01:09 11/01/2019

Thắm sắc hoa làng đào La Cả khi Tết đến xuân về

Trong tiến trình đô thị hóa, làng đào La Cả, phường Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội) tưởng chừng đã bị xóa sổ vì dành đất cho các dự án. Vậy nhưng đến nay, người dân trồng đào, gắn bó với nghề đã thuê được đất ở xã Đại Mỗ để tiếp tục trồng đào.

Từ đây, nhiều nguồn gen đào quí của làng La Cả vẫn được bảo tồn và cung cấp lượng lớn đào cho thị trường Hà Nội.

Quyết giữ nghề truyền thống

  

Chú thích ảnh
Những cây đào thông có tuổi đời từ 2 - 3 năm.

Theo ông Dương Văn Cường, người đã sống lâu năm ở La Cả thì làng đào ở đây khá nổi tiếng, cung cấp lượng lớn đào chơi Tết cho thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Năm 2010, diện tích đất trồng đào ở đây được Nhà nước thu hồi nhường chỗ cho các dự án đô thị. Nhiều gia đình đã đi thuê đất ở xã Đại Mỗ tiếp tục nghề này vì muốn giữ lại nghề truyền thống của làng.  

Hiện nay, khu vực trồng đào xóm Tháp (Đại Mỗ) có diện tích khoảng 70ha, trong đó chủ yếu là người dân La Cả thuê, số ít là của người dân Đại Mỗ.

Bà Nguyễn Thị Hạo, chủ một vườn đào cho biết: “Giá thuê đất làm đào từ 1,5 đến 3 triệu đồng/sào (360m2) tùy thuộc vào vị trí đất. Người thuê ít thì 2 - 3 sào, nhiều lên đến cả mẫu”.

Người dân ở đây luôn tự hào vì làng La Cả có tiếng là đất trồng đào nổi tiếng, chỉ đứng sau thương hiệu đào Nhật Tân bởi giống đào đã được lựa chọn và nhân giống ở đây có đặc tính: Cành dày cứng, nụ mập, nhiều nụ, cánh hoa sắc thắm, lâu phai.

Theo những người dân làng La Cả, dù có lãi nhưng nghề trồng đào vẫn bấp bênh, nhiều rủi ro do thời tiết thất thường. Làm cả năm chỉ chờ thu hoạch đúng dịp Tết, nên người trồng đào luôn thấp thỏm, lo âu. Tuy nhiên, tâm huyết với nghề, nhiều hộ dân đã tích lũy được kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc đào có khả năng thích ứng với sự thay đổi của thời tiết.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Trung Hậu chăm sóc cây đào cổ thụ lớn nhất vườn nhà mình.

Ông Nguyễn Văn Bình, người sở hữu gần 1.000 gốc đào và có kinh nghiệm lâu năm cho biết: “Yếu tố quyết định số lượng nụ và hoa là việc hãm tăm. Công đoạn này thực hiện vào khoảng tháng 9 âm lịch. Khi các cành nảy tăm non, vừa tầm sẽ được tạo dáng, cắt khoanh xung quanh phần thân gần gốc cây rồi bóc lớp vỏ để ngăn gốc cây đẩy nhựa lên nhằm hãm độ dài của tăm và đóng các mắt trên tăm. Từ đó, mỗi mắt trên tăm sẽ nhú lên một nụ hoa, thực hiện đúng công đoạn này vừa giữ dáng cây đẹp vừa làm tăng số nụ hoa. Ngoài ra, việc vặt bớt lộc trên đầu tăm sẽ giúp cho nụ hoa mập hơn, cánh hoa to và lâu tàn…”.

Ngoài những kinh nghiệm trên, người trồng đào còn rất nhạy bén với thị trường. Những năm gần đây, người dân có xu hướng chơi đào sớm, khoảng cuối tháng 11 âm lịch, đào đã xuất hiện ở những chợ hoa lớn. Vì vậy, người trồng đào đã điều chỉnh để hoa nở rộ theo từng đợt và xuất sớm cho thương lái. Nhất là với những hộ gia đình trồng năm đầu, đào bán chủ yếu là đào cành.  

Bà Dương Thị Hiền, phường Dương Nội cho biết: “Đào cành nếu trước và sau Tết một tuần mà không bán hết thì cũng phải chặt bỏ để ghép mắt giúp cây lên chồi mới nên thường chúng tôi sẽ chặt bán trước Tết hơn một tháng cho đến hết rằm tháng giêng. Với phương pháp này, hầu như năm nào cũng bán hết, nguồn thu của chúng tôi từ việc trồng đào cũng ổn hơn”.

Cũng theo những người có kinh nghiệm trồng đào ở đây thì, đối với đào cây, càng lâu năm càng có giá nên không cần bán tháo như đào cành. Một vài chủ vườn cùng cho biết, nhiều gốc đào ở Nhật Tân được đánh từ vườn đào La Cả về ươm nên người dân nơi đây giữ nghề trồng đào như một nét văn hóa truyền thống, mỗi dịp Tết đến xuân về.

Xu thế trồng đào cổ thụ

Những năm gần đây, ngoài những cây đào bích có giá bình dân từ 1 - 3 triệu/cây, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang chơi những gốc đào cổ thụ nên người dân La Cả đã đầu tư trồng những gốc đào thế, dáng đẹp, to, giá trị lên tới vài chục triệu đồng.

Chú thích ảnh
Nhiều gốc đào rừng đã được lên chậu.

Theo ông Nguyễn Trung Hậu, chủ vườn đào lâu năm cho biết: Ở đây có nhiều gốc đào cổ thụ xuất xứ là đào rừng.

Gốc đào rừng khi mua về ươm tại đây thường có đường kính, chiều cao, hợp lý để có thể ghép các mắt đào La Cả lên. Giá của gốc đào rừng mua về từ 1 - 10 triệu đồng tùy theo giá trị của từng cây.

Thú chơi đào cổ thụ không giống các loại đào cành hay đào thông. Không có một khuôn mẫu nào, thế nên nhiều cây đào được tạo dáng rất độc đáo, sáng tạo tùy vào ý tưởng và thẩm mĩ của người trồng cũng như người chơi.

Điều này cũng phụ thuộc nhiều vào cây đào có gốc khỏe và đất mới; từ các mắt cây, chủ vườn có thể ươm và tạo dáng khoảng 1 năm mới thành hình, cá biệt có cây từ 2 năm trở lên mới ra hình dáng ưng ý.

Theo kinh nghiệm của ông Hậu, gốc đào mua phôi từ rừng về phải cắt đầu rễ (khoảng 5cm), đầu cút và tạo dáng cho xương cây theo ý muốn, sau đó mới trồng xuống đất để bộ rễ phát triển. Sau quá trình cây đẩy nhựa, đẩy nước lên (khoảng 10 ngày) đến thời điểm thích hợp thì chủ vườn mới ghép mắt đào ta lên đào rừng. Sau hai tháng, cành non chồi biếc vươn lên từ các mắt ghép thì có thể uốn theo dáng định trước.

“Thời gian và công sức chăm, trồng một cây đào rừng rất công phu. Hàng năm vào khoảng tháng 11 âm lịch đến rằm tháng chạp, tôi liên tục ‘ăn ngủ ở vườn’ để điều chỉnh từng cây đào làm sao cho cây nở hoa đúng dịp Tết”, ông Hậu chia sẻ.

Trồng đào rừng cần kỹ năng và tay nghề bởi chăm đào rừng mất rất nhiều thời gian khi tuốt lá. Ngoài yếu tố thời tiết, người làm đào cần nắm chắc về độ tuổi của cây: “Cây già cần tuốt lá sớm hơn cây non bởi lẽ cây già có lực yếu hơn, thời gian hấp thụ nước, chất dinh dưỡng từ đất để nuôi cành, lên nụ chậm hơn cây non. Nếu cây già không ra hoa, hoặc nở muộn thì cần phải bón nước ngâm đỗ tương cùng cá tươi và tro bếp để kích cho hoa lớn nhanh hơn. Loại nước này cần ngâm từ một năm trở lên cho ải đi thì mới có tác dụng tốt”, ông Hậu bật mí.

Chú thích ảnh
Nếu trời mưa, đào mới lên chậu cần buộc kín gốc để tránh nước mưa gây ảnh hưởng đến chất lượng hoa.

Hiện nay tại vườn đào của ông Hậu, có khoảng 200 gốc đào rừng lớn nhỏ, với những thế đào đa dạng, nhiều chậu đào đã được đặt mua và thuê cách nay cả tháng trước Tết.

Mỗi gốc đào rừng khi xuất bán có giá từ 10 - 50 triệu đồng. Nếu khách có nhu cầu thuê chơi Tết giá có giảm hơn mua trọn gói nhưng không nhiều.

“Ai có nhu cầu thuê, tôi sẽ để cho gia chủ chơi đến 16 tháng Giêng, sau đó tôi đến nhà chở về và tiếp tục chăm sóc cho niên vụ năm sau”, ông Hậu chia sẻ.  

Bài và ảnh: Vân Anh/Báo Tin tức