. Đến Ngọc Hà hôm nay, nhà cửa san sát, ngõ ngách chỉ vừa để hai chiếc xe máy có thể đi ngược chiều nhau.

Vườn cúc duy nhất còn lại giữa làng hoa Ngọc Hà hiện nay

Không biết đã có bao nhiêu người tiếc nuối, xót xa cho một làng hoa nức tiếng, cho một ngôi làng chỉ còn ngát hương trong tâm tưởng, những câu chuyện về làng hoa giờ luôn được mào đầu bằng hai chữ “ngày xưa”.

Nhưng rồi giữa làng Ngọc Hà giờ chỉ toàn là nhà cao tầng ấy vẫn còn sót lại một mảnh vườn thật rộng của gia đình ông Trần Nguyên Bộ. Đặc biệt hơn, mảnh vườn ấy vẫn được giữ để trồng hoa suốt mấy chục năm nay, kể từ khi HTX hoa Ngọc Hà tan rã đầu năm 1990.

Với mảnh vườn 200m2, người ta vẫn bảo nhà ông Bộ đang sống trên một núi tiền. Ông có đến bốn người con trai, song cả gia đình không ai muốn bán mảnh vườn đã bao năm gắn bó. Họ vẫn giữ nếp sống của làng Ngọc Hà, vợ chồng con cái vẫn thức khuya dậy sớm như mấy chục năm trước - khi cả gia đình còn trồng hoa trong HTX, hai vợ chồng ông Bộ, bà Liên và hai anh con trai vẫn đều đặn ươm cây, vỡ đất, bắt sâu... cho những luống cúc dài xanh ngắt. Khu vườn khoảng 300m2 của chị gái ông Bộ ở ngay liền kề cũng được giao cho gia đình ông ươm cúc khiến cả khu vườn như mênh mông, quê kiểng giữa phố xá chật chội.

Tự hào là nông dân… Hà Nội gốc

Sáu mươi bảy tuổi, bà Đào Thị Liên, vợ ông vẫn đều đặn thức dậy từ 10 giờ đêm, bà xếp từng bó cúc giống để mang lên chợ hoa Quảng Bá bán cho người dân từ khắp các làng trồng hoa khác tìm về mua cây giống. Bà Liên người Lâm Thao - Phú Thọ, bà về làm dâu làng Ngọc Hà rồi học trồng hoa. Khi hoa cắm còn chưa thịnh hành, người Hà Nội vẫn giữ thói quen bày hoa lên đĩa để thờ cúng mỗi ngày lễ Tết, hay ngày rằm, mồng một; bấy giờ bà Liên đã đi khắp các chợ ở Hà Nội bán hoa gói phục vụ thói quen của người Tràng An. “Thế mà cũng đã mấy chục năm gắn bó với nghề” - bà vừa nói vừa cẩn thận xếp từng bó cúc giống.

Ông Bộ tự hào là nông dân... Hà Nội gốc

Góc vườn nhà ông Bộ chất những bao tải rất to, nilon, bạt dứa đậy điệm cẩn thận. Ấy là những bao tải đất phù sa phơi khô, đập nhỏ rồi sàng một lượt trước khi đóng vào bao tải để dùng dần. Mỗi bận ươm một lứa cúc mới, bố con ông lại rải một lớp phù sa mịn lên, vừa là cung cấp dinh dưỡng cho cây, vừa tạo một lớp đất mới cho cây bén rễ. Để có được những bao tải đất ấy, bố con ông phải mua hơn một triệu cho hai khối đất, xe tải đổ ngoài ao ven cái đường to rồi lại thuê xe cải tiến kéo về vườn nhà phơi nắng. “Ngày trước ao hồ nhiều, mỗi bận HTX tát ao, người làng lại vớt lớp bùn đáy lên, phơi khô, đập nhỏ bón cho cây tốt lắm, nhưng giờ chẳng còn bùn ao mà lấy nữa”, - ông Bộ hồi tưởng.

Một năm ông Bộ lại mua tre một lần, vợ chồng con cái hì hụi chẻ, vót thành cọc để làm khung che nắng che mưa cho các luống hoa. Hoa cúc nhanh ra rễ nhưng lại không chịu được mưa nắng thất thường, có những hôm ươm cúc khi trời đang rét mướt, ngày hôm sau quay gió nồm là bao nhiêu chồi non mới cắm xuống hôm qua hỏng hết. Cứ sấm chớp, mưa gió là cả nhà lao ra vườn che chắn cho hoa, bất kể ngày đêm, bất kể rét mướt hay nóng nực, gặp mưa sương thì lá nẫu hết, gặp mưa nhiều thì cây cũng úng rễ mà chết.

Cây cúc giống của nhà ông Bộ chỉ năng suất được năm tháng cuối năm, khi thời tiết đã bớt khắc nghiệt, các loại cúc trắng, vàng, hồng, tím, đỏ, ngũ sắc được ươm rất nhiều, khách quen từ khắp các tỉnh xa gọi điện đặt hàng. Những chồi non từ nách lá cây cúc mẹ được cắt rồi ươm đại trà, song đến khi bứng lên đóng gói, hai anh con trai Trần Nguyên Thành và Trần Nguyên Thắng phân loại đâu vào đấy, sáu sắc hoa không loại nào lẫn lộn. Mỗi bó một trăm cây con, ông bà bán cho khách với giá 12.000đ, “đắt hơn năm ngoái được mấy nghìn đấy, nhưng chẳng đuổi được bão giá đâu. Tôi trồng hoa gần trọn đời người rồi tôi biết, anh nào mà bảo làm giàu nhờ trồng hoa là anh ấy nói phét đấy”. Ông cười hồn hậu, vô tư đúng chất... nông dân: “Tôi là nông dân Hà Nội gốc đấy”.

Dự báo thời tiết thông báo bão số 6 lại đổ bộ vào miền Bắc, vợ chồng con cái ông lục tục kéo nhau ra vườn nẹp lại nilon, kiểm tra lại bóng điện để che chắn cho vườn cúc, cho cái hồn cốt còn sót lại của làng Ngọc Hà. Tôi chợt nhớ đến câu nói của ông O’hara với cô con gái Scarlett: Đất đai là điều duy nhất có giá trị, là thứ duy nhất tồn tại mãi, là nơi cho con sức mạnh... (Cuốn theo chiều gió)

Bài và ảnh: Uông Ngọc

(Theo TT&VH)