06:11 20/06/2012

Thăm lại nơi nuôi giấu báo Cứu quốc thời tiền khởi nghĩa

Trong không khí tất bật khẩn trương với mùa vụ, vẫn dễ dàng nhận thấy niềm tự hào của người dân vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Niềm tự hào ấy lấp lánh qua từng câu chuyện của người dân nơi đây khi kể về vinh dự được là nơi nuôi giấu báo Cứu quốc, cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh...

Về Song Phượng (huyện Đan Phượng - Hà Nội) những ngày đầu tháng 6/2012, trong không khí tất bật khẩn trương với mùa vụ, vẫn dễ dàng nhận thấy niềm tự hào của người dân vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Niềm tự hào ấy lấp lánh qua từng câu chuyện của người dân nơi đây khi kể về vinh dự được là nơi nuôi giấu báo Cứu quốc, cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh thời tiền khởi nghĩa.


Ký ức đáng tự hào


Báo Cứu Quốc- cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh ra đời tháng 1/1942 tại làng Xuân Kỳ, tổng Phủ Lỗ, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên (nay thuộc xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Đây là tờ báo ra đời thời tiền khởi nghĩa có đóng góp tích cực, quan trọng trong công cuộc giải phóng dân tộc. Năm 1942, khi đang hoạt động ở Quốc Oai, cơ sở của báo bị lộ và phải chuyển về làng Thu Quế (nay chia thành thôn Thu Quế và thôn Thống Nhất, xã Song Phượng, Đan Phượng, Hà Nội). Để giúp tờ báo Cứu quốc vượt qua giai đoạn đầy gian khó ấy có công rất lớn của những người dân và đặc biệt là các gia đình cơ sở cách mạng nơi đây. Làng Thu Quế thành nơi nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng như đồng chí Xuân Thủy, Nguyễn Khang, Phạm Thị Hiền, Lê Quang Đạo.

Quang cảnh chùa Đôi Hồi và đền Tam Phủ - nơi tập kết báo Cứu quốc trước đây để phát hành đi nhiều địa phương phục vụ cách mạng.


Thời gian báo Cứu quốc về Song Phượng hoạt động chỉ 4 tháng (từ tháng 4/1945 - 8/1945). Trong thời gian này, 5 số báo Cứu quốc được in chủ yếu để tuyên truyền chủ trương của Tổng bộ Việt Minh, trong đó 1 số đặc biệt có đăng Lệnh Tổng khởi nghĩa Toàn quốc năm 1945.


Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã tóm tắt lại quá trình hoạt động của báo Cứu quốc tại Song Phượng bằng câu giới thiệu súc tích: “Các cán bộ biên tập của báo ẩn náu trong nhà cụ Hai Tề (Nguyễn Văn Tề); vật tư để phục vụ cho việc in ấn báo Cứu quốc thì để ở nhà ông Đàn; còn việc in ấn thì làm ở nhà cụ Nguyễn Xuân Bảy. Báo được tập kết và phát hành ở chùa Đôi Hồi”.


Ngôi nhà của gia đình cụ Nguyễn Xuân Bảy - nơi đặt cơ sở in báo đã bị phá. Nhân chứng sống duy nhất trực tiếp hỗ trợ cho quá trình hoạt động của báo Cứu quốc lúc đó chính là ông Tạ Đăng Thứ. Ông là một trong 5 cán bộ Việt Minh đầu tiên của huyện Đan Phượng lúc bấy giờ, giúp tờ báo Cứu quốc hoạt động an toàn trong thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Cụ Bùi Văn Nhị đã 21 năm làm trong Ban quản lý di tích chùa Đôi Hồi - đền Tam Phủ, rất am hiểu về truyền thống cách mạng gắn với địa danh này.


Nhờ chỉ dẫn của anh Nguyễn Minh Châu, Trưởng ban Văn hóa xã Song Phượng, chúng tôi may mắn được gặp, trò chuyện với ông Tạ Đăng Thứ. Những ký ức về một thời thanh niên gan dạ và quên mình vì cách mạng vẫn còn sống động trong ký ức của cụ ông năm nay đã 89 tuổi, đặc biệt là quãng thời gian làng Thu Quế làm căn cứ bí mật in ấn và phát hành tờ báo Cứu quốc. Ngồi trên bộ tràng kỷ đã ngả màu vì thời gian, ông Thứ chậm rãi kể:


“Tháng 3/1943, sau khi tôi được giác ngộ cách mạng, tôi về làng Thu Quế bắt liên lạc với cụ Bùi Văn Phương (tôi gọi bằng cậu), với anh cả của tôi là Tạ Đăng Tăng cùng với 2 đồng chí nữa cùng làng là ông chú và ông em của tôi thành 5 người. Chúng tôi xuống chùa Đôi Hồi làm lễ tuyên thệ với nhau, thề trung thành với cách mạng và đặt bí danh cho nhau là Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh. Tôi là Khang”. Đó chính là Tổ nông dân Cứu quốc đầu tiên của xã Song Phượng.


“Chúng tôi bắt đầu hoạt động bằng việc nhận đi tuần để buổi tối có thể đi lại ở trong làng mà không bị nghi ngờ”- ông Thứ giải thích.


Đầu năm 1945, báo Cứu quốc khi đó đang ở Sài Sơn (Quốc Oai- Sơn Tây) bị lộ, nhiều cán bộ bị bắt, địch khủng bố ráo riết. Trung ương chỉ thị trụ sở chuyển về Song Phượng ẩn náu hoạt động. Chính tổ Việt Minh đầu tiên, trong đó có ông Thứ với lợi thế thông thạo địa bàn, đã hỗ trợ đắc lực cho việc bảo vệ các cán bộ cách mạng và công tác in ấn, phát hành báo.


“Tôi nhận nhiệm vụ đi lấy giấy ở nơi cách khoảng 30 cây số về in báo. Để tránh bị nghi ngờ, tôi đội các thúng đồ to, phía trên ngụy trang bằng mấy nải chuối. Nặng muốn vỡ cả đầu. Đi thì phải đi một mình. Tôi chọn đi tắt theo đường đồng. Đến chỗ nào mệt, vắng người thì tranh thủ ngồi nghỉ, đi từ sáng đến chiều thì về đến nơi. Giấy in được phân đều ra và để rải rác ở nhiều nhà liền. Công việc in làm suốt ngày đêm”, ông Thứ kể lại.


Ban biên tập ở trong các gia đình cơ sở cách mạng của làng. Sau khi báo in xong, công việc phát hành báo cũng rất bí mật. Chùa Đôi Hồi - đền Tam Phủ chính là trạm giao liên của các cán bộ Việt Minh khi đó, và cũng từ đây, tờ báo của Đảng tỏa đi nhiều nơi. Ông Bùi Văn Nhị, năm nay đã bước vào tuổi 75, là con trai cả của cụ Bùi Văn Phương (bí danh là Phú), một trong 5 thành viên của Tổ nông dân Cứu quốc kể lại:


Khi báo Cứu quốc chuyển về đây, chùa Đôi Hồi và đền Tam Phủ là nơi mật giao tài liệu và báo chí để chuyển đi các nơi. Các cán bộ Việt Minh vận áo the, khăn xếp như những khách thập phương đi lễ để nhận và mang tài liệu, báo đi các nơi. Nhờ được nuôi giấu trong những cơ sở cách mạng kiên trung, công việc in báo Cứu quốc diễn ra rất an toàn, bí mật. Việc đặt cơ quan báo Cứu quốc ở Song Phượng cũng là điều kiện thuận lợi cho phong trào cách mạng nơi đây phát triển.


Sau khi khởi nghĩa thành công, báo Cứu quốc chuyển về phố Trung tâm Hà Nội, ông Thứ vào cảnh vệ huyện Đan Phượng. Đến năm 1948, ông đi bộ đội.


Lưu giữ truyền thống


Hoạt động cách mạng của tổ Việt Minh đầu tiên của xã Song Phượng với danh nghĩa là Tổ nông dân Cứu quốc không thể tách rời với một phần lịch sử phát triển của báo Cứu quốc. Trong phòng truyền thống của xã trưng bày khá nhiều kỷ vật chứng tích cho thời đáng nhớ ấy. Đó là: Chiếc mâm của gia đình ông Bảy dùng để dọn cơm cho các đồng chí trong Ban biên tập của báo Cứu quốc; chiếc gối đồng chí Xuân Thủy dùng trong thời gian hoạt động cách mạng ở thôn Thu Quế; nồi đồng của gia đình ông Nguyễn Xuân Bảy nấu cơm cho cơ quan đầu não của báo Cứu quốc…


Đến nay việc giáo dục tư tưởng, phát huy truyền thống cách mạng cho người dân địa phương được địa phương đặc biệt chú trọng và luôn gắn liền với nhà truyền thống của xã. Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, vào những mùa tuyển quân, trước lúc con em nhập ngũ, xã luôn tổ chức cho con em thăm nhà truyền thống để ôn lại những trang sử đáng tự hào của quê hương. Việc khen thưởng cho các học sinh là con em trong xã đỗ cao đẳng, đại học luôn gắn với việc thăm nhà truyền thống để giáo dục cho con em ở địa phương ý thức tự hào về lịch sử xã mình. Những ngày lễ, tết, chính quyền xã trích quỹ phúc lợi để tổ chức thăm hỏi các gia đình cơ sở cách mạng.


Ông Bùi Văn Nhị, người đã 21 năm làm ở Ban quản lý Di tích chùa Đôi Hồi- đền Tam Phủ cho biết thêm: “Mùa hè, vào dịp thi cử, nhiều đoàn học sinh về thăm di tích. Tôi được dịp kể lại cho các thầy cô và các cháu học sinh, giúp các cháu hiểu thêm về lịch sử của quê hương, tiếp thêm tinh thần nhiệt tình cho lớp trẻ”.


Thời cuộc đã đổi thay, người xưa dần khuất núi nhưng những chứng tích còn lại cùng với những câu chuyện về một thời nuôi giấu các cán bộ cách mạng thời tiền khởi nghĩa vẫn đang được người dân Song Phượng hôm nay kể tiếp cho cháu con. Những câu chuyện đó sẽ lưu truyền và sống mãi.


Bài và ảnh:Mạnh Minh