09:17 04/09/2019

Thẩm tra sơ bộ Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Ngày 4/9, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chú thích ảnh
 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo tờ trình của Chính phủ, trong những năm qua Đảng và nhà nước, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã dành sự quan tâm đặc biệt; đầu tư phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, giáo dục, y tế được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo.

Công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả to lớn, đời sống của nhân dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được nâng lên rõ rệt. Kinh tế, xã hội phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, vị thế đất nước trên trường quốc tế được nâng lên, lòng tin của nhân dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường.

Bên cạnh những thành tựu to lớn có tính lịch sử mà đất nước ta đạt được hơn 30 năm đổi mới thì đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn; tình trạng di cư không có tổ chức, tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt chưa được giải quyết thấu đáo; khoảng cách giàu, nghèo giữa vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn so với vùng phát triển có xu hướng gia tăng. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là khu vực được hưởng lợi từ thành quả đổi mới ít hơn, dễ bị tổn thương hơn trong cơ chế thị trường và biến đổi khí hậu, rất cần được sự quan tâm đầu tư để phát triển hơn nữa.

Về phạm vi, Đề án được thực hiện ở địa bàn các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đối tượng điều chỉnh là các xã, thôn đặc biệt khó khăn; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn.

Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trọng tâm của Đề án là khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Về văn hóa - xã hội, Đề án hướng đến tập trung nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, dạy nghề để nâng cao mặt bằng dân trí, đổi mới tư duy, khơi dậy sự sáng tạo, tự lực, tự cường vượt khó vươn lên; nâng cao chất lượng y tế, dân số; đẩy mạnh sưu tầm và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Đối với quốc phòng, an ninh, Đề án hướng tới việc xây dựng thế trận lòng dân gắn với thế trận an ninh quốc phòng vững chắc; bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; tăng cường vai trò của Bộ đội Biên phòng gắn với xây dựng xã, thôn, bản vững mạnh.

Thẩm tra sơ bộ Đề án, Hội đồng Dân tộc đánh giá cao sự khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành, đặc biệt là Ủy ban Dân tộc, trong quá trình chuẩn bị, xây dựng Đề án.

Về sự cần thiết xây dựng Đề án, Hội đồng Dân tộc cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Đề án theo Tờ trình của Chính phủ và cho rằng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có vị trí, tầm quan trọng chiến lược về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, hiện nay đây là vùng có điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ nghèo cao nhất. Do vậy, cần phải đổi mới chính sách đầu tư cho vùng này bằng việc xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, xác định mục tiêu cụ thể, giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển toàn diện vùng này, thu hẹp dần khoảng cách với các vùng phát triển.

Hội đồng Dân tộc cũng cơ bản đồng tình với quan điểm thể hiện trong Đề án và đề nghị Chính phủ phân tích, làm rõ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc trong giai đoạn qua đã phù hợp với tình hình thực tiễn hay chưa và trong giai đoạn mới cần có sự đổi mới tư duy và nhận thức như thế nào về quan điểm, chủ trương về chính sách dân tộc cho phù hợp với bối cảnh mới.

Ngoài ra, một số ý kiến của thành viên Hội đồng Dân tộc đề nghị cần rà soát để có sự thống nhất và tách bạch về các số liệu và thông tin liên quan đến tình hình thực hiện ngân sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến chủ trì phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị Chính phủ tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án theo những vấn đề đã được chỉ ra tại phiên họp thẩm tra sơ bộ; Hội đồng Dân tộc tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc để có một Đề án đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định trong Kỳ họp thứ 8 tới đây.

Xuân Tùng (TTXVN)